Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ, thâu tóm First Republic Bank

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 1-5, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) thông báo tiếp quản Ngân hàng First Republic Bank (FRB) và bán phần lớn hoạt động của FRB cho cho JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

Thỏa thuận chóng vánh này nhằm ngăn chặn một cú sụp đổ hỗn loạn, có thể khơi dậy lại cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Tuy nhiên, giới đầu tư lo ngại các quy định siết chắt quản lý ngành ngân hàng trong thời gian tới và và tình trạng hạn chế cho vay có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế Mỹ vốn đang mong manh.

Jamie Dimon, CEO của JPMorgan, quyết định mua lại phần lớn hoạt động của First Republic Bank với các điều khoản hỗ trợ của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). Ảnh: Bloomberg/Reuters

JPMorgan cho biết sẽ tiếp quản tất cả 92 tỉ đô la Mỹ tiền gửi ở FRB bao gồm cả những khoản tiền không được bảo hiểm. Ngân hàng này cũng mua lại hầu hết tài sản của FRB, bao gồm khoảng 173 tỉ đô tiền cho vay và 30 tỉ đô la chứng khoán.

Như một phần của thỏa thuận, FDIC nhất trí chia sẻ với JPMorgan về khoản lỗ đối với các khoản cho vay của FRB. FDIC ước tính sẽ thiệt hại 13 tỉ đô la trong thương vụ này. JPMorgan sẽ nhận được khoản vay hỗ trợ 50 tỉ đô la từ FDIC với thời hạn 5 năm.

FDIC thông báo 84 chi nhánh của FRB ở 8 bang mở cửa trở lại vào hôm 1-5 nhưng sẽ thuộc sở hữu JPMorgan. Khách hàng có thể tiếp cận đầy đủ các khoản tiền gửi của họ. Động thái này bảo vệ những người gửi tiền FRB  nhưng có thể khiến các cổ đông của ngân hàng này mất trắng. Cổ phiếu của First Republic bị tạm dừng giao dịch vào sáng 1-5.

FRB, có trụ sở tại San Francisco, là ngân hàng lớn thứ hai sụp đổ trong lịch sử Mỹ do làn sóng rút tiền của khách hàng sau cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank. FRB ghi nhận khách hàng đã rút khoảng 100 tỉ đô la tiền gửi trong tháng 3. Vấn đề của ngân hàng này không chỉ là khoản đầu tư trái phiếu đang bị thua lỗ hàng tỉ đô la trên sổ sách, mà còn là khoản cho vay thế chấp khổng lồ đối với khách hàng giàu có. Trước đây, FRB đã cho vay thế chấp với lãi suất cực thấp và cho phép khách hàng không trả nợ gốc trong 10 năm đầu tiên. Giờ đây, khi lãi suất tăng nhanh chóng, khoản cho vay thế chấp đó mất giá nghiêm trọng.

Hồi đầu năm nay, FRB cho biết nếu bán, khoản cho vay chấp đó sẽ thấp hơn khoảng 19 tỉ đô la so với giá trị ban đầu.

FRB đã xoay sở tìm phương án củng cố sức khỏe tài chính trong nhiều tuần sau khi nhận được khoản tiền gửi giải cứu 30 tỉ đô la từ một nhóm các ngân hàng lớn nhất của Mỹ. JPMorgan cho biết khoản tiền gửi đó sẽ được hoàn trả sau khi thỏa thuận thâu tóm FRB hoàn tất

Ba trong số bốn vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ  đã xảy ra trong hai tháng qua. FRB, có khoảng 233 tỉ đô la tài sản vào cuối quí 1, chỉ đứng sau cú sụp đổ của nhân hàng Washington Mutual vào năm 2008.

Thỏa thuận trên có thể giúp JPMorgan trỗi dậy với quy mô lớn hơn từ cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại. JPMorgan đã nhận được khoảng 50 tỉ đô la tiền gửi mới từ những khách hàng hoảng loạn, muốn chuyển tiền của họ đến “một ngân hàng quá lớn để sụp đổ” sau cơn khủng hoảng hồi tháng 3 với tâm điểm là cú sụp đổ của SVB.

Tính đến quí 1, JPMorgan có 2,4 nghìn tỉ đô la tiền gửi. JPMorgan giải thích ngân hàng này tham gia đấu giá mua lại FRB vào hôm 28-4 theo đề nghị của FDIC để giúp ổn định hệ thống tài chính. JPMorgan sẽ ghi nhận khoản lãi một lần 2,6 tỉ đô la từ thương vụ thâu tóm FRB, nhưng dự kiến chi 2 tỉ đô la cho chi phí tái cấu trúc trong 18 tháng tới.

“Có rất nhiều ngân hàng gặp khó khăn theo kiểu tương tự như FRB nhưng thương vụ này gần như giải quyết được tất cả. Phần này của cuộc khủng hoảng đã kết thúc”, Jamie Dimon, CEO của JPMorgan, cho biết vào hôm 29-4. Tuy nhiên, tại Hội nghị toàn cầu của Viện Milken ở Los Angeles (Mỹ) hồi đầu tuần này, các nhà quản lý tài sản, quỹ hưu trí và giám đốc điều hành ngân hàng lo ngại tình trạng hạn chế cho vay do giới chức trách siết chặt quản lý ngành ngân hàng trong thời gian tới có thể gây tắc nghẽn nguồn tín dụng cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ phục hồi.

Phát biểu tại hội nghị David Hunt, CEO của Công ty quản lý tài sản toàn cầu PGIM, cho biết động thái JPMorgan Chase mua lại FRB mang lại chút nhẹ nhõm nhưng trên thực tế, các hệ lụy từ cuộc khủng hoảng ngân hàng đối với nền kinh tế “chỉ mới bắt đầu”.

Cả FRB và Washington Mutual hiện đều thuộc sở hữu của JPMorgan. Thỏa thuận mua lại Washington Mutual vào năm 2008 đã giúp JPMorgan mở rộng mạng lưới ở California và Florida. Nhưng thương vụ này cũng kéo theo nhiều năm rắc rối pháp lý liên quan đến các khoản cho vay thế chấp của Washington Mutual

Ông Dimon đã đóng một vai trò quan trọng trong những nỗ lực trước đó để giải cứu FRB. Ngân hàng của ông là một trong những bên đóng góp lớn nhất trong khoản tiền gửi 30 tỉ đô la chuyển cho FRB. Các chuyên gia của JPMorgan được thuê để tư vấn cho FRB về các phương án củng cố tình hình tài chính.

Là ngân hàng lớn nhất nước, JPMorgan thường bị cấm mua lại một ngân hàng khác vì đang nắm giữ hơn 10% lượng tiền gửi của người dân Mỹ. Nhưng các cơ quan quản lý của Mỹ có thể bỏ qua giới hạn này trong trường hợp cần thiết.

Theo WSJ, Bloomberg

1 BÌNH LUẬN

  1. Cuộc chơi chưa dừng lại. Những ngân hàng nhỏ bị thâu tóm. Những ngân hàng lớn càng lớn hơn. “Too small to survive” là một thực tế. Nhưng “Too big to manage” lại là một thực tế khác. Các nhà lập pháp có lẽ phải bận tâm nhiều vấn đề hơn trong thời gian đến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới