Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kết quả kinh doanh quí 1 sẽ ‘trợ lực’ cho cổ phiếu ‘vua’?

Đăng Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cùng với lợi nhuận tích cực, cổ phiếu ngành ngân hàng có thể sẽ còn nhận được nhiều thông tin hỗ trợ trong năm 2022 như kế hoạch bán vốn chiến lược, nới room cho nhà đầu tư nước ngoài hay tăng vốn bằng cách chia cổ tức.

Lợi nhuận trước thuế của MB năm 2022 sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỉ đồng. Ảnh: N.K

Lợi nhuận vẫn tăng trưởng

Theo thông tin mà Công ty Chứng khoán SSI vừa đưa ra trong Báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận quí 1-2022 bình quân của các ngân hàng có thể tăng 9-11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, nguyên nhân khiến lợi nhuận quí 1-2022 của ngành ngân hàng tăng thấp so với cùng kỳ chủ yếu là do hai ngân hàng TMCP lớn là VietinBank (CTG) và Vietcombank (VCB) có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao của cùng kỳ năm 2021.

Trái ngược với CTG và VCB, các ngân hàng còn lại có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân khoảng 25-27% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn so với kỳ vọng trước đây do VPBank (VPB) đã gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA cùng với một khoản phí trả trước bổ sung, giúp ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quí 1-2022. Mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất được kỳ vọng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Sacombank (STB), Hàng hải Việt Nam (MSB), Bưu điện Liên Việt (LPB) và VPB.

Những thông tin ban đầu xoay quanh kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2022 cũng cho tín hiệu khá tích cực.

Trừ CTG và VCB, các ngân hàng còn lại có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân khoảng 25-27% so với cùng kỳ.

Cụ thể, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 16-3-2022, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết lợi nhuận quí 1-2022 ước đạt 2.200 tỉ đồng, tăng trưởng 24-25% so với cùng kỳ, tương đương 21% kế hoạch năm.

Đồng thời, VIB cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022, với lợi nhuận trước thuế tới 10.500 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn của ngân hàng này ước tính tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỉ đồng; 265.600 tỉ đồng và 280.600 tỉ đồng.

Còn tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư mới đây, Ban lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% trong năm nay. Tín dụng của MB tính đến thời điểm hiện tại ước tăng khoảng 10% so với cuối năm 2021, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp.

Với mức tăng trưởng trên, dự kiến lợi nhuận hợp nhất quí 1-2022 của MB sẽ đạt khoảng 5.500 tỉ đồng. Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trước thuế của MB năm 2022 sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỉ đồng; chênh lệch lãi suất huy động và cho vay (NIM) khá ổn định ở mức 5,1%; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trung bình cả năm sẽ ở quanh mức 42-44%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) có thể đạt 26,3% – mức cao thứ hai toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương.

Kết quả kinh doanh tháng đầu năm của MSB cũng khá tích cực với lợi nhuận trước thuế đạt 577 tỉ đồng. Ngân hàng này dự kiến lợi nhuận cả năm đạt 6.800 tỉ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 30% so với năm ngoái. Tổng tài sản kế hoạch tăng thêm 15%, đạt 230.000 tỉ đồng; tín dụng kỳ vọng tăng 25%. Ban lãnh đạo MSB tự tin đạt được mục tiêu tham vọng này với chiến lược đẩy mạnh hơn nữa các mảng thu nhập ngoài lãi, tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút CASA, giảm chi phí vốn và chi phí hoạt động.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ phân hóa

Theo SSI, có ba yếu tố chính khiến các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định.

Thứ nhất là tín dụng tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ. Theo thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022 vừa qua thì tín dụng ngành ngân hàng đã tăng 1,82% so với cuối năm 2021. Trong hai tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 190.000 tỉ đồng tín dụng.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dao động trong khoảng 2-10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn quí 1-2021 bao gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID), CTG, MBB, Phát triển TPHCM (HDB) và Tiên Phong (TPB).

Thứ hai là NIM của các ngân hàng vẫn ổn định so với quí trước. Trong khi HDB, VPB và Techcombank (TCB) tăng lãi suất huy động từ 10-20 điểm phần trăm thì các ngân hàng khác hầu như không có sự thay đổi. Thậm chí, một số ngân hàng vẫn còn dư địa để tối ưu hóa hệ số cho vay trên vốn huy động (LDR) và duy trì NIM ổn định trong kỳ.

Thứ ba là nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu được kiểm soát khá tốt. Do các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và củng cố “bộ đệm” dự phòng rủi ro tín dụng trong quí 4-2021 nên nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu dự kiến sẽ không có quá nhiều biến động trong quí 1-2022. Điều này có thể khiến áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng trong quí 1-2022 không còn quá nặng nề.

Cùng với lợi nhuận tích cực, cổ phiếu ngành ngân hàng có thể sẽ còn nhận được nhiều thông tin hỗ trợ trong năm 2022 như kế hoạch bán vốn chiến lược, nới room cho nhà đầu tư nước ngoài hay tăng vốn bằng cách chia cổ tức. VCB cho biết sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 8-4 tới đây và trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Phó tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để VCB tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu, đồng thời, có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.

Năm 2022, VCB đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8% so với năm 2021, tín dụng tăng 12%, nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021. Năm 2021, VCB là quán quân lợi nhuận toàn ngành, với lợi nhuận trước thuế đạt 27.376 tỉ đồng, tăng 19% so với năm trước đó.

Tương tự, MSB dự kiến sẽ trình đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021. Các kế hoạch tăng vốn sẽ được MSB xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua và triển khai trong năm 2022, trong đó hướng đến các nguồn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài. Với ACB, tỷ lệ cổ tức mà cổ đông ngân hàng này nhận được hàng năm đều không dưới 25%. Các ngân hàng khác như MB, HDB, Phương Đông (OCB) cũng có kế hoạch chia cổ tức năm 2021 trên dưới 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Dù triển vọng chung vẫn khá tích cực nhưng nhìn chung giá cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh trong năm 2022. Dòng tiền theo đó sẽ không vận động một cách dàn trải mà sẽ chỉ tìm đến các ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng cao, chất lượng tài sản tốt hoặc có các câu chuyện riêng về tăng vốn, ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới