Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kém hấp dẫn vì chi phí sử dụng vốn cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kém hấp dẫn vì chi phí sử dụng vốn cao

(TBKTSG) – Tháng 1-2009, Deutsche Bank đã đưa ra bản báo cáo về chi phí vốn của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực châu Á. Bản báo cáo thể hiện phần nào nhận định của nhà đầu tư nước ngoài về mức độ rủi ro của thị trường Việt Nam.

Việt Nam có chi phí sử dụng vốn (Cost of equity – COE) vào loại cao nhất trong khu vực

Nói một cách đơn giản, COE thể hiện kỳ vọng tối thiểu của cổ đông khi đầu tư vào cổ phiếu để bù đắp lại những rủi ro của thị trường. Theo bản báo cáo, trừ Pakistan, Việt Nam có chi phí sử dụng vốn rất cao (17%), vượt qua tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Đáng chú ý nữa là mức độ thay đổi so với sáu tháng trước của thị trường Việt Nam (0,75%) cũng chỉ xếp sau Trung Quốc (0,88%), lớn hơn nhiều so với các nước láng giềng. Cộng thêm việc dẫn đầu về chỉ số phần bù rủi ro vốn cổ phần – Equity Risk Premium (6,5%), bản báo cáo là một bức tranh không mấy sáng sủa về thị trường nước ta.

Thị trường Việt Nam có thực sự hấp dẫn?

COE không chỉ là tính toán đơn thuần về chi phí vốn của thị trường mà khi xếp cạnh các nước khác nó trở thành một thước đo đánh giá lợi thế so sánh của thị trường này so với thị trường khác. Trong mỗi thời điểm khác nhau của nền kinh tế thế giới, CEO có ý nghĩa tương đối khác nhau.

Trong thời kỳ tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thế giới, thị trường mới nổi (emerging market) trở thành điểm đến hẫp dẫn của nhà đầu tư vì tiềm năng của thị trường này thường được đánh giá là đủ để bù đắp những rủi ro thể hiện trong chi phí vốn.

Còn nhớ năm 2006 -2007 khi đầu tư vào Việt Nam, đa số cổ đông đều kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn trên 8% của nền kinh tế, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng trưởng trung bình 20-30%/năm và lộ trình cổ phần hóa nhanh của các doanh nghiệp nhà nước. Với những kỳ vọng này thì rõ ràng mức chi phí vốn trung bình khoảng 13-15% tại thời điểm đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Từ đầu năm 2008 đến nay thị trường chứng khoán tụt dốc rất mạnh, mất hơn 60% chỉ trong vòng 12 tháng và là mức độ sụt giảm vào loại cao nhất trên thế giới. GDP của Việt Nam cũng nhiều lần được điều chỉnh xuống mức 5-6% trong các báo cáo độc lập khác nhau. Lợi nhuận không được khả quan của các công ty công bố trong quí 4-2008 lại càng làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư. Năm 2009 tiếp tục được dự đoán là còn nhiều khó khăn hơn nữa.

Với tình hình thị trường như hiện nay thì liệu mức kỳ vọng tăng trưởng 17% trong ngắn và trung hạn có thực tế? Đâu là lợi thế so sánh của Việt Nam so với các thị trường trong khu vực tại thời điểm này? Tại sao nhà đầu tư lại chuyển vốn vào thị trường có chi phí vốn 17% với mức độ bảo toàn vốn không mấy sáng sủa trong 1-2 năm tới?

Rõ ràng là khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái, phản ứng của nhà đầu tư sẽ chuyển mạnh sang chiến lược kiểm soát rủi ro và ưu tiên rút vốn khỏi các thị trường mới nổi trước. Xét cả về góc độ tính linh hoạt của nền kinh tế và tiềm lực tài chính, các nền kinh tế mới nổi thường không thể cạnh tranh được với các nước phát triển hơn do có độ rủi ro cao hơn và tính thanh khoản thấp của thị trường. Riêng tiêu chí Equity Risk Premium thì không cần quá lo ngại vì mức độ chênh lệch với các nước khác cũng không quá lớn; đồng thời mức độ biến động của thị trường không phải lúc nào cũng là một tín hiệu xấu – thị trường đi xuống nhanh cũng có nghĩa là cơ hội phục hồi cũng có thể nhanh hơn.

Làm sao để giảm chi phí sử dụng vốn (COE) ở Việt Nam hiện nay?

Có hai sự lựa chọn để làm tăng sức hấp dẫn của thị trường: một là, nâng cao sức hút của nền kinh tế và tiềm năng của thị trường để bù đắp vào khoảng chênh lệch COE. Hai là, tăng cường hiệu quả của nền kinh tế, giảm rủi ro để hạ mức COE kỳ vọng cho nhà đầu tư. Thông thường mục tiêu thường là song song hai yếu tố đó.

Nhìn chung, chỉ số COE trong bản báo cáo là thông điệp gián tiếp của nhà đầu tư về kỳ vọng vào nền kinh tế vĩ mô và tiềm năng của doanh nghiệp nếu Việt Nam muốn tiếp tục thu hút được nguồn vốn vào thị trường chứng khoán trong dài hạn. 17% thực sự là mức đòi hỏi rất cao ngay cả trong giai đoạn tăng trưởng nóng. Liệu Việt Nam có thể mang lại tỷ suất đầu tư cao gấp hai lần Singapore hay Hồng Kông trong 1-2 năm tới hay không? Tất cả các nhà đầu tư đều đang quan sát những hành động thực tế của Chính phủ và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Xét về dài hạn, mục tiêu của Việt Nam vẫn là làm sao để nâng cao mức xếp hạng tín dụng của quốc gia, hiện ở vị trí giữa mức BB và BB-. Với lợi thế về mặt ổn định chính trị, cản trở lớn của chúng ta hiện nay là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, sức mạnh gắn kết của hệ thống tài chính, ngân hàng, khả năng kiểm soát đồng nội tệ và cán cân thanh toán. Xem ra đây không phải là công việc có thể giải quyết trong ngắn hạn nhưng liệu chúng ta có lựa chọn khác không?

Đúng là thị trường luôn luôn biến động do rất nhiều yếu tố khác nhau nhưng suy cho cùng đều nằm ở hai chữ “kỳ vọng” của nhà đầu tư. Mà kỳ vọng thì luôn đi liền với mức độ rủi ro của nền kinh tế. Nếu rủi ro không giảm trong khi tiềm năng của thị trường đi xuống thì sẽ là một tín hiệu không tốt, rất khó kéo nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, ở lại với thị trường chứng khoán.

NGUYỄN VIỆT HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới