Thứ Ba, 30/05/2023, 09:41
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Jones Lang LaSalle sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Jones Lang LaSalle sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam

Tổng giám đốc của Jones Lang Lasalle tại châu Á-Thái Bình Dương, ông Peter Barge – Ảnh: MỘNG BÌNH

(TBKTSG Online)- Jones Lang LaSalle, một công ty cung cấp dịch vụ địa ốc và quản lý tài chính lớn trên thế giới, đang có kế hoạch đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam thay vì chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường.

Tổng giám đốc của công ty tại châu Á-Thái Bình Dương, ông Peter Barge, đã cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết các kế hoạch đầu tư mà công ty sẽ thực hiện tại Việt Nam nhân chuyến công tác đến TPHCM lần đầu tiên trong tuần qua.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Phải chăng ông đến đây không chỉ để dự hội nghị cấp vùng của công ty mà còn chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư sắp tới của Jones Lang LaSalle tại Việt Nam?

Ông Peter Barge: Chúng tôi hiện có sẵn 50 tỉ đô la Mỹ tại các quỹ mà chúng tôi đang quản lý. Các quỹ này đã đầu tư nhiều vào châu Á, và đang tìm cơ hội để đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi dự kiến dành từ 15 triệu đô la Mỹ đến vài tỉ đô la cho các dự án ở Việt Nam, và số tiền đầu tư sẽ thay đổi tùy thuộc vào các đối tác và cơ hội mà chúng tôi tìm thấy tại đây.

Thực ra chúng tôi không có một ngân sách nhất định cho một thị trường cụ thể nào vì điều này phụ thuộc vào tính hiệu quả mà số tiền đầu tư mang lại. Tiền của chúng tôi sẽ chảy vào Việt Nam nhiều và nhanh hơn nếu như chúng tôi hiểu biết về thị trường này tốt hơn, và quá trình minh bạch hóa tại đây diễn ra nhanh hơn.

Đâu là các lĩnh vực đầu tư mà Jones Lang LaSalle nhắm tới tại Việt Nam?

Các dự án mà chúng tôi quan tâm liên quan đến các lĩnh vực công nghiệp, khách sạn, bán lẻ và thương mại tại Việt Nam. Tôi nghĩ ngành khách sạn sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm sắp tới vì hiện nay Việt Nam đang cần các dự án khách sạn tốt để cung cấp cho thị trường và hỗ trợ ngành du lịch phát triển.

Tôi cũng rất tin tưởng vào sự thành công của lĩnh vực quản lý dự án vì hiện nay chúng tôi có hơn 800 nhà quản lý dự án ở châu Á, do vậy chúng tôi tin là công ty sẽ phát triển nhanh trong lĩnh vực này. Có thể chúng tôi sẽ mua lại một vài doanh nghiệp để đạt được bước khởi đầu nhanh hơn.  

Chúng tôi không đặt ưu tiên cho lĩnh vực nào cả. Các dự án có thể là một khu liên hợp bao gồm các công trình, dịch vụ trong các lĩnh vực này. Các vị trí mà chúng tôi nhắm tới để thực hiện các dự án có thể là khu ven các thành phố lớn vì hiện nay thật khó tìm được một mảnh đất tốt tại khu trung tâm thành phố ở Việt Nam.

Nhiều người cho rằng việc giá nhà đất tăng cao, và dự án của họ chậm triển khai vì chính quyền chậm giao đất cho họ khiến cung không đáp ứng được cầu. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?

Đúng là hiện nay rất khó để nhận được đất tại các thành phố lớn tại Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều người, nhiều công ty nhận đất xong rồi để đó chờ tăng giá rồi sang tên kiếm lời mà chẳng phải làm gì để tăng thêm giá trị cho mảnh đất mà họ đã nhận. Do vậy, các cơ quan chính quyền cần phải buộc các chủ dự án phải tiến hành xây dựng khi họ đã có đất trong tay.

Các nhà đầu tư cũng cần để mắt tới các khu đất ngoài thành phố vì như thế họ có thể khởi công dự án nhanh hơn. Họ cũng cần nghiên cứu cách mà các công ty tại các nước trong khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ đã và đang làm. Các công ty này thường đầu tư vào các khu đất gần thành phố để xây lên các thành phố vệ tinh, khu đô thị, khu công nghiệp. Việc này sẽ tạo điều kiện cho họ dễ dàng quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng như họ mong muốn.

Ông nghĩ gì về việc một công ty bất động sản hàng đầu của thế giới mới đây đưa ra kết quả khảo sát TPHCM là một trong những nơi có giá thuê văn phòng cao nhất thế giới?

Thực ra chi phí thuê văn phòng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí của các doanh nghiệp. Chúng tôi đến đây không phải vì nhiều người nói rằng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt. Chúng tôi đến đây để chứng kiến mọi thứ thay đổi ra sao, việc phát triển diễn ra như thế nào tại một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Tôi nghĩ Chính phủ cần có những chính sách minh bạch hơn, đầu tư nhiều hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục để các công ty có thể tìm được nhân viên giỏi. Cũng cần nói rằng thiếu hụt nhân lực là vấn đề chung của các nền kinh tế mới nổi chứ không chỉ riêng tại Việt Nam vì kinh tế phát triển nhanh hơn nhiều khả năng đào tạo. Tuy nhiên, mối bận tâm của các công ty đang hoạt động tại châu Á hiện nay là lương tăng quá cao so với các khu vực khác, và tăng gấp đôi vào năm ngoái.

Ông có thể dự đoán giá cả nhà đất và thị trường địa ốc Việt Nam sẽ như thế nào khi đã có dấu hiệu phát triển chững lại do các chính sách mới ban hành gần đây?

Tất cả các nền kinh tế mới nổi đều gặp phải những vấn đề liên quan đến giá cả nhà đất và thị trường tăng quá nóng. Điều này đã xảy ra ở Trung Quốc, Nga và Brazil cách đây 10 năm và những quốc gia khác trên thế giới. Kết quả là thị trường phát triển quá nhanh và Chính phủ đưa ra hàng loạt các biện pháp để chấn chỉnh thị trường.

Tuy nhiên, đầu cơ luôn là vấn đề lớn nhất cần phải giải quyết, và thường xảy ra ở các dự án nhà ở hơn là các lĩnh vực khác. Nhiều người gom tiền mua nhà, căn hộ để chờ giá lên cao rồi bán đi kiếm lời, do vậy đẩy giá lên đến mức không tưởng. Nhiều người còn vay cả tiền ngân hàng để đầu cơ vào địa ốc, làm ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Chính vì thế mà cần phải giải quyết tốt vấn đề đầu cơ. Theo tôi, đây là lúc mà Chính phủ cần phải vào cuộc để làm nguội thị trường. Tất nhiên là thị trường sẽ bị ảnh hưởng nhưng thị trường sẽ phát triển bền vững hơn khi nó phát triển trở lại.

Xin cảm ơn ông.

MỘNG BÌNH thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới