Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Pháp

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngày 14-4 tại Hà Nội, đã diễn ra hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 với các chuyên đề: đô thị bền vững; môi trường, nước và xử lý nước; văn hóa, di sản và du lịch; thành phố thông minh và số hóa. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Pháp kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, địa phương 2 nước cũng diễn ra dịp này.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 diễn ra ngày 14-4 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, tại hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Pháp luôn là đối tác quan trọng hàng đầu trong EU và là đối tác đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Pháp cũng là một trong những đối tác thương mại, đầu tư, viện trợ không hoàn lại hàng đầu châu Âu cho Việt Nam. Là đối tác thương mại EU lớn thứ năm của Việt Nam, sau Đức, Hà Lan, Anh và Ý. Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 5,34 tỉ đô la, tăng 10% so với 4,8 tỉ đô la năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 3,69 tỉ đô la, chủ yếu là những mặt hàng: Giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,63 tỉ đô la chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm.

Riêng quí I năm 2023, thương mại song phương đạt khoảng 1,191 tỉ đô la, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp 808,6 triệu đô la và nhập khẩu từ thị trường này 382,6 triệu đô la.

Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư trực tiếp của Pháp vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến – chế tạo, sản xuất – phân phối điện, khí, nước điều hòa… phân bổ tại 35 địa phương, dẫn đầu là Bà Rịa – Vùng Tàu (10 dự án trị giá hơn 1,622 triệu đô la), Hà Nội (126 dự án trị giá 372,94 triệu đô la); TPHCM (337 dự án trị giá 309,94 triệu đô la).

Pháp cũng là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam và vay ưu đãi 3 tỉ euro. Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên: Biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh.

Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội cho biết, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp, 10 năm đối tác chiến lược, hội nghị đã tập trung thảo luận 4 phiên hội thảo chuyên đề về: Đô thị bền vững; môi trường, nước và xử lý nước; văn hóa, di sản và du lịch; thành phố thông minh và số hóa.

Bên lề hội nghị còn diễn ra nhiều hoạt động: Không gian quảng bá các địa phương “Sắc màu Việt Nam”; lễ hội “Balade en France/Dạo chơi nước Pháp”; Hội thảo “Phát huy giá trị không gian khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long”; triển lãm “Hà Nội – Khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á”; triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954″… Đặc biệt trong chuỗi sự kiện có Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Pháp, kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, địa phương của 2 nước.

Kết nối cơ hội đầu tư, giao lưu giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Pháp. Ảnh: TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới