Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Jetstar Pacific lại bị cảnh báo về thương hiệu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Jetstar Pacific lại bị cảnh báo về thương hiệu

Mộng Bình

Jetstar Pacific chưa buộc phải thay ngay chữ Jet và ngôi sao trên thân máy bay, nhưng phải gỡ các biển hiệu có biểu tượng này tại các sân bay trước 30-6 – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã yêu cầu lãnh đạo hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific phải dỡ bỏ tất cả các biển hiệu có biểu tượng chữ Jetstar hoặc Jet và hình ngôi sao màu cam tại các sân bay trước ngày 30-6-2010.

Trong văn bản gửi Jetstar Pacific vào đầu tuần, cục cũng khuyến cáo hãng hàng không lớn thứ hai này của Việt Nam phải tháo tất cả các biển quảng cáo có logo và biểu tượng của Jetstar Airways (Úc). Hãng phải báo cáo kế hoạch về xây dựng thương hiệu riêng như đã được yêu cầu bởi Bộ Giao thông Vận tải để người tiêu dùng không nhầm lẫn hãng hàng không của Việt Nam với hãng hàng không của Úc.

Ông Võ Huy Cường, Trưởng phòng vận tải hàng không của Cục Hàng không, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng Cục Hàng không đã yêu cầu Jetstar Pacific phải báo cáo kế hoạch sử dụng biểu tượng riêng thay cho biểu tượng và logo mà hãng đang sử dụng của đối tác Úc là Jetstar Airways.

Việc xây dựng thương hiệu và biểu tượng riêng rất quan trọng đối với Jetstar Pacific do đây là một trong các yêu cầu bắt buộc nếu hãng muốn được xem xét cấp giấy phép bay mới, vì giấy phép đã được cấp của hãng sẽ hết hạn vào ngày 15-10-2010.

Ông Cường cũng nói thêm, lãnh đạo Jetstar Pacific báo cáo rằng chưa thể có logo và biểu tượng riêng vì họ cần có thời gian để đàm phán với cổ đông, đối tác nước ngoài là Qantas Airways và Jetstar Airways.

Qantas đang nắm 27% cổ phần của Jetstar Pacific và có quyền nâng lên 30% theo như thỏa thuận mà Qantas đã ký với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – cổ đông chính của Jetstar Pacific.

Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific vào tháng 5-2008 và sử dụng thương hiệu và biểu tượng của Jetstar Airways theo thỏa thuận hợp tác chiến lược mà hai bên đã ký trước đó. Jetstar Pacific cũng muốn sử dụng thương hiệu Jetstar để củng cố, phát triển mạng đường bay nội địa trước khi vươn ra thị trường châu Á vì Jetstar là một thương hiệu mạnh tại khu vực.

Cục Hàng không đã cảnh báo Jetstar Pacific không lâu sau khi hãng sử dụng logo và biểu tượng trên cho các hoạt động quảng cáo và thương mại. Ngày 2-11-2009, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã yêu cầu Jetstar Pacific phải xây dựng biểu tượng riêng cho các hoạt động quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của mình tại cuộc họp tại Hà Nội với đại diện của SCIC và Jetstar Pacific.

Các quy định về logo và biểu tượng cũng sẽ được áp dụng với trường hợp của Hãng hàng không tư nhân VietJet Air. Ông Cường nói VietJet Air sẽ phải xây dựng thương hiệu riêng, không được dùng chung logo và biểu tượng của đối tác nước ngoài là AirAsia nếu hãng muốn được cấp thương quyền bay.

Ông Cường cho biết thêm việc sử dụng biểu tượng và logo của Jetstar Airways trong thời gian qua không phải là nguyên nhân chính khiến Jetstar Pacific không được cấp thương quyền bay quốc tế. Thực ra, Jetstar Pacific đã được cấp thương quyền khai thác các chuyến bay từ Việt Nam đến Singapore, Thái Lan và Campuchia vào năm 2008, nhưng đã mất hiệu lực vì hãng đã không sử dụng sau 12 tháng được cấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới