Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kagoshima: Địa linh nhân kiệt – Kỳ 3: Kaimon-dake và Kamikaze

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kagoshima: Địa linh nhân kiệt – Kỳ 3: Kaimon-dake và Kamikaze

Trương Văn Tân

Ngọn Kaimon-dake. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Buổi sáng hôm sau tôi lững thững đi dọc theo hành lang nhà khách thì cô phục vụ trong bộ áo kimono từ đằng xa gập đầu chào tôi. Cô ấy đứng tại chỗ chờ tôi bước đến gần rồi vồn vã chỉ ra ngoài bảo, “Ông có thấy gì không? Núi Kaimon-dake đấy …”, “Ồ … à… Kaimon-dake”, tôi ngập ngừng lập lại, nghĩ bụng không biết núi gì mà quan trọng đến thế.

Kaimon-dake theo tiếng Hán là Khai Văn Nhạc, một ngọn núi lửa còn trong thời kỳ hoạt động. Chữ “nhạc” trong tiếng Hán có nghĩa là ngọn núi cao mặc dù Kaimon không hơn 1.000 mét. Ngọn núi nổi lên giữa một cánh đồng bằng phẳng, đứng uy nghi một mình ở ngay mũi đất cực nam của Kagoshima, cũng là cực nam của đảo Kyushu và toàn thể quần đảo Nhật Bản (không kể Okinawa).

Đối với những người lính viễn chinh trở về trên các chiến thuyền của Satsuma-han hay trên các chiến hạm hải quân của “Dai Nippon Teikoku” (Đại Nhật Bản đế quốc) trong đệ nhị thế chiến, nó là một hình tượng của quê hương và tổ quốc. Họ vui mừng và cảm xúc đến khóc òa khi thấy Kaimon mờ mờ xuất hiện từ xa tiếp giáp với đường chân trời như một người mẹ mòn mỏi giang tay đứng chờ. Họ biết từ đây sẽ là một bầu trời bình yên và trước mắt là mái nhà ấm áp với những vòng tay của thân bằng quyến thuộc.

Cách Kaimon-dake không xa là một căn cứ xuất quân của các chuyến bay cảm tử Kamikaze (Thần Phong) trong những ngày cuối cùng của đệ nhị thế chiến khi hạm đội Mỹ bắt đầu công phá Okinawa. Tên chính thức của phi đoàn cảm tử là “Đặc biệt công kích đội” (Tokkotai).

Chiến đấu cơ Kamikaze. Ảnh: Trương Văn Tân

Bây giờ sân bay đã biến thành công viên với một tòa nhà bảo tồn di ảnh và di bút của các phi công cảm tử. Nhà bảo tồn trưng bày hơn 1.000 bức ảnh bán thân cá nhân và bức thư cuối cùng của những phi công cảm tử đã hy sinh trong chiến dịch. Người trẻ nhất vừa hơn 17, người già nhất không quá 30. Những bức thư chỉ gởi cho người Mẹ, không có sự hiện diện người cha, người vợ hay người yêu trong những dòng di bút cuối cùng này. Trước giây phút lâm chung, tôi có cảm giác những người trẻ can đảm này rất hoang mang, không thể bày tỏ hết những điều mình muốn nói.

Dài thì một trang giấy viết bằng bút lông, ngắn thì hai hàng. “Kính thưa Mẹ“, “Mẹ kính yêu“, “Viết cho Mẹ“…. “Vài ngày nữa con sẽ bay về phía Nam hoàn thành nghĩa vụ “quyết tử”. Em Chieko có đi học đều đặn và con chó nhà có ngoan không Mẹ? Cho con gởi lời thăm gia đình chú Ando hàng xóm. Xin Mẹ kính yêu và mọi người ở lại bình yên. Vĩnh biệt Mẹ. Đứa con bất hiếu: Taro” hay hùng dũng hơn với câu “Thân này xá chi, tàu địch phải chìm“. Tôi không tìm thấy dòng chữ “Thiên Hoàng bệ hạ vạn tuế” (Tenno heika banzai) trong những di bút này, dù đây là câu nói đầu môi của những người lính Thiên Hoàng.

Con đường bay độc đạo của các chiến đấu cơ Kamikaze hướng về phía núi Kaimon. Khi xuất chinh, Kaimon lúc nào cũng sừng sững xuất hiện trước mắt người phi công, họ phải bay qua đỉnh núi rồi từ đó tiếp tục bay về phía nam truy lùng các chiến hạm Mỹ với lượng xăng vừa đủ cho một chuyến đi không trở lại. Đầu họ chít khăn trắng đề hai chữ “Quyết tử” (quyết chết) hay “Tất tử” (phải chết), họ choàng chiếc khăn len quanh cổ hay đeo trước ngực con thú nhồi bông, những món quà vô vàn thân thương của người mẹ, người chị, người yêu, người vợ hay đứa em gái ở quê nhà gởi tặng.

Vượt qua đỉnh Kaimon những người phi công cảm tử lúc nào cũng lưu luyến ngoái đầu nhìn lại Kaimon, như đang bịn rịn chia tay với người mẹ, với quê hương, nhìn cho đến khi Kaimon khuất bóng trong những cụm mây dày đặc… Chiến dịch quyết tử của Tokkotai là đòn phép cuối cùng của thủ tướng quân phiệt Nhật, Tojo Hideki. Chiến dịch đã hy sinh hơn 1.000 người thanh niên ưu tú, một số chết vì tai nạn, khi thì đâm vào núi Kaimon, khi thì đâm xuống biển vì những phi công chỉ được huấn luyện gấp rút sơ sài, nhưng cũng gây tổn thất nặng cho hạm đội Mỹ trên đường tiến đến Okinawa. Không hơn mười người may mắn quay trở lại vì máy bay trục trặc và sau này trở thành chứng nhân lịch sử.

Vượt qua đỉnh Kaimon những người phi công cảm tử lúc nào cũng lưu luyến ngoái đầu nhìn lại. Ảnh: núi Kaimon-dake nhìn từ máy bay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới