Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kế hoạch kích thích kinh tế Mỹ chưa cứu được thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kế hoạch kích thích kinh tế Mỹ chưa cứu được thị trường

Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell tại buổi họp báo về việc thông qua dự luật kích thích kinh tế – Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Thượng viện Mỹ đã thông qua gói kế hoạch kích thích kinh tế 838 tỉ đô la Mỹ vào ngày thứ Ba, 10-2, dọn đường cho các cuộc thảo luận với Hạ viện và hứa hẹn văn bản pháp lý cuối cùng cho phép dự luật thành luật sẽ nằm trên bàn của Tổng thống Obama vào tuần tới.

Tuy nhiên, những nỗ lực này có vẻ vẫn chưa vực dậy được sự tuột dốc của thị trường, khi mà kết thúc phiên giao dịch ngày 10-3, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục đi xuống và giá dầu tuột khỏi mốc 38 đô la Mỹ/thùng.

Theo New York Times, kế hoạch kích thích kinh tế được Thượng viện chính thức thông qua với số phiếu 61/37. Trong chuyến đi đến bang Lorida vào ngày 10-2 để vận động cho gói kích thích kinh tế, Tổng thống Obama nhấn mạnh việc Quốc hội phải đưa ra dự luật vào thứ Hai tuần tới, ngày 16-2.

Tuy nhiên, ông Steny Hoyer, đại diện bang Maryland – lãnh đạo đa số tại Thượng viện cho biết các cuộc thảo luận sẽ kéo dài hơn, thậm chí đến thứ Tư, thứ Năm tuần sau (ngày 18 và 19-2).

Hàng ngàn tỉ đô la cho cải cách tài chính toàn diện

Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner cùng ngày đã công bố kế hoạch cải cách toàn diện ngành tài chính, để củng cố niềm tin của người dân Mỹ vào những nỗ lực của chính phủ. Chương trình mới này sẽ thu xếp 1,5 ngàn tỉ đô la Mỹ từ Bộ Tài chính, các nhà đầu tư cá nhân và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Với hy vọng giải quyết mối lo ngại giữa các cử tri và các nhà lập pháp ở Quốc hội, ông Geithne cam kết rằng Bộ Tài chính sẽ công khai toàn bộ chương trình và yêu cầu các tổ chức tài chính nhận được sự trợ giúp của chính phủ phải có trách nhiệm giải trình nghiêm túc hơn.

“Người dân Mỹ đã mất niềm tin vào lãnh đạo các tổ chức tài chính và tỏ ra hoài nghi các nỗ lực của chính phủ khi tiền thuế của họ được sử dụng theo hướng có lợi cho một số ít người”, ông Geithner đã nhận xét về cách mà chính quyền của Tổng thống vừa mãn nhiệm Bush chi 350 tỉ đô la Mỹ – một phần của gói kích thích kinh tế mà Quốc hội đã thông qua cho Chương trình giải trừ tài sản xấu (Troubled Asset Relief Program- TARP).

Ông Geithner đã đưa ra một chương trình đa phương bao gồm những điểm sau:

1. Chương trình phối hợp chung giữa Bộ Tài chính và FED, cùng với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư cá nhân sẽ mua lại các tài sản khó bán mà các ngân hàng cũng như tổ chức tài chính nắm giữ trong năm ngoái, dự kiến cần khoảng 250-500 tỉ đô la Mỹ.

2. Chính phủ sẽ bơm vốn trực tiếp cho ngân hàng và số tiền có thể vượt qua 350 tỉ đô la Mỹ còn lại trong chương trình giải cứu của Bộ Tài chính.

3. Sẽ mở rộng chương trình cho vay mà Bộ Tài chính và FED vừa công bố, nhắm vào việc hỗ trợ cho vay tiêu dùng. Số tiền cho chương trình mới này có thể lên đến 1 ngàn tỉ đô la Mỹ vay học hành, mua xe hay thẻ tín dụng. Trước đây, hai ủy ban này chỉ dự định hỗ trợ khoảng 200 tỉ đô la Mỹ.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner công bố kế hoạch kích thích tài chính – Ảnh: Reuters

Ngoài ra, một sáng kiến độc lập trị giá 50 tỉ đô la Mỹ giúp hàng triệu người đang đối mặt với nguy cơ bị tịch biên nhà cửa có cơ hội tái đàm phán các điều khoản dự kiến sẽ công bố vào tuần tới.

Tuy nhiên, kế hoạch cải tổ ngành tài chính này, theo đánh giá của Bộ trưởng Geithner, sẽ mất nhiều thời gian để phát huy tác dụng, và sẽ hạn chế mức cổ tức của các ngân hàng và hoạt động thâu tóm.

Sự phản ứng tiêu cực từ thị trường

Không như dự đoán, các kế hoạch chung giữa Bộ Tài chính và FED lại nhận được những phản ứng không tích cực từ thị trường phố Wall. Các nhà đầu tư đang dõi theo kế hoạch giải cứu tài chính và họ phản ứng mờ nhạt đối với việc Thượng viện chính thức thông qua gói kế hoạch kích thích kinh tế 838 tỉ đô la Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10-2, chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 4,9% – mức giảm mạnh nhất từ ngày Tổng thống Obama nhậm chức (20-1-2009), xuống mức 827,16 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 381,99 điểm, tương đương 4,6%, xuống mức 7.888,88 điểm.

Chỉ số Nasdaq giảm 66,83 điểm (khoảng 4,2%) còn 1.524,73 điểm. Chỉ số Russell 2000 của các công ty nhỏ đã giảm 22,17 điểm (4,74%) còn 445,77 điểm.

Ở châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,19% trong khi chỉ số DAX của Đức giảm 3,46% còn chỉ số CAC-40 của Pháp rớt 3,64%.

Ở châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 0,29%. Trong diễn biến của thị trường, giá dầu thô ngày 10-2 cũng tiếp tục đà giảm, với mức giảm 5% xuống dưới 38 đô la Mỹ/thùng, sau khi chính phủ Mỹ cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu tiếp tục giảm và những lo ngại rằng kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống Obama không đủ sức ngăn chặn khủng hoảng.

Trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt, nhẹ giảm 2,01 đô la Mỹ, chốt ở mức 37,55 đô la Mỹ/thùng. Giá dầu Brent, ICE, London giảm 1,41 đô la Mỹ, còn 44,61 đô la Mỹ/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự đoán nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2009 sẽ giảm còn 1,17 triệu thùng/ngày từ các mức của năm 2008. Con số đưa ra lần này đã giảm 400.000 thùng/ngày so với dự đoán trước đó.

Trước tình hình này, Tổng thư ký Abdullah al-Badri của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cho biết nhóm này sẵn sàng cắt giàm sản lượng hơn nữa để bình ổn giá dầu trong phiên họp vào ngày 15-3 tới.

Trong khi đó, đồng đô la Mỹ tăng giá 0,8% so với euro, giá vàng tăng 2,4%.

MỸ HẠNH (Tổng hợp từ AFP, Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới