Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kết nối công nghệ vào ngành vận tải truyền thống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kết nối công nghệ vào ngành vận tải truyền thống

Mỹ Huyền

Kết nối công nghệ vào ngành vận tải truyền thống
 

(TBKTSG Online) – Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không khí làm việc tại văn phòng giao dịch của Logivan (quận 3, TPHCM) – ứng dụng đặt xe tải sở hữu mạng lưới kết nối đến 45.000 chủ xe tải chuyên dụng – càng thêm nhộn nhịp và sôi động. Ban giám đốc của công ty khởi nghiệp non trẻ này cho biết những điều phối viên của Logivan vẫn ngày đêm làm việc để đảm bảo cho các chuyến hàng luôn được thông suốt, đúng như lời cam kết: “Chúng tôi sẽ luôn mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng dù xuân sang hay hạ tàn”.

Đến hẹn lại lên, bước vào năm mới và cận Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian sôi động nhất của hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa. Đây là thời điểm các xe hàng từ Bắc đến Nam hoạt động tối đa công suất nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa diễn ra hiệu quả và kịp thời, song, trên thực tế, vẫn tồn tại một số khó khăn đối với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lẫn doanh nghiệp vận tải.

Mùa cuối năm, kể từ tháng 12 trở đi, được coi là thời điểm nhiều doanh nghiệp cung ứng hàng hóa ra thị trường, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, công nghiệp dân dụng… nhằm phục vụ cho nhu cầu của người dân vào Tết Nguyên đán sắp đến.

 

 

 

 

Theo thống kê của ngành công thương, các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như thịt lợn, gạo, rau củ cho đến hàng nhiên liệu, năng lượng (xăng, dầu, khí đốt…) đều tăng về số lượng và nhu cầu tiêu thụ trên cả nước, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay.

Đơn cử, theo số liệu của Sở Công Thương TPHCM, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.027,3 tỉ đồng, tăng 602,5 tỉ đồng (3,27%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019 (18.424,8 tỉ đồng). Lượng hàng chuẩn bị tăng 14,6-17,3% so kế hoạch thành phố giao và tăng 21-28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019.

Trong khi đó, theo tính toán của Sở Công Thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỉ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch Tết năm 2019).

Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng leo thang để có thể phục vụ nguồn hàng khổng lồ cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Số lượng hàng hóa mùa cuối năm tăng mạnh dẫn đến nhu cầu tìm xe tải chở hàng cũng tăng theo. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy nhiều tài xế nhỏ lẻ có xe tải chở hàng, nhưng lại không có cơ hội tiếp cận các nguồn hàng mà chỉ biết một số mối quen, khiến công suất xe tải của họ không được tối ưu. Trong khi đó, với các công ty vận tải, số lượng xe tải vẫn không tăng nhiều dẫn đến tình trạng thiếu hụt xe chuyển hàng.

Tình hình khan hiếm xe tải chuyển hàng trong những giai đoạn mùa cao điểm như lễ tết vẫn xảy ra trong nhiều năm qua. Điều này đã thôi thúc Phạm Khánh Linh (Linh Phạm), một trong những người sáng lập của Logivan, trong việc tìm ra giải pháp để giải quyết tình trạng nghịch lý của ngành vận tải hàng hóa. Trong mùa cao điểm, luôn xảy ra tình trạng thiếu xe chở hàng, trong khi đó, 100% xe tải của các nhà máy đều quay đầu về với trạng thái xe rỗng khi hoàn thành việc giao hàng, đây là một thị trường bị bỏ không đang cần khai thác.

Các công ty vận tải chỉ tận dụng xe tải của mình cho một chiều giao hàng khiến tỷ lệ chi phí cho hậu cần (logistics) trong hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức tăng lên. Từ đó kéo theo hệ quả là chi phí logistics của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực. Theo thống kê của World Bank, tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 chiếm 20,8% tổng GDP và 18% vào năm 2018. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển chỉ từ 9-14%. Do đó, không ít doanh nghiệp vận tải đã đẩy giá vận chuyển hàng hóa lên cao để bù đắp vào chi phí, trong đó có chi phí xe quay đầu.

Từ thực tế này, Phạm Khánh Linh đã cho ra đời ý tưởng khởi nghiệp trong ngành logistics nhằm tiết kiệm chi phí vận tải cho doanh nghiệp và xa hơn là góp phần tiết kiệm chi phí vận tải cho quốc gia.

Trên thị trường vẫn có những đơn vị kết nối các phương tiện vận tải nhưng vẫn chưa áp dụng được công nghệ toàn diện vào điều hành. Nền tảng công nghệ của Logivan kết nối giữa người có nhu cầu chuyển hàng hóa và người sở hữu phương tiện vận chuyển để tận dụng những chuyến xe rỗng đang về bến khi giao hàng. Qua đó, giải quyết bài toán chiều về rỗng của hơn 70% phương tiện tại Việt Nam.

 

Ý tưởng khởi nghiệp của Logivan được các nhà đầu tư quan tâm bởi vì là giải pháp chữa đúng bệnh “dư xe mà vẫn thiếu của doanh nghiệp” cần giao hàng. Nhiều doanh nghiệp đã thấm mệt với tình trạng thiếu xe tải giao hàng mà vẫn phải để xe rỗng chiều về, rồi thì tăng giá để chạy theo mùa cao điểm đã thấy được ý tưởng này chạm được đúng vấn đề của mình.

Nếu nghiên cứu về thị trường vận tải Việt Nam sẽ thấy được phần lớn chủ hàng là những hộ gia đình cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vấn đề của Logivan là làm thế nào thuyết phục được các doanh nghiệp này để họ thấy được ưu điểm từ việc kết nối công nghệ.

Quá trình phát triển lực lượng đối tác không phải là con đường rải đầy hoa cho Logivan. Nhà đồng sáng lập, cũng là Giám đốc điều hành (CEO) Phạm Khánh Linh cho rằng để có được sự hợp tác với các doanh nghiệp vận tải, công ty phải cùng họ từng bước làm quen với khái niệm “vận tải công nghệ” trong thời đại “mở mắt đã thấy công nghệ”. Khó khăn trong quá trình này mà Khánh Linh nhận ra là chưa chắc nhận được sự chào đón của các doanh nghiệp truyền thống đối với công nghệ.

Sau đó, công ty góp phần tăng doanh thu cho đối tác bằng cách cung cấp đơn hàng thường xuyên. Ở chiều ngược lại, việc hợp tác cùng chủ phương tiện cũng góp phần giúp Logivan mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới xe tải để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là đối với các  đơn hàng đặc thù.

Tận dụng chiều về của xe tải rỗng nên giá cước đề xuất từ Logivan rẻ hơn đến 30% cho với giá trị trường tại cùng thời điểm. Nhờ áp dụng thuật toán mà Logivan đã giải quyết được các bất tiện như tốn thời gian, tốn chi phí từ việc tra cứu giá thủ công vẫn được sử dụng lâu nay.
Trước nay, giá cước vận tải phức tạp do quy trình phức tạp, mỗi loại hàng lại có một loại xe phù hợp tương ứng. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến giá cước như quãng đường, trọng lượng và kích thước hàng hóa, loại hàng, yếu tố mùa vụ thay đổi liên tục… Việc tra cứu giá thủ công vẫn còn là một phần trong ngành vận tải đường bộ, nhất là khi các doanh nghiệp vận tải truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong ngành vận tải đường bộ tại Việt Nam. 

Do đó, khi xây dựng hệ thống báo giá tự động, Logivan đã phân tích hơn 100 yếu tố khác nhau trong thuật toán để tính giá cước tự động chính xác nhất. Để có được những tính năng này, Logivan đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng các công cụ như APPLE (hệ thống tính giá tự động cho mỗi đơn hàng), REEL (công cụ tìm tài xế phù hợp cho mỗi đơn hàng)… Ngoài ra, trên ứng dụng Logivan còn tích hợp những tính năng đi kèm như theo dõi tình trạng xe hàng, bảo hiểm hàng hóa, báo cáo sự cố…

 

Vào giai đoạn khởi sự ban đầu, tháng 11-2017, Logivan may mắn khi thị trường đã chấp nhận dịch vụ của mình. Điều này khiến đội ngũ nhân sự của công ty khởi nghiệp non trẻ càng thêm nỗ lực. Trong năm 2018, Logivan kết nối được hơn 22.000 đối tác xe tải và 10.000 công ty giao hàng trên thị trường. Năm 2019, số lượng đối tác lên đến 45.000 với 13 loại phương tiện như xe tải thùng kín, xe tải mui bạt, container… Sau 2 năm kinh doanh, Logivan thu về 14 triệu đô la từ các giao dịch vận chuyển cộng vào nguồn vốn đổ vào việc cải tiến công nghệ. 

 

Là diễn giả trẻ tuổi nhất chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM vào tháng 9-2019 với chủ đề “Từ khát vọng đến hành động”, vị CEO thế hệ 9X của Logivan đã có những trải lòng về con đường khởi nghiệp thú vị với lĩnh vực “Uber xe tải”.

Phạm Khánh Linh cho biết hành trình đến với lĩnh vực logistics của mình không hề có chủ đích từ trước mà là sự tình cờ. Khi về Việt Nam sau 7 năm học tập và làm việc tại nước Anh, Phạm Khánh Linh vào làm cho công ty gia đình. Cô học về công nghệ, công nghệ thông tin nhưng công ty của gia đình lại làm về thuốc bảo vệ thực vật, không liên quan gì đến chuyên môn của mình. Tuy nhiên, cô muốn có cơ hội trải nghiệm tại đây để hiểu về các ngành nghề truyền thống ở Việt Nam, từ đó quan sát và tìm ra những thiếu sót để đưa công nghệ vào áp dụng và từ từ thay đổi.

Tuy nhiên, sau một năm làm việc thì một vấn đề lớn nhất mà cô nhận thấy chính là 10 chiếc xe tải của gia đình 100% quay đầu rỗng. Có nghĩa là xe chỉ chở hàng đi rồi về rỗng rất uổng phí. Từ đó, cô gái trẻ nhận ra thị trường vận tải Việt Nam tuy rộng, trị giá hàng tỉ đô la nhưng lại hoạt động thiếu hiệu quả. Do đó, Phạm Khánh Linh quyết định thành lập nên mạng lưới “Uber xe tải” để tận dụng tối đa lượng xe đi về rỗng, giúp kết nối chủ xe và các chủ hàng một cách hiệu quả.

Qua nghiên cứu, Khánh Linh nhận thấy ngành logistics nội địa rất phân mảnh, Phần lớn các công ty vận tải trong nước chỉ có dưới 5 xe mà thôi. Sự phân mảnh này dẫn đến việc các xe quay đầu về chiều rỗng chiếm đến 70%, dẫn đến một sự lãng phí lớn cho ngành logistics nội địa. Trong khi đó, chi phí về logistics lạo chiếm đến 21% tổng GDP của Việt Nam, cao gấp 3 lần so với Singapore là 8%, gấp rưỡi Trung Quốc, Nhật Bản với khoảng 15- 16%.

“Tôi xây dựng Logivan là để người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa kết nối thẳng với chủ xe, không phải đi qua trung gian, môi giới nữa. Điều này sẽ giúp giảm chi phí logistics cho các chủ hàng. Việc kết nối tốt hơn giữa chủ hàng – chủ xe sẽ giúp giúp chủ xe có nhiều mối hàng hơn và đi về rỗng ít hơn. Đây cũng là mục tiêu phủ sóng trong 5-10 năm nữa của Logivan”, Khánh Linh chia sẻ.

Theo nữ CEO 9x, Logivan hiện có 3 văn phòng ở Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, mạng lưới xe tải khoảng 45.000 đầu xe, hơn 30.000 chủ hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc sử dụng nền tảng để kết nối trực tiếp đến chủ xe. Trong 2 năm qua, nhà khởi nghiệp (startup) này đã ký kết được hợp đồng với các tập đoàn lớn như trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sắt thép.

Đội ngũ nhân sự chuyên về AI của Logivan hiện có 8 thành viên, là các thạc sĩ và tiến sĩ từ Nhật Bản, châu Âu đang ngày đêm cố gắng số hóa ngành vận tải bằng cách sử dụng mô hình thuật toán trí tuệ nhân tạo, dựa vào đó tính giá vận tải linh hoạt để giới thiệu đúng chuyến hàng cho chủ xe một cách phù hợp nhất.

Rào cản là phụ nữ khiến Khánh Linh phải vất vả đi thuyết phục từng người rằng “Tôi có thể làm được”, rằng “Uber xe tải” có thể phát triển ở Việt Nam, bởi nó đã được nhân rộng ở Trung Quốc, Mỹ… Tuy nhiên, điều này khá khó khăn vì người ta nhìn vào cô là phụ nữ, mà lại là doanh nhân trẻ tuổi thì thường bị hoài nghi về khả năng lãnh đạo và dẫn dắt doanh nghiệp…

Khánh Linh cho biết hiện tại Logivan đã có 200 nhân sự, riêng bộ phận nhân sự cũng có khoảng 8-9 người nên công tác tuyển dụng không còn vất vả như trước. Tuy nhiên, cô cho rằng một nữ CEO khi đã lựa chọn làm người lãnh đạo thì phải chấp nhận nhiều thách thức.

 

Quay trở lại với câu chuyên của Logivan, sau 2 năm, Logivan đã hoàn thành 3 vòng gọi vốn gần 8 triệu đô la Mỹ từ các quỹ đầu tư thiên thần, các nhà đầu tư châu Á.

Tháng 8-2018, công ty gọi vốn thành công 1,75 triệu đô la trong vòng Series A từ Ethos Partners, Vinacapital Ventures và Insignia Ventures Partners. Trước đó, Logivan nhận khoản đầu tư 600.000 đô la cũng từ quỹ Insignia Ventures Partners tại Singapore. Tháng 2-2019, Logivan tuyên bố đã huy động được 5,5 triệu đô la. Khoản đầu tư này đến từ các nhà đầu tư thiên thần và các công ty đầu tư mạo hiểm trên khắp châu Á, bao gồm đối tác sáng lập quỹ đầu tư Matrix Partners (Trung Quốc) David Su, quỹ Alpha JWC Ventures. Logivan cũng là đại diện startup Việt Nam nhận giải nhất cuộc thi Pitch@Palace – chương trình được khởi xướng bởi Hoàng tử Andrew – Công tước xứ York với mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ và thúc đẩy các công ty khởi nghiệp toàn cầu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông thông minh, điều khiển tự động, tài chính cá nhân…

Nếu ở thời điểm ban đầu, Logivan chỉ là một nền tảng công nghệ với những tính năng cơ bản trong việc kết nối giữa chủ hàng và chủ xe, nhưng hiện tại, startup này vẫn luôn nâng cấp và hoàn thiện về tính năng và giao diện dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng. Bởi theo các nhà sáng lập, khách hàng luôn đòi hỏi những trải nghiệm tiện lợi mới khi đã dùng quen dịch vụ. Do đó, Logivan tiếp tục đưa các giá trị cộng thêm vào nền tảng. Trên thực tế, nhiều tính năng nổi bật như so sánh các loại giá cước tương ứng với các loại xe tải, chọn tài xế 5 sao, xe nhận hàng có mặt kịp thời đã chính thức được đưa vào nền tảng.

 

Nội dung: Mỹ Huyền – Trình bày: Doãn Thụy

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới