Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kết nối internet sẽ nhanh hơn nhờ cáp quang biển AAE-1

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kết nối internet sẽ nhanh hơn nhờ cáp quang biển AAE-1

Vân Ly

Kết nối internet sẽ nhanh hơn nhờ cáp quang biển AAE-1
Sơ đồ tuyến cáp AAE-1. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam sẽ nhanh và ổn định hơn nhờ tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1) mà các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư sắp được đưa vào khai thác.

Viettel và VNPT là hai doanh nghiệp có tham gia đầu tư để sử dụng dung lượng của tuyến cáp này, còn FPT Telecom chỉ tham gia thuê dung lượng của tuyến. Các doanh nghiệp cho biết, dự kiến trong tháng 7-2017, tuyến cáp AAE-1 sẽ được đưa vào sử dụng.

Tuyến cáp AAE-1 có tổng vốn đầu tư 820 triệu đô la Mỹ với sự tham gia góp vốn của 20 đối tác tại 18 quốc gia (là các công ty viễn thông tại các quốc gia mà tuyến cáp đi qua). AAE-1 nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi với chiều dài khoảng 23.000 km.

Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, tập đoàn này đã đầu tư 50 triệu đô la Mỹ cho tuyến cáp quang biển AAE-1. Ông chia sẻ thêm rằng đây là tuyến cáp cũng có thể làm dự phòng cho các tuyến cáp mà Viettel cũng như những doanh nghiệp Việt Nam khác đã tham gia đầu tư và sử dụng như APG, AAG và IA…

Tuyến cáp AAE-1 cũng kết nối từ Việt Nam ra quốc tế, nhưng theo hướng khác so với các tuyến APG, AAG hay IA trong khi AAE-1 nối từ Việt Nam qua Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, châu Âu, châu Phi thì APG, AAG và AI lại nối từ Việt Nam qua Hồng Kông, Đài Loan, Philippines đi Mỹ. Do đó, ngay cả khi tuyến cáp quang biển APG, AAG hay IA đều tê liệt như xảy ra động đất tại Đài Loan cách đây vài năm thì AAE-1 vẫn có thể hoạt động bình thường.

Được biết Viettel sở hữu tổng dung lượng tới 2,5 Tbps trên tuyến cáp AAE-1. Sau khi đi vào hoạt động, tuyến cáp biển này sẽ góp phần quan trọng vào hạ tầng kết nối quốc tế của Viettel, đáp ứng sự tăng trưởng mạnh về băng thông internet quốc tế cho thị trường Việt Nam cũng như phục vụ việc kết nối các quốc gia tại châu Phi mà Viettel đầu tư như Tanzania, Burundi đến châu Âu.

Trong khi Viettel tham gia đầu tư 50 triệu đô la Mỹ vào tuyến cáp quang biển này thì VNPT chỉ tham gia đầu tư 12 triệu đô la Mỹ.

Cả Viettel, FPT Telecom và VNPT đều cho biết đang tìm kiếm để đầu tư thêm những tuyến cáp quang biển mới như Faster, SJC… Tuy nhiên, doanh nghiệp nào đầu tư bao nhiêu vẫn còn đang trong quá trình bàn bạc nên chưa tiết lộ.

Trước khi tuyến cáp AAE1 đi vào hoạt động, kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào các tuyến cáp quang biển APG (chiếm 70% dung lượng), AAG, IA, SMW-3 và một số tuyến cáp quang đất liền.

Nhưng APG cũng vừa bị đứt vào ngày 20-6 vừa qua và dự kiến 14-7 tới việc truy cập internet của Việt Nam đi quốc tế mới hết chậm khi tuyến cáp quang biển này được sửa chữa xong.

Trước khi tuyến cáp APG hoạt động vào cuối năm ngoái, kết nối internet của Việt Nam đi quốc tế chủ yếu dựa vào tuyến cáp quang biển AAG (chiếm 70% dung lượng) và các tuyến cáp IA, SMW-3 và một số tuyến cáp quang đất liền. Nhưng khi APG đi vào hoạt động lại đảm trách phần lớn lưu lượng kết nối internet của Việt Nam đi quốc tế, vì APG có dung lượng gấp 10 lần AAG. Do vậy, khi APG bị trục trặc thì lưu lượng kết nối internet đi quốc tế dồn toàn bộ vào các tuyến cáp quang biển và đất liền còn lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới