Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kế hoạch cải tổ thuế của Mỹ đe dọa kinh tế Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kế hoạch cải tổ thuế của Mỹ đe dọa kinh tế Trung Quốc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Kế hoạch cải tổ thuế mạnh mẽ nhất trong vòng ba thập niên qua của Mỹ có thể khiến nguồn vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc và chuyển về Mỹ để hưởng các mức thuế thấp.

IMF cảnh báo “ba căng thẳng” trong hệ thống tài chính Trung Quốc

Cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump

Kế hoạch cải tổ thuế của Mỹ đe dọa kinh tế Trung Quốc
Công nhân làm việc bên trong nhà máy dệt may của một liên doanh Trung Quốc-Mỹ ở thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Kế hoạch ứng phó “tê giác xám”

Tờ The Wall Street Journal ngày 11-12 dẫn các nguồn tin cho biết các quan chức Trung Quốc đang thiết lập kế hoạch hành động khẩn cấp để ứng phó với các hậu quả có thể xảy ra với nền kinh tế nước này khi kế hoạch cải tổ thuế của Mỹ có hiệu lực, cũng như khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong thời gian tới.

Hai lưỡng viện quốc hội Mỹ đã lần lượt thông qua Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế trong tháng 11 và 12. Quan chức Trung Quốc lo ngại diễn biến trên sẽ giúp Mỹ trở thành nơi hấp dẫn đầu tư hơn, khiến các nguồn vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Đạo luật trên sẽ giảm thuế thu nhập của doanh nghiệp Mỹ về 20% so với mức 35% hiện nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng với mức thuế giảm mạnh như vậy, chỉ vòng vài năm tới, các nhà sản xuất dù là Mỹ hay là Trung Quốc sẽ chọn Mỹ làm nơi xây dựng nhà máy thay vì Trung Quốc, nơi tổng chi phí thuế mà các công ty phải gánh đang ở vào hàng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.

Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc vào cuối năm 2016 cho thấy một trong bốn doanh nghiệp Mỹ đã dời hoạt động khỏi Trung Quốc hoặc đang có kế hoạch như vậy vì chi phí cao và chủ nghĩa bảo hộ. Áp lực dòng vốn tháo chạy sẽ càng gia tăng khi FED dự định tăng lãi suất trong tuần này và tiếp tục tăng trong năm sau.

Theo kế hoạch ứng phó của Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẵn sàng triển khai phối hợp nhiều biện pháp, gồm tăng lãi suất, thắt chặt kiểm soát vốn và can thiệp vào tỷ giá đồng nhân dân tệ thường xuyên hơn để giữ các nguồn vốn ở lại trong nước và hỗ trợ đồng nhân dân tệ.

Một quan chức tham gia các cuộc thảo luận kế hoạch này gọi kế hoạch cải tổ thuế của Washington là một “con tê giác xám” để ám chỉ mối đe dọa rõ ràng của nó đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng có thể bị phớt lờ.

“Chúng ta có thể phải trải qua những cuộc chiến khó khăn trong quý 1-2018”, vị quan chức này nói.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Kế hoạch cải tổ thuế của Mỹ ước tính sẽ giúp giảm 1.400 tỉ đô la tiền thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp trong vòng một thập kỷ tới. Nó sẽ là hồi chuông báo cảnh tỉnh đối với Trung Quốc vì đã quá chậm chạp trong việc cải cách hệ thống thuế cứng nhắc.

Dù hiện nay các doanh nghiệp ở Trung Quốc chỉ chịu mức thuế thu nhập 25%, thấp hơn mức 35% ở Mỹ, song họ phải gánh nhiều loại thuế và phí khác bao gồm thuế giá trị gia tăng 17%. Ngân hàng Thế giới ước tính trong năm 2016, tổng chi phí thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 68% lợi nhuận của họ, so với mức 44% ở Mỹ, 30,9 % ở Anh và 19,1% ở Singapore.

“Chúng ta (Trung Quốc) sẽ đối mặt với sức ép lớn hơn và không thể thắng cuộc cạnh tranh toàn cầu nếu không cải cách hệ thống thuế và tài chính”, ông Xu Hongcai, chuyên gia kinh tế từ Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh nói với tờ South China Morning Post.

Nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn sẽ tác động tích cực đến phần còn lại cả thế giới bao gồm Trung Quốc. Đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu do Mỹ dẫn dắt đã kích thích xuất khẩu của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh thoát khỏi nguy cơ tăng trưởng suy giảm được dự báo trong năm nay. Tuy nhiên, hàng loạt các biện pháp trừng phạt thương mại nhắm vào Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn ở Washington có thể gây khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian tới.

Dù nỗ lực cải tổ thuế của Mỹ không nhắm trực tiếp đến Bắc Kinh, nó có thể khiến Trung Quốc bị chèn ép theo chiều hướng khác. Chuyên gia kinh tế Gene Ma từ Viện Tài chính quốc tế ở Washington IIT, cho rằng tác động của kế hoạch cải tổ thuế đối với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế nước này.

“Nguồn vốn từng tháo chạy khỏi Trung Quốc vào năm 2015 vì tăng trưởng và niềm tin của doanh nghiệp đều rất yếu”, ông Ma nói khi ám chỉ đến nguồn vốn ồ ạt bị rút khỏi Trung Quốc ở mức chưa có tiền lệ, 676 tỉ đô la Mỹ trong năm đó, sau cú sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc và động thái giảm giá đồng nhân dân tệ bất ngờ.

Sau đó, các biện pháp thắt chặt kiểm soát vốn và niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc được cải thiện đã giúp nước này kiềm chế dòng vốn chảy ra nước ngoài và ổn định đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, triển vọng này có thể sẽ trở nên u ám vì mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng và bất động sản của Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm lại. Giới phân tích cũng nhận định rằng các khoản nợ trong nền kinh tế đang tăng cao, khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng kéo dài, trừ phi chính phủ nước này tiến hành thêm nhiều biện pháp quyết liệt.

Với những vấn đề còn tồn đọng như vậy, Bắc Kinh rất nhạy cảm với bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài có thể khiến thị trường chứng khoán rơi vào cơn hỗn loạn trở lại. Hồi tháng 8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các cơ quan chức năng phải hạn chế “các hiệu ứng lan tỏa” từ các động thái điều chỉnh chính sách tài chính và tiền tệ của nước ngoài.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới