Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

JETRO: công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã cải thiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

JETRO: công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã cải thiện

Quốc Hùng

JETRO: công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã cải thiện
Ông Hirotaka Yasuzumi (giữa), Giám đốc điều hành của JETRO tại TPHCM, cùng lãnh đạo của Reed Tradex và ITPC ký hợp tác tổ chức "Triển lãm liên minh các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ 2015" trong khuôn khổ triển lãm Metalex Việt Nam 2015 – Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Tổ chức xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) nhận định ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã được cải thiện hơn, thể hiện qua tỷ lệ cung ứng nội địa cho các doanh nghiệp Nhật Bản đã gia tăng đáng kể.

Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành của JETRO tại TPHCM cho biết theo khảo sát mới nhất của JETRO, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam đã được cải thiện, tăng từ tỷ lệ 22% của 4 năm trước lên 32% trong năm 2014. Thông tin được đưa ra tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác "Triển lãm liên minh các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ 2015" diễn ra tại TPHCM hôm nay 11-6.

Tuy nhiên theo ông Yasuzumi, việc cải thiện này chủ yếu là dựa vào doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong khi đóng góp của doanh nghiệp trong nước không nhiều. 

Trong cùng thời gian trên, theo JETRO, những nước khác trong khu vực dù không có mức tăng trưởng đáng kể hoặc thậm chí giảm chút ít về tỷ lệ cung ứng nội địa so với thời gian trước đó nhưng vẫn cao hơn Việt Nam. Cụ thể tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam trong năm 2014 vẫn còn thấp khi so với mức 64% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan.

Người đứng đầu của JETRO tại TPHCM cho rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung và của Nhật Bản nói riêng vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao, điều này đòi hỏi doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao khả năng cung ứng nội địa hơn nữa cho các nhà đầu tư.

Tương tự, ông Duangdej Yuaikwarmdee, phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex (Thái Lan), đơn vị tổ chức chuyên ngành triển lãm về máy móc thiết bị công nghiệp METALEX ở Việt Nam và Thái Lan, cho rằng hiện nay Việt Nam đang trở thành điểm đến quan trọng của các dòng đầu tư nước ngoài, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu phụ tùng công nghiệp trong nước.

Điều quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, theo ông Yasuzumi, ngoài việc có thị trường tại chỗ rộng lớn, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa để các doanh nghiệp phát triển vì khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi tham gia vào ngành này hiện nay vẫn là vốn và công nghệ.

"Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại. Trong tình hình đó, chính sách ưu đãi về thuế, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng, thủ tục hành chính… được xem là những giải pháp tiên quyết nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư," ông Yasuzumi lưu ý.

Những chính sách ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện nay, theo ông Yasuzumi, vẫn chưa có tác dụng. Tuy nhiên, ông Yasuzumi cho rằng thông tin mà lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời trong một bài phỏng vấn cho biết Quốc hội đã nhận ra được tầm quan trọng của doanh nghiệp bản địa và bắt đầu thảo luận để đưa ra “Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” là rất tích cực.

"Tôi đánh giá cao hành động này của Chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vì việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ bản địa là điều tối quan trọng để làm tăng tỷ lệ cung ứng nội địa của doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư làm ăn," ông Yasuzumi nói.

Triển lãm về ngành công nghiệp hỗ trợ trong triển lãm METALEX Vietnam

Là một phần của triển lãm gia công kim loại lớn nhất ASEAN, triển lãm METALEX Vietnam năm nay sẽ diễn ra tại Trung tâm triển lãm SECC, Quận 7, TPHCM từ ngày 8 đến ngày 10-10-2015. Tại triển lãm, các nhà cung cấp quốc tế sẽ giới thiệu các sản phẩm và giải pháp mới trong lĩnh vực này.

"Triển lãm Liên minh các Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ 2015" được JETRO TPHCM và Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư phối hợp tổ chức nhằm khuyến khích các nhà sản xuất phụ tùng liên hệ trực tiếp với bên mua Nhật Bản – những người sẽ trưng bày các linh kiện và phụ tùng mà họ muốn tìm nguồn cung cấp tại Việt Nam. Việc này cũng sẽ cho phép doanh nghiệp thấy trước những nhu cầu trong tương lai để có thể phát triển các chiến lược và hệ thống sản xuất phục vụ các nhu cầu này một cách hiệu quả hơn.

Theo ông  Hirotaka Yasuzumi, sự kiện liên minh doanh nghiệp năm ngoái đã thành công với hơn 700 giao dịch kết nối doanh nghiệp, tăng 60% so với năm 2013.


Mời đọc thêm:

>>> Ưu đãi thuế ngành công nghiệp hỗ trợ: Bình mới, rượu cũ?

>>> TPHCM vẫn loay hoay tìm hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới