Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kênh đào Suez sắp hoạt động trở lại, mất ít nhất 10 ngày để giải phóng ùn tắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kênh đào Suez sắp hoạt động trở lại, mất ít nhất 10 ngày để giải phóng ùn tắc

Chánh Tài

(KTSG Online) – Tàu container Ever Given bị mắc cạn ở kênh đào Suez cuối cùng đã được giải cứu thành công, cho phép hàng trăm tàu hàng khác đang dồn ứ ở đầu kênh, lưu thông trở lại qua một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.

Kênh đào Suez sắp hoạt động trở lại, mất ít nhất 10 ngày để giải phóng ùn tắc
Các tàu kéo đã giải cứu thành công tàu Ever Given vào chiều 29-3. Ảnh: EPA.

Hãng tin Bloomberg dẫn thông báo của Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết sau gần một tuần bị mắc cạn và nằm chắn ngang kênh đào Suez ở Ai Cập, tàu Ever Given đã được giải cứu thành công vào 4 giờ 30 chiều ngày 29-3, theo giờ địa phương. Tận dụng thủy triều lên, các đội giải cứu đã sử dụng 10 tàu kéo để kéo tàu Ever Given ra khỏi bờ kênh.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, đuôi tàu đã được kéo ra khỏi bờ nhưng mũi tàu vẫn còn mắc kẹt. Trong những ngày qua, các nhóm giải cứu đã nạo vét 20.000 tấn cát và bùn ở hai bờ kênh Suez trong một nỗ lực làm cho tàu Ever Given nổi lên trở lại.

Tuần trước, Bernhard Schulte Shipmanagement, công ty quản lý kỹ thuật của tàu Ever Given cho biết tàu bị mắc cạn do gặp gió mạnh.

Hôm 30-3, tàu Ever Given đã được kéo về hồ Great Bitter (nằm đoạn giữa của kênh đào Suez) để kiểm tra kỹ thuật.
“Hôm nay, người dân Ai Cập đã chấm dứt thành công cuộc khủng hoảng của tàu Ever Given bị mắc cạn ở kênh đào Suez bất chấp tính phức tạp kỹ thuật lớn xung quanh quá trình giải cứu”, Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah El-Sisi viết trên Twitter.

Với chiều dài 400 mét và trọng tải 220.000 tấn, có thể chở 20.000 container, Ever Given là một trong những tàu container lớn nhất thế giới. Tàu bị mắc cạn vào ngày 23-9, làm xáo trộn thêm chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang căng thẳng vì tác động của đại dịch Covid-19.

Hơn 9 tỉ đô la Mỹ giá trị hàng hóa được luân chuyển qua kênh đào dài 193 km này mỗi ngày. Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez, trong năm 2020, có gần 19.000 tàu đi qua kênh đào này, trung bình 51,5 tàu mỗi ngày.

Sau nhiều ngày nằm dồn ứ ở hai đầu kênh đào Suez, hơn 350 tàu bao gồm tàu container, tàu dầu và tàu chở hàng rời sắp được lưu thông trở lại.

Trong tuần qua, nhiều hãng tàu đã phải chuyển hướng các tàu khác của họ về phía Mũi Hảo Vọng ở cực nam Châu Phi vì không biết khi nào kênh Suez được khai thông.

Tại cuộc họp báo vào tối 29-3, Chủ tịch SCA, Osama Rabie cho biết kênh Suez sẽ hoạt động bình thường trở lại trong vòng 4 ngày tới.

Các nhà phân tích cho biết có thể mất ít nhất 10 ngày để giải phóng hết số tàu đang dồn ứ ở hai đầu kênh Suez.

Họ nói rằng việc hàng loạt tàu lưu thông trở lại qua kênh đào Suez cùng một lúc có thể làm tắc nghẽn các cảng đến ở châu Âu bao gồm cảng Rotterdam (Hà Lan) và cảng Antwerp (Bỉ), khiến thời
gian chờ bốc dỡ hàng kéo dài.

Trung tướng Mohab Mamish, cố vấn tổng thống Ai Cập về các dự án kênh đào Suez, nói rằng SCA có quyền yêu cầu Công ty Shoei Kisen Kaisha (Nhật Bản), chủ sở hữu tàu Ever Given bồi thường bất cứ thiệt hại nào phát sinh trong thời gian tàu bị mắc cạn cũng như chi phí giải cứu. Shoei Kisen Kaisha đang cho hãng tàu Evergreen (Đài Loan) thuê tàu này. Tuy nhiên, các khoản bồi thường này sẽ được các hãng bảo hiểm và tái bảo hiểm thanh toán.

David Smith, Giám đốc phụ trách bảo hiểm hàng hải ở hãng môi giới bảo hiểm McGill & Partners, ước tính tổng chi phí bồi thường bảo hiểm sẽ lên đến 150 triệu đô la. Ông cho biết chi phí lớn nhất là bồi thường cho mất mát doanh thu của SCA, khoảng 15 triệu đô la/ngày. Dù vậy, con số trên vẫn thấp hơn so với các kịch bản khác nếu tàu Ever Given bị mắc cạn lâu hơn.

Các chuyên gia của Công ty Shoei Kisen Kaisha và SCA đang phối hợp điều tra nguyên nhân tàu Ever Given bị mắc cạn. Các giả thiết ban đầu cho thấy một trận bão cát mạnh có thể đã làm con tàu chệch hướng. SCA cho biết tốc độ gió vào thời điểm tàu mắc cạn khoảng 74 km/giờ. Tuy nhiên, SCA cho biết bão cát không phải là nguyên nhân duy nhất và cần phải điều tra kỹ hơn để xác định xem liệu có sai sót kỹ thuật hay lỗi của con người hay không.

Theo CNBC, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới