Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ít nhất 24 doanh nghiệp cà phê vỡ nợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ít nhất 24 doanh nghiệp cà phê vỡ nợ

Hồng Văn

Nông dân trồng cà phê đang gặp khó với tình hình cà phê ở mức giá thấp và các đại lý nhận ký gửi liên tục vỡ nợ-Ảnh: Nguyễn Thịnh.

(TBKTSG Online) – Có ít nhất 24 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh cà phê bị vỡ nợ với thiệt hại lên tới hơn 80 tỉ đồng – theo khảo sát sơ bộ của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia cà phê, thực tế số doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và các đại lý cà phê nhỏ vỡ nợ dây chuyền còn nhiều hơn và thiệt hại còn lớn hơn bởi khảo sát của cơ quan quản lý chưa tính tới số tiền vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp.

>>Ký gửi cà phê: rủi ro đeo bám nông dân

>>Thay đổi thói quen nông dân: nhìn từ sàn cà phê

Theo Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Đắk Lắk do Sở Công Thương chủ trì, qua kiểm tra hoạt động kinh doanh ký gửi cà phê của các doanh nghiệp, đại lý trên địa bàn tỉnh này thì có đến 24 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH) và đại lý mua bán nông sản đóng cửa, ngừng hoạt động kinh doanh do vỡ nợ cà phê từ đầu năm tới nay.

Chỉ 14 doanh nghiệp trong số 24 doanh nghiệp nói trên đã nhận ký gửi cà phê và huy động tiền của nông dân trồng cà phê có trị giá lên tới hơn 80 tỉ đồng. Các doanh nghiệp còn lại chưa xác định cụ thể số thiệt hại vì việc nhận ký gửi và huy động vốn của các doanh nghiệp làm đại lý kinh doanh cà phê quá phức tạp, đan xen với nhiều đại lý, nhiều công ty khác.

Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ đang làm việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên thì thiệt hại do vỡ nợ cà phê nhận ký gửi của nông dân lớn hơn nhiều, bởi ngoài cà phê và tiền huy động của nông dân, các doanh nghiệp còn vay vốn ngân hàng, dùng cà phê của nông dân ký gửi trong kho để thế chấp.

Tập quán ký gửi cà phê đã xuất hiện ở Tây Nguyên hơn chục năm qua, được xem là một phương thức hay khi nông dân không có kho bãi và có thói quen bán ngay sau khi thu hoạch và bóc vỏ lấy nhân cà phê. Do vậy, để tránh thiệt hại về giá cho nông dân, các doanh nghiệp, đại lý cà phê nhận cà phê ký gửi của nông dân và khi nào nông dân thấy giá lên hay lúc cần tiền thì tới đại lý chốt giá bán lượng cà phê mình đã gửi. Trong thời gian ký gửi, nông dân có thể vay mượn tiền, thậm chí nhận đầu tư phân bón, máy móc của các đại lý và cấn trừ khi chốt giá bán cà phê.

Từ ký gửi cà phê thật, các đại lý kinh doanh cà phê tiến tới huy động vốn của nông dân bằng cách nhận tiền mặt nhàn rỗi của nông dân và quy ra cà phê như phương thức gửi cà phê thật nhưng có trả lãi như nông dân gửi tiết kiệm.

Đợt cà phê giảm giá từ cuối năm ngoái tới nay đã khiến nhiều đại lý cà phê vỡ nợ dây chuyền, bởi các đại lý cà phê có mối quan hệ ký gửi cà phê và huy động vốn từ đại lý nhỏ ở thôn buôn, tới đại lý ở xã, doanh nghiệp tư nhân ở huyện và thậm chí là nhà xuất khẩu.

Gần như các vụ vỡ nợ trong kinh doanh cà phê ở Việt Nam nhiều năm qua diễn ra theo một quy luật: khi giá cà phê tụt giảm thì đại lý, doanh nghiệp tư nhân cung ứng cà phê cho nhà xuất khẩu bị vỡ nợ, còn khi giá cà phê tăng cao thì nhà xuất khẩu vỡ nợ hoặc thua lỗ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới