Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kế hoạch 700 tỉ đô la vô hiệu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kế hoạch 700 tỉ đô la vô hiệu?

Bảng điện tử thể hiện giá chứng khoán ở một sàn giao dịch tại Thượng Hải ngày thứ Ba, 7-10. Chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm mạnh ngay hai phiên đầu tuần -Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Chương trình bình ổn kinh tế 700 tỉ đô la của chính phủ Mỹ, nhằm mục đích khôi phục niềm tin trong nền kinh tế, hóa ra lại gióng lên một tiếng chuông cảnh báo trên toàn cầu, thể hiện ngay trong hai phiên giao dịch chứng khoán đầu tuần.

Tâm lý lo sợ bao trùm thị trường

Nhà đầu tư ồ ạt bán ra vì lo ngại gói giải pháp của Mỹ quá ít và quá trễ để đẩy lùi một cơn khủng hoảng trên toàn thế giới, đẩy tất cả các chỉ số rớt ở những mức kỷ lục.

Tất cả bắt đầu từ cuộc khủng hoảng cho vay bất động sản ở Mỹ, kéo theo hàng loạt ngân hàng và công ty tài chính sụp đổ và ảnh hưởng dây chuyền đến bao nhiêu nhà đầu tư khắp thế giới. Kế hoạch giải cứu của chính phủ Mỹ hy vọng xử lý tận gốc rễ vấn đề bằng cách mua lại tất cả những khoản nợ xấu liên quan đến cho vay bất động sản. Tuy nhiên, sự nghi ngờ về khả năng của kế hoạch trong việc “rã đông” thị trường cho vay cũng như tái cấp vốn cho các ngân hàng vẫn bao trùm các thị trường chứng khoán.

Kế hoạch giải cứu của Mỹ dù là giải pháp tổng thể nhưng chưa hoàn hảo dưới mắt thị trường. Trước tiên, người ta nhận ra rằng cần phải có một khoảng thời gian trước khi áp dụng nó, có thể là một tháng hoặc một tháng rưỡi. Và có thể xảy ra nhiều chuyện trong thời gian này.

Kế đó, vẫn còn nhiều nghi ngờ về giá mua lại các cổ phiếu được xem là “độc hại”, nhất là khi phiên bản của kế hoạch Paulson được thông qua không thật thuận lợi cho các thị trường chứng khoán so với phiên bản gốc. Các ngân hàng muốn tranh thủ phải đánh đổi rất nhiều. Bộ Tài chính sẽ tham gia vào vốn của ngân hàng và dù dưới hình thức cổ phiếu dạng nào đi nữa thì cũng có quyền biểu quyết. Và như vậy, ngân hàng vẫn gánh chịu rủi ro. Kế hoạch dự kiến trong vòng 5 năm, việc quản lý các cổ phiếu được kiểm toán và nếu có thua lỗ, Thượng viện Mỹ có thể bù đắp bằng cách thiết lập chính sách thu thuế ngân hàng.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí L’Expansion, nhà kinh tế học Jean-Louis Mourier làm việc ở công ty đầu tư Aurel Leven, cho rằng các thị trường chứng khoán hoảng loạn trong ngày thứ Hai là do kế hoạch giải cứu của nhiều ngân hàng đi kèm những tin đồn về giá cổ phiếu. Chính điều này làm tăng cảm giác rằng khủng hoảng lan rộng khắp nơi và toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

“Người ta hốt hoảng vì sợ rằng ngân hàng nơi mình đầu tư sẽ phá sản. Tâm lý chung là mất niềm tin vào hệ thống tài chính”, Anil Kashyap, giáo sư kinh tế học và tài chính thuộc Đại học Chicago, giải thích.

Theo Rob Shapiro, từng là cố vấn kinh tế cho Tổng thống Clinton, cuộc khủng hoảng ở châu Âu cũng sẽ trầm trọng như ở Mỹ.

Những vụ giải cứu ngân hàng cuối tuần qua nhấn mạnh thực tế là châu Âu đã đi vào tâm bão khủng hoảng tài chính. Tại Đức, chính phủ đã đồng ý chi 50 tỉ euro để cứu Hypo Real Estate, tập đoàn cho vay bất động sản lớn thứ hai của nước này. Tại Bỉ, chính phủ cũng làm mọi cách để yêu cầu ngân hàng Pháp BNP Paribas SA mua 75% cổ phần của Fortis NV.

Các chính phủ châu Âu đều đang chịu áp lực phải trấn an công chúng về sự an toàn của những khoản tiền gửi.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách lại chưa sẵn sàng đi đến một kế hoạch giải cứu thống nhất. Cuộc họp thượng đỉnh của các vị lãnh đạo châu Âu cuối tuần qua không đưa ra được một chương trình cụ thể. Việc các nước thuộc Liên minh châu Âu không ngừng tuyên bố can thiệp cứu ngân hàng của mình vào bất cứ lúc nào cũng gây tâm lý lo ngại, nhất là khi mỗi nước hành động riêng lẻ chứ không theo kế hoạch tổng thể mà các thị trường chờ đợi.

Cần một chiến lược toàn cầu

Trước sự bất ổn dâng cao trong ngày thứ Ba, 7-10, Ngân hàng trung ương Úc đã phản ứng tức thời bằng cách giảm lãi suất cơ bản hẳn 1 điểm phần trăm, còn 6%. Động thái này giúp chỉ số S&P/ASX-200 khôi phục được 1,7%.

Ngân hàng trung ương Nhật cũng lập tức bơm thêm 1 nghìn tỉ yên vào thị trường tiền tệ trong ngày thứ 15 liên tiếp của chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật chốt phiên có phần hồi phục, chỉ giảm 3%, trong phiên đã có lúc giảm đến hơn 5%, xuống dưới 10.000 điểm lần đầu tiên trong 5 năm qua.

Các thị trường khác cũng phản ứng tích cực trước những động thái này. Các chỉ số chính ở Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đều tăng lại

Washington đang gấp rút triển khai kế hoạch tài chính và rót thêm tiền vào hệ thống ngân hàng. Bộ Tài chính Mỹ đã chọn Neel Kashkari, cựu thành viên trong ban quản trị Goldman Sachs, làm thứ trưởng phụ trách mảng quốc tế, để giám sát chương trình hành động mới và tuyên bố sẽ gia tăng bán trái phiếu để chi cho gói giải pháp.

Về phần mình, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng chương trình cho vay ngắn hạn lên đến 900 tỉ đô la Mỹ. Sáng thứ Ba, Fed tiến thêm một bước khi tuyên bố sẽ mua số lượng lớn những khoản nợ ngắn hạn mà các công ty vẫn dựa vào đó để trang trải chi phí hoạt động hàng ngày như mua trang thiết bị hoặc trả lương. Động tác này sẽ tạo ra nhu cầu trong thị trường tín dụng và giúp các công ty huy động vốn dễ dàng hơn trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt hiện nay. Tin tốt lành này lập tức lên tinh thần cho các nhà đầu tư, đẩy chỉ số Dow Jones tăng 145 điểm ngay đầu phiên giao dịch.

“Tôi nghĩ điều cần thiết lúc này là một sự cắt giảm lãi suất trên toàn cầu. Nhưng ngay cả như thế cũng không thể giải quyết vấn đề cơ bản là hiện ai cũng sợ cho người khác vay tiền”, David Wyss, nhà kinh tế trưởng của Standard and Poors ở New York, nhận định.

Fed và các ngân hàng trung ương lớn hiện đang bị áp lực ngày càng lớn phải liên kết với nhau và thông báo một mức giảm lãi suất trên toàn cầu.

Một số người tin rằng lãi suất sẽ sớm được giảm, có thể lên đến 1 điểm phần trăm nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn, từ đó khôi phục niềm tin cho hệ thống tài chính. Các thị trường chứng khoán châu Âu đã vào phiên giao dịch ngày thứ Ba khởi sắc hơn với hy vọng lãi suất sẽ giảm.

Nhưng ngay cả khi lãi suất vay giảm, điều đó cũng không có nghĩa là các ngân hàng sẽ cho vay thoải mái hơn.

“Bạn có thể đưa con ngựa đến chỗ có nước nhưng không thể bắt nó uống”, Richard Yamarone, kinh tế gia ở Argus Research, lý giải. “Sự hoảng loạn đã căng thẳng đến mức bất kể Fed hay Bộ Tài chính ném gì vào nó cũng vô hiệu. Thật khó để ghìm cương “con rồng” sợ hãi khi nó đã kiểm soát thị trường”.

Theo Reuters, tổng giám đốc WTO, Pascal Lamy, ngày 7-10 đã yêu cầu phải có một quy chuẩn quốc tế mới về tài chính để giúp tránh những cuộc khủng hoảng tương lai. Trả lời phỏng vấn trên đài France Inter, ông Lamy một lần nữa cảnh báo chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ, việc quay trở lại theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng” từng làm tình hình thêm khó khăn như đã xảy ra trong những năm 1930.

“Những gì đã xảy ra trước tiên là một tai nạn trong nền tài chính của Mỹ không được điều tiết tốt và gây nên tình trạng rối loạn… Chúng ta không thể quản lý một nền kinh tế toàn cầu được gắn kết với nhau bằng các định chế và các công cụ được phát minh cách nay 60 năm. Cần phải thay đổi sự cân bằng các quyền lực”, ông Pascal Lamy nhấn mạnh.

Kinh tế Mỹ tăng lệ thuộc vào chủ nợ nước ngoài

Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch giải cứu mang tên Paulson, chi phí của các biện pháp hỗ trợ khác sẽ tăng mạnh và có thể lên đến 1.000 tỉ đô la Mỹ. Điều đó có nghĩa là trong năm 2009, kinh tế Mỹ sẽ “thâm hụt chưa từng có kể từ chiến tranh”, theo Michel Aglieta, giáo sư tại Paris-X.

Thâm hụt của Mỹ đã ở mức 2,9% GDP cho năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 9-2008 do giảm nguồn thu từ thuế, tín dụng chịu thuế đối với các hộ gia đình và cuộc chiến ở Iraq. Như vậy, chính phủ sẽ phải tăng khoản nợ vốn đã lên đến 9.645 tỉ đô la Mỹ, tức 68% GDP, vào tháng 8-2008.

Những năm gần đây, các ngân hàng trung ương, chủ yếu là các nước châu Á và vùng Vịnh, dẫn đầu trong việc hấp thu nợ mới của Mỹ, cho phép nước Mỹ sống trên mức khả năng của mình. Các nước này có lý do để làm điều đó: sức tiêu dùng của Mỹ giúp họ xuất khẩu được nhiều hơn. Sự ủng hộ tài chính của các nước có nền kinh tế mới nổi đã ngăn không cho đô la Mỹ tụt giá và đe dọa tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, đồng thời cả trị giá lượng ngoại hối bằng đô la Mỹ của các nước này.

Dự trữ ngoại tệ thế giới đã tăng từ 4.174,6 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2005 lên 7.008,1 tỉ đô la vào cuối tháng 6-2008, theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trong đó, phần trái phiếu của Ngân khố Mỹ chiếm tỷ lệ cao (hơn 60% của tổng dự trữ), dù trái phiếu bằng euro cũng tăng lên (27%).

Một điều rõ ràng là nước Mỹ được phần còn lại của thế giới tài trợ: người nước ngoài nắm cổ phiếu ở Mỹ nhiều hơn người Mỹ có cổ phiếu ở nước ngoài. Nhưng sự lệ thuộc vào nước ngoài này mang tính tương hỗ: đô la Mỹ vẫn là đồng tiền tham chiếu. Các nước châu Á và vùng Vịnh sẽ mất một phần tài sản nếu đô la Mỹ sụp đổ, chẳng hạn nếu chính phủ Mỹ “tiền tệ hóa” khoản nợ của họ bằng cách cho in tiền nhiều hơn để thanh toán nợ.

Nói tóm lại, chính phủ Mỹ và các chủ nợ của họ đang ở trong tình thế đôi bên cùng có lợi. Nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn. Về dài hạn, câu hỏi đặt ra là liệu các nước mới nổi có đủ phương tiện đầu tư vào những khoản vay của chính phủ Mỹ?

Phản ứng hoảng loạn của thị trường chứng khoán Tokyo, theo các chuyên gia, chủ yếu là do đô la Mỹ giảm giá so với đồng yên khiến các nhà đầu tư lo ngại, vì điều này gây thiệt hại nặng cho các nhà xuất khẩu Nhật vốn đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ sụt giảm.

Tính đến cuối tháng 7, Trung Quốc nắm giữ 518 tỉ đô la Mỹ từ trái phiếu của Ngân khố Mỹ, qua đó trở thành chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ sau Nhật (593,4 tỉ) nhưng lại là lớn nhất theo tỉ lệ nắm giữ trái phiếu của các định chế công, tức ngân hàng trung ương.

Tại Nhật, đô la Mỹ chiếm khoảng 90% dự trữ ngoại tệ dưới dạng trái phiếu Ngân khố Mỹ và tiền ký gửi. Chính sự lệ thuộc vào đô la Mỹ, cả về mặt lịch sử lẫn chính sách, buộc nước Nhật phải hành động để ngăn không cho đô la Mỹ tụt giá và điều này, cũng như đối với Trung Quốc, sẽ dẫn đến sự tụt giá cổ phiếu.

Sau 10 năm khủng hoảng, sự tăng trưởng từ năm 2002 ở Nhật dựa trên xuất khẩu được thanh toán bằng đô la Mỹ. Dưới áp lực vận động của các doanh nghiệp, chính phủ Nhật đã làm mọi cách để ngăn không cho đô la Mỹ suy yếu đi bằng cách đầu tư 35.000 tỉ yên (234 tỉ euro) trong hai năm 2003 và 2004 vào trái phiếu Ngân khố Mỹ.

        QUANG THÁI – NGỌC THU (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới