JICA mới viện trợ toàn diện hơn
(TBKTSG Online) – Từ ngày 1-10, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và bộ phận Hoạt động hợp tác Kinh tế hải ngoại Nhật Bản (OECOs) thuộc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) sẽ được sát nhập, trở thành cơ quan viện trợ song phương lớn nhất thế giới.
Theo JICA, đây là lần đầu tiên, một cơ quan viện trợ của Nhật Bản cùng lúc có thể thực hiện cả ba hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản, bao gồm: hợp tác kỹ thuật (cử chuyên gia sang giúp đỡ, đào tạo học viên, nghiên cứu phát triển); cung cấp các khoản vốn ODA của JBIC trong khuôn khổ hoạt động hợp tác kinh tế hải ngoại Nhật Bản; và hỗ trợ một phần viện trợ không hoàn lại do Bộ ngoại giao Nhật thực hiện trước đây.
Nhờ vậy, JICA mới có thể tiến hành các hoạt động viện trợ một cách toàn diện hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển, từ xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn đến những dự án hợp tác kỹ thuật ở cấp cơ sở.
“JICA sẽ trở thành một cơ quan viện trợ phát triển song phương lớn nhất thế giới, với phạm vi hoạt động tại 150 quốc gia”, đại diện JICA Việt Nam nói.
JICA mới sẽ hoạt động dựa trên nguyên tắc 3S – Speed up, Scale up và Spread out. “Speed up” là đẩy nhanh việc thực hiện các dự án; “Scale up” là tăng quy mô các dự án thí điểm thành công; và “Spread out” là nhân rộng các hoạt động viện trợ bằng các hoạt động tại cộng đồng và kết hợp hợp tác cấp cơ sở với các tổ chức phi chính phủ, tình nguyện viên, chuyên gia và các tổ chức tư nhân.
JICA cho biết, mô hình mới sẽ có nguồn ngân quỹ khoảng 10 tỉ đô la Mỹ với số lượng nhân viên hơn 1.600 người và hàng ngàn chuyên gia, tư vấn và các tình nguyện viên đang làm việc cho hàng trăm dự án viện trợ.
THÀNH TRUNG