Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh sẽ trợ lực giá cổ phiếu

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Với triển vọng nền kinh tế sẽ phục hồi tích cực trong năm nay, dù đi kèm với đó là áp lực lạm phát và lãi suất có thể tăng trở lại, vẫn có nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng.

Nhóm doanh nghiệp thủy sản cũng gây chú ý trong năm nay khi chuỗi cung ứng được nối lại giúp nhu cầu phục hồi, cũng như được lợi nhờ các hiệp định thương mại tự do. Ảnh: T.L

Bất động sản và xây dựng kỳ vọng lãi lớn

Đầu tiên phải kể đến nhóm doanh nghiệp bất động sản, khi thị trường nhà đất nóng sốt trong thời gian gần đây đã thúc đẩy nhóm này đẩy mạnh hoàn thiện các dự án và mở bán trong năm nay, theo đó kỳ vọng doanh thu, lợi nhuận cũng sẽ tăng đột biến.

Trong số này phải kể đến Công ty cổ phần (CTCP) Bamboo Capital (BCG) với mục tiêu lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2022 là 1.500 tỉ đồng, tăng đến 148% so với năm 2021, nhờ hạch toán lợi nhuận dự án Malibu Hội An và phân khu shophouse của Hoian d’Or. Ngoài ra, công ty này cũng triển khai thêm các dự án ở Bình Định, Đắk Nông, Quảng Ngãi.

Sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ 327% trong năm 2021, năm 2022 CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land (KHG) đặt kế hoạch LNTT tăng 90%, lên mốc 983 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Được biết Khải Hoàn Land sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý và gia tăng quỹ đất trên 1.000 héc ta tại các địa bàn trong và ngoài TPHCM, cũng như mở rộng hợp tác đầu tư với các chủ đầu tư có quỹ đất lớn.

Hay như CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Khang Điền (KDH), dù lợi nhuận sau thuế năm 2022 dự kiến chỉ tăng trưởng 16%, nhưng số tuyệt đối lên tới 1.400 tỉ đồng, cũng là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Dù mức tăng trưởng lợi nhuận chỉ vài chục phần trăm, có thể thấp hơn so với các doanh nghiệp bất động sản, nhưng do quy mô lợi nhuận của nhóm ngân hàng lên tới hàng ngàn hay hàng chục ngàn tỉ đồng, nên mức lợi nhuận tăng thêm tính theo số tuyệt đối của các ngân hàng là rất lớn.

Còn Novaland (NVL) dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần 35.973,7 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.500 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 141% và 88% so với mức thực hiện năm 2021.

Novaland cho biết sẽ tiếp tục phát triển 24 dự án trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM và dự kiến bàn giao 22 dự án. Cùng với đó, công ty này cũng lên kế hoạch phát triển mới các dự án nhà ở tại Khu Đông (thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM) và các dự án bất động sản nghỉ dưỡng khác ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng và Khánh Hòa.

Đáng lưu ý là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII), sau khi ghi nhận lỗ 341 tỉ đồng trong năm 2021, năm 2022 đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng đột biến lên 757 tỉ đồng, khi dự kiến ghi nhận lợi nhuận từ việc thoái vốn tại công ty con – NBB, bán cổ phiếu quỹ và sự hồi phục mảng BOT.

Ngoài ra còn có thể kể đến các doanh nghiệp như Đất Xanh, Phát Đạt, An Gia, Nam Long, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng đều có mục tiêu lợi nhuận khả quan.

Ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) dẫn đầu về kế hoạch lợi nhuận năm 2022 với mức tăng trưởng lên đến 474%, khi đặt mục tiêu LNTT 4.500 tỉ đồng nhờ ghi nhận doanh thu bán sỉ 30 héc ta dự án khu đô thị Tràng Cát.

Ngoài ra, còn phải kể đến CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) đặt kế hoạch LNTT tăng trưởng 70%, hay CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đặt kế hoạch LNTT 1.500-1.700 tỉ đồng, tương ứng tăng 50-80% so với năm 2021, hay Tổng công ty IDICO dự kiến tổng doanh thu 3.347,2 tỉ đồng, LNTT 2.333,1 tỉ đồng, lần lượt tăng 198,7% và 83,2%.

Với những dự án đầu tư công được triển khai mạnh mẽ trong năm nay bên cạnh các dự án bất động sản tiếp tục được triển khai, nhóm doanh nghiệp xây dựng cũng lạc quan với kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Đơn cử như CTCP Tập đoàn CIENCO4 (C4G) đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 3.000 tỉ đồng và lợi nhuận 300 tỉ đồng, tăng lần lượt 1,5 lần và 3 lần so với năm 2021. Được biết khả năng Nhà nước mua lại dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới trong quí 2-2022 sẽ giúp CIENCO4 thu hồi về khoảng trên 1.000 tỉ đồng.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng đặt kế hoạch lãi lớn khi tăng 329% lên 420 tỉ đồng, trong khi CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) và CTCP Fecon (FCN) dự kiến LNTT tăng lần lượt 167% và 144% so với cùng kỳ, còn CTCP Xây dựng Phục Hưng dự kiến mức tăng trưởng 93%.

Ngân hàng, thủy sản và bán lẻ

Trong các ngành duy trì phong độ về mức tăng trưởng lợi nhuận cũng như đạt con số lợi nhuận tuyệt đối dẫn đầu, không thể không nhắc đến nhóm ngân hàng.

Trong năm 2022, Eximbank hiện là ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất ở mức 99%, lên 2.500 tỉ đồng. Ngoài ra có thể kể đến ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 56% so với năm 2021, đạt 3.079 tỉ đồng; TPBank đặt mục tiêu lãi tăng 36%, MSB tăng 32%, VIB tăng 31%, OCB tăng 29%, MBB tăng 27%, ACB tăng 25%.

Cần lưu ý dù mức tăng trưởng lợi nhuận chỉ vài chục phần trăm, có thể thấp hơn so với các doanh nghiệp bất động sản, nhưng do quy mô lợi nhuận của nhóm ngân hàng lên tới hàng ngàn hay hàng chục ngàn tỉ đồng, nên mức lợi nhuận tăng thêm tính theo số tuyệt đối của các ngân hàng là rất lớn.

Nhóm doanh nghiệp thủy sản cũng gây chú ý trong năm nay, dựa trên kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, chuỗi cung ứng được nối lại giúp nhu cầu phục hồi, cũng như được lợi nhờ các hiệp định thương mại tự do. Như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỉ đồng và lãi ròng 1.600 tỉ đồng, tương ứng tăng 43,5% và 45,5% so với năm 2021.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) dự kiến đem về 8.300 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 45% và 900 tỉ đồng lãi sau thuế trong năm 2022, gấp 6,6 lần so với năm trước. Lợi nhuận năm nay của CTCP Nam Việt (ANV) cũng kỳ vọng sẽ tăng mạnh do đã được áp dụng mức thuế chống bán phá giá 0 đô la Mỹ/ki lô gam khi xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16).

Nhóm bán lẻ cũng được đánh giá là một trong những lĩnh vực sẽ bật lại mạnh khi nền kinh tế phục hồi và trở lại giai đoạn bình thường. Trong số này phải nhắc đến CTCP Thế giới Di động (MWG) đặt kế hoạch doanh thu là 140.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 6.350 tỉ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với thực hiện trong năm 2021. Thế giới Di động cũng đang lên kế hoạch bán 20% vốn tại Bách Hóa Xanh. Hay như CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) dự kiến đem về gần 25,835 tỉ đồng doanh thu thuần và gần 1,320 tỉ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 32% và 28% so với năm 2021.

Có thể thấy bất chấp những thách thức về áp lực lạm phát và xu hướng lãi suất có thể đi lên trở lại, các doanh nghiệp kể trên vẫn khá lạc quan và tự tin với kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Đây cũng sẽ là chất xúc tác trợ lực cho giá cổ phiếu tăng trưởng hiện nay cũng như trong giai đoạn tới, nếu doanh nghiệp bám sát được tiến độ thực hiện theo kế hoạch đã đặt ra.

Ngược lại, những lĩnh vực như thép, phân bón, dầu khí dù được dự báo hưởng lợi từ giá cả hàng hóa leo thang, nhưng lại đặt kế hoạch tăng trưởng khá thấp, do nhiều doanh nghiệp trong nhóm này có sở hữu Nhà nước lớn nên ban lãnh đạo trong những năm qua thường khá thận trọng với các mục tiêu. Hay như nhóm chứng khoán, dù thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực nhưng các công ty chứng khoán cũng đặt kế hoạch tăng trưởng khá khiêm tốn, sau khi đã có một năm lãi kỷ lục vừa qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới