Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

KCN sẽ phải chuyển đến vùng khó khăn hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

KCN sẽ phải chuyển đến vùng khó khăn hơn

Tư Hoàng

KCN sẽ phải chuyển đến vùng khó khăn hơn
Các KCN, KCX dù mang lại hiệu quả kinh tế, song cũng làm nảy sinh những vấn đề xã hội khi không hiệu quả. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Chính phủ đang xem xét ban hành một nghị định nhằm bảo vệ 3,8 triệu hecta đất trồng lúa nước trước nguy cơ bị thôn tính bởi các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được xây dựng không tuân theo quy hoạch. Muốn phát triển tiếp, KCN sẽ phải chuyển đến vùng khó khăn hơn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định điều này tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển KCN, KCX do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (17/2) tại Hà Nội.

Phát biểu với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các bộ ngành, ông nói: “Chính phủ sẽ ra nghị định quản lý 3,8 triệu ha đất lúa nước, trong đó 3,2 triệu ha là quản lý liên ngành.  Nghị định này sẽ quy định rất chặt chẽ về quản lý”.

Ông cảnh báo lãnh đạo các địa phương phải cẩn thận với việc phát triển các KCN, KCX: “Các đồng chí phải kiên quyết không lấy đất lúa nước làm KCN. Tới đây các KCN sẽ phải chuyển đến các vùng khó khăn hơn”.

“Mục tiêu trước mắt là tạm dừng phát triển các KCN, KCX mới, nếu chưa lấp đầy. Các đồng chí không thể vẽ ra nhiều khu mà hiệu quả thấp. Các đồng chí nói doanh nghiệp muốn vào (đầu tư KCN), nhưng phải thuyết phục họ và phải kiên quyết việc này”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước đã có 283 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 76.000 ha. Đến cuối năm 2011, các KCN, KCX đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỉ đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 27 tỉ đô la Mỹ (bằng 45%).

Hàng năm vốn FDI vào KCN, KCX chiếm từ 35 – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Các KCN, KCX đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 2 triệu đô la Mỹ/ha; giá trị xuất khẩu 1,27 triệu đô la Mỹ/ha; nộp ngân sách khoảng 1,38 tỉ đồng/ha.

Cảnh báo của Phó thủ tướng đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo nhiều địa phương đã cấp phép nhiều KCN, KCX trong thời gian qua như là một trong những giải pháp cơ bản nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có khoảng 65% diện tích các KCN được lấp đầy. Ở nhiều địa phương, các nhà đầu tư KCN đã lấy đất của nông dân mà không đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn đến lãng phí đất đai.

Ông Hải lo ngại về thực trạng này. Ông nói: “Các đồng chí phải ưu tiên tập trung vào các dự án có khả năng lấp đầy, kiên quyết tránh tình trạng bỏ hoang đất đai. Cần phải làm cuốn chiếu và để dân khai thác đất đai đấy, chứ không phải lấy hết như các đồng chí đã nêu… Phải thực hiện nghiêm ngặt thời gian, vì nó (lấy đất) tạo ra bức xúc trong nông thôn và không tạo ra sự phát triển ổn định cho chúng ta”.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đầu tư KCN, KCX kiến nghị Chính phủ tiếp tục các ưu đãi cho họ, nhằm làm Việt Nam cạnh tranh hơn các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia trong thu hút vốn FDI.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, và đang đàm phán gia nhập các khu vực mậu dịch tự do nên “dư địa ưu đãi không còn nhiều”.

Ông nói: “Bản thân các nhà đầu tư góp ý, Việt Nam ưu đãi nhiều hơn các nước. Vấn đề là lãnh đạo địa phương phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, sát cánh với nhà đầu tư, cùng thành công, chia sẻ thất bại với họ”.

Phó thủ tướng yêu cầu các KCN, KCX phải lấp đầy 70% diện tích đến năm 2015 và 80% vào năm 2020.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước đã có 283 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 76.000 ha. Đến cuối năm 2011, các KCN, KCX đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỉ đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 27 tỉ đô la Mỹ (bằng 45%). Hàng năm vốn FDI vào KCN, KCX chiếm từ 35 – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Các KCN, KCX đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 2 triệu đô la Mỹ/ha; giá trị xuất khẩu 1,27 triệu đô la Mỹ/ha; nộp ngân sách khoảng 1,38 tỉ đồng/ha.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, thu nhập của phần đông công nhân trong các KCN, KCX chỉ xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng, là mức tương đối thấp. Nhiều công nhân phải làm tăng ca thêm nhiều. Các doanh nghiệp và Nhà nước mới chỉ đảm bảo được 20% chỗ ở cho công nhân, 80% còn lại phải thuê các nhà trọ với điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Ông cho biết, trong 3.000 cuộc đình công trong năm ngoái trên toàn quốc, thì 70% là trong các KCN, KCX.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới