Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kênh đào Suez vẫn nghẽn, các hãng tàu đổi tuyến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kênh đào Suez vẫn nghẽn, các hãng tàu đổi tuyến

Khánh Lan

(KTSG Online) – Các hãng vận tải biển đang đổi hướng di chuyển của tàu hàng sau khi kênh đào Suez (Ai Cập), tuyến hàng hải ngắn nhất kết nối châu Á với châu Âu, vẫn còn tắc nghẽn do sự cố mắc cạn của tàu hàng Ever Given của hãng Evergreen Marine.

Sau nhiều nỗ lực giải cứu, sáng 29-3, Ever Given – con tàu dài 400 mét và trọng tải 224.000 tấn, bị mắc cạn và nằm chắn ngang kênh đào Suez từ hôm 23-3 – đã nổi trở lại một phần. Tuy nhiên, ông Peter Berdowski, Giám đốc điều hành Boskalis, công ty được thuê để giải cứu Ever Given, nói vẫn còn quá sớm để vui mừng vì tàu chỉ mới nổi phần đuôi, còn phần mũi tàu vẫn đang bị kẹt ở bờ kênh. Theo Cơ quan Quản lý kênh đào Suez, phần đuôi của tàu đã di chuyển ra vị trí cách bờ kênh 102 mét so với vị trí cách chỉ 4 mét trước đó.

Kênh Suez bị kẹt, tàu hàng phải đi vòng xuống cực nam châu Phi

Vì sự cố này, nhiều hãng vận tải biển buộc phải chuyển hướng di chuyển của các tàu và từ chối nhận thêm đơn hàng mới. Họ dự báo thời gian giao hàng bị trì hoãn lâu hơn, khiến tình trạng tắc nghẽn càng kéo dài ở các cảng trên thế giới.

Các lãnh đạo ngành vận tải biển nói rằng cho dù tàu Ever Given được giải cứu ngay, tình trạng dồn ứ của các tàu chờ vượt qua kênh đào Suez sẽ kéo dàu trong nhiều ngày và việc chuyển hướng vận chuyển hàng hóa có thể làm đảo lộn quy trình quản lý cẩn thận và nhịp nhàng đối với dòng chảy container trên thế giới. Kênh đào Suez, kết nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ, chiếm khoảng 13% giá trị thương mại và 10% lượng dầu thô được vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu mỗi năm.

Kênh đào Suez vẫn nghẽn, các hãng tàu đổi tuyến
Sáng 29-3, phần đuôi của tàu Ever Given đã nổi trở lại nhưng phần mũi của nó vẫn còn mắc kẹt ở bờ kênh đào Suez. Ảnh: Getty

Caroline Becquart, Phó Chủ tịch Mediterranean Shipping Co., một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, nói rằng sự cố tắc nghẽn ở kênh đào Suez “sẽ dẫn đến một trong những đợt gián đoạn thương mại toàn cầu lớn nhất trong những năm gần đây”.

Hôm 28-3, Maersk (Đan Mạch), hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, thông báo đã đổi hướng di chuyển đối với 15 tàu của hãng này ra khỏi kênh đào Suez và tạm thời từ chối đơn hàng của một số khách hàng mới trong khi thẩm định lại công suất.
Hapag-Lloyd, hãng vận tải biển lớn nhất Đức, cũng thông báo cho khách hàng rằng 9 tàu của hãng bị ảnh hưởng bởi sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez và 6 tàu khác đã được yêu cầu chuyển hướng để đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực nam của châu Phi. Việc đi đường vòng như vậy sẽ khiến thời gian di chuyển của tàu kéo dài thêm 2 tuần và tốn kém thêm hàng trăm ngàn đô la cho mỗi hành trình. Hapag-Lloyd cho hay đang lên kế hoạch chuyển hướng nhiều tàu khác.
Hãng vận tải biển Cosco của Trung Quốc có 10 tàu đang bị kẹt ở kênh đào Suez. Tàu container Cosco Excellence của Cosco đã chuyển hướng để đi vòng qua cực nam châu Phi.

Việc chuyển hướng khỏi kênh đào Suez diễn ra cấp tập vào cuối tuần qua khi nhiều hãng tàu không còn hy vọng về một giải pháp nhanh chóng cho tàu container Ever Given. Các cuộc chuyển hướng đầu tiên liên quan đến các tàu container và tàu dầu đang di chuyển ở vị trí còn xa kênh đào Suez.

Nhưng giờ đây, nhiều tàu container ở gần Biển Đỏ cũng bất ngờ chuyển hướng xuống phía nam châu Phi.
Tàu container Maren Maersk của Đan Mạch đang chờ hàng từ Malaysia đến Rotterdam (Hà Lan), dự kiến đến kênh đào Suez vào ngày 31-3 nhưng đã đột ngột ngoặt về phía mũi Hảo Vọng vào sáng 28-3.
Nhiều tàu hàng khác chấp nhận bị mắc kẹt vì chúng đã đến các cửa ngỏ ở hai phía của kênh đào Suez.

Gây căng thẳng thêm cho công suất vận tải biển

Công ty tư vấn Sea-Intelligence nhận định việc đổi hướng di chuyển như vậy trong dài hạn sẽ làm công suất vận chuyển container toàn cầu suy giảm 6% vì các tàu phải mất nhiều thời gian hơn cho các hành trình dài hơn.
“Rõ ràng mức tiêu hao công suất như vậy sẽ gây tác động lớn trên toàn cầu và dân đến tình trạng thiếu hụt công suất vận tải biển nghiêm trọng”, Sea-Intelligence cho biết trong một báo cáo công bố cuối tuần trước.

Giữa lúc công suất vận tải biển bắt đầu thắt chặt vào cuối năm ngoái và tình trạng này kéo dài dai dẳng sang năm nay, vụ mắc cạn của tàu Ever Given sẽ càng gây căng thêm cho công suất và thiết bị của các hãng tàu. Thông báo có đoạn: “Cứ mỗi ngày kênh đào Suez còn bị tắc nghẽn, tác động lan tỏa lên công suất và thiết bị vận tải biển trên toàn cầu tiếp tục tăng”, hãng vận tải biển Maersk viết trong thông báo gửi cho khách hàng. Maersk cho biết không thể ước tính được thời gian cập cảng của những tàu bị ảnh hưởng bởi sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez.

Leth Agencies, nhà cung cấp dịch vụ kênh đào Suez, cho biết tính đến hôm 28-3, có 327 tàu đang nằm chờ để đi vào kênh đào Suez và có 40 tàu khác đang kẹt bên trong kênh đào này. Các hãng tàu ước tính phải mất 5 ngày để số tàu này thông qua một khi kênh đào Suez an toàn để di chuyển trở lại. Một số nhà bán lẻ, các công ty hàng tiêu dùng và các nhà sản xuất bắt đầu chuyển sang sử dụng vận tải hàng không và các nhà cung cấp dich vụ vận tải khác.

Hãng phần mềm chuỗi cung ứng Blue Yonder cho hay một trong những khách hàng của hãng này bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kênh đào Suez là một nhà sản xuất bia ở Anh với 170 container thành phẩm chưa thể chuyển từ châu Âu sang châu Á. Một khách hàng khác, chuyên sản xuất thiết bị y tế, đang hỏi các nhà cung cấp liệu có còn linh kiện để sẵn sàng vận chuyển bằng máy bay thay thế cho số linh kiện đanh bị mắc kẹt trên các tàu hay không.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Công ty dịch vụ logistics Geodis (Pháp) nói rằng công suất vận chuyển hàng không và đường sắt cũng đang thắt chặt. “Cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ gây ra cơn hỗn loạn mới về lịch trình của các tàu container và tình trạng tắc nghẽn ở các cảng đến ở châu Âu lẫn châu Á”, ông nói.

Công ty quản lý tàu dầu Signal Group ước tính nếu kênh đào Suez bị nghẽn trong 2 tuần, điều này sẽ khiến công suất vận chuyển dầu thô và các sản phẩm xăng dầu trên toàn cầu giảm 4,4% vì các tàu chở dầu mất nhiều thời gian hơn khi phải đi vòng qua cực nam châu Phi.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới