Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kênh bán hàng online giúp doanh nghiệp sống sót qua mùa dịch Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kênh bán hàng online giúp doanh nghiệp sống sót qua mùa dịch Covid-19

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Theo nhận xét của các chuyên gia thương mại điện tử, việc doanh nghiệp mở kênh bán hàng online cũng giống như "mua bảo hiểm" cho hoạt động kinh doanh của mình, giúp một số doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19.

Kênh bán hàng online giúp doanh nghiệp sống sót qua mùa dịch Covid-19
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam chia sẻ về tiềm năng phát triển TMĐT sau mùa dịch Covid-19. Ảnh: Chí Thịnh

Lượng gian hàng online tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19

Tại sự kiện Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF-Vietnam Business Online Forum) 2020 vừa diễn ra tại TPHCM ngày 25-6, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cho biết doanh thu bán hàng online tăng nhanh trong mùa dịch Covid-19 và kéo theo sự gia tăng các gian hàng mới trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trong mùa dịch Covid-19 vừa qua kênh tiêu dùng tại chỗ và tạp hóa chịu ảnh hưởng tiêu cực, còn kênh online tăng 100% doanh thu.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng Kinh tế số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) nhận xét: Ngành TMĐT có sự tăng trưởng mạnh giai đoạn tháng 2 đến tháng 4 vừa qua. Người tiêu dùng chuyển sang mua hàng online nhiều  hơn, các doanh nghiệp cũng tích cực chuyển đổi qua bán hàng online trong mùa dịch Covid-19.

Bà Vũ Thị Ánh Tuyết, Chánh văn phòng Lazada Việt Nam cho biết, số lượng gian hàng mới tham gia sàn TMĐT Lazada trong những tháng đầu năm 2020 tăng gấp 8 lần so với quý 1-2019. Các gian hàng tăng cường ứng dụng công nghệ như livestream (trình chiếu video trực tiếp) để bán hàng. Trong số các chủ gian hàng mới trên Lazada có những người do dịch Covid-19 ảnh hưởng công việc đã chọn cách thức bán hàng online để kiếm sống.

Bà Tuyết cũng cho biết thêm: Việc tham gia kênh bán hàng online cũng là một cách để các doanh nghiệp mua ‘bảo hiểm’ cho kênh phân phối của mình. Điều này đã được chứng minh qua mùa dịch Covid-19 khi hoạt động bán hàng online bùng nổ, người tiêu dùng vẫn mua sắm bình thường qua các gian hàng online.

Còn ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Dịch vụ đo lường bán lẻ của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, theo kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến người Việt Nam thì có 59% người chọn mua hàng nội địa do biết nguồn gốc và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; 64% người dùng cho rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau dịch Covid-19 và 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Tổng giám đốc AccessTrade nói về mô hình kinh doanh D2C, giúp doanh nghiệp mở kênh bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Ảnh: Chí Thịnh

Sau dịch Covid-19, doanh nghiệp cần làm gì?

D2C – Direct To Consumer là một mô hình kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng (thông qua cửa hàng chính hãng, website, thương mại điện tử…) mà không cần qua bất kỳ một kênh phân phối nào cả.

Bên cạnh việc tăng tốc sau mùa dịch Covid-19, doanh nghiệp TMĐT cũng đầu tư vào những giải pháp công nghệ mới để thu hút khách hàng, mở rộng quy mô thị trường. Đã có những đơn vị phát triển kênh bán hàng online thông qua giải pháp quét mã QR, barcode, bổ sung tính năng tích điểm thưởng cho khách hàng.

Các chuỗi bán lẻ, siêu thị cũng có thể phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ để mở rộng kênh bán hàng online; ví dụ một chuỗi cửa hàng tiện lợi có thể liên kết với nhà cung cấp dịch vụ quét mã QR để bán hàng.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Tổng giám đốc AccessTrade (nền tảng tiếp thị liên kết-Affiliate Marketing) cho biết, doanh nghiệp có thể thông qua mô hình D2C (bán hàng từ nhà máy tới người dùng) để phát triển hệ thống kinh doanh độc lập. Tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng trực tiếp này, góp phần giảm chi phí phát triển mạng lưới phân phối cũng như chiết khấu cho đại lý.

D2C – Direct To Consumer là một mô hình kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng (thông qua cửa hàng chính hãng, website, thương mại điện tử…) mà không cần qua bất kỳ một kênh phân phối nào cả. Đây cũng là một mô hình thích hợp trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến.

Ông Dũng cũng chia sẻ thêm: Với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau mùa dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần mở rộng kênh bán hàng online và các kênh tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, tăng cường hoạt động bán hàng đa kênh. Việc thúc đẩy kênh bán hàng online sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đang chuyển đổi từ offline qua online.

Còn ông Nguyễn Mạnh Tấn, Công ty Cổ phần Công nghệ Haravan thì cho rằng, việc phát triển mảng bán hàng online có thể thông qua nhiều kênh bán hàng khác nhau như website, bán hàng qua mạng xã hội, ứng dụng di động… Doanh nghiệp cũng có thể phát triển mô hình bán hàng đa kênh (Omni Channel), kết nối tất cả các kênh bán hàng với nhau, quản lý bán hàng tập trung để thúc đẩy mảng kinh doanh này.

Theo thông tin từ Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường TMĐT trong bốn năm gần đây (2016-2019) khoảng 30%; quy mô bán lẻ TMĐT năm vừa qua đạt khoảng 11,5 tỉ đô la Mỹ. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô TMĐT Việt Nam sẽ vượt qua con số 15 tỉ đô la Mỹ.

Mời đọc thêm

Doanh số thực phẩm đóng gói tăng hơn 50% trong mùa Covid-19

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới