Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kết thúc chưa, năm 2008?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kết thúc chưa, năm 2008?

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần những giải pháp thiết thực để vượt qua khủng hoảng, chứ không phải là những hô hào suông. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Một năm đầy cảm xúc! Đáng tiếc, đó lại là cảm xúc không vui. Có tin xấu xuất hiện từ những tư duy chủ quan của doanh nghiệp, có những tin xấu “trăm năm có một!”. Làm gì để con thuyền nhỏ sống sót qua cơn bão lớn?

Bão lớn, diễn ra trong thời gian dài thì trốn mãi hay sao? Năm 2009, làm gì để sống chung với bão? Tinh thần, nghị lực vươn lên là cần thiết trong những lúc khó khăn, nhưng không thể chỉ dùng khẩu hiệu là có thể giải quyết được mọi việc. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần những cách làm thiết thực.

Đầu năm

“Mua đất không? Giá đang lên từng ngày, bồ cứ đòi tính, đòi nghĩ thì người khác mua hết trơn rồi. Năm nay ai cũng nhiều tiền, nhà đất lên giá ào ào. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn đó bồ”. Đó là câu chuyện cửa miệng cuối năm 2007 của đại đa số người có thu nhập trung và cao tại các thành phố lớn.

Một số chuyên gia tài chính thì úp mở: “Năm nay ắt có biến”. Biến gì vậy? Dân sản xuất, kinh doanh nhỏ ngơ ngác.

Sức mua vẫn tăng ào ào qua tháng 1 và tháng 2. Anh Q., một nhà kinh doanh, khoan khoái “than thở”: “Không có tiền để nhập hàng”. Còn anh T. thì quyết tâm khai trương thêm ba cơ sở kinh doanh với tổng vốn đầu tư cả chục tỉ đồng.

“Chỉ số giá tiêu dùng tăng hả? Đó là câu chuyện của người nghèo. Khách của tớ toàn dân trung và cao, hề hấn gì đâu?!”, anh Q., anh T. và chị L. cùng chia sẻ quan điểm.

Và rồi thị trường tiền tệ có biến, hết bơm ra lại hút vào. Nghe nói đang siết vì lạm phát, vì đầu tư kém hiệu quả, vì tiền không chịu chạy theo quy luật từ tiền sang hàng rồi trở về tiền.

Nó chạy đi đâu? Báo chí cùng xắn tay vào lần theo dấu vết của đồng tiền. À, chuyện đầu tư của Chính phủ, chuyện của tập đoàn, chuyện cơ chế… Bảng cân đối kế toán bắt đầu giảm. Nhãn tiền là nợ phải trả teo đi nhanh chóng. Hàng tồn kho nằm đó thách thức.

Khách hàng đâu hết rồi? Các doanh nghiệp băn khoăn và lo lắng?! Thay vì chờ những cuộc điện thoại chào hàng, bán hàng rôm rả hồi đầu năm, nay nghe điện thoại réo là giật mình thon thót. Ông A. dí quá. Ai dí ổng mà ổng dí mình vậy kìa? Ông “thắt chặt tín dụng” chứ ai. Mà sao ổng dí đồng loạt vậy? Mình có tội tình gì mà ổng dí?! Các doanh nghiệp nhỏ than thở. Quyết liệt chống lạm phát mà, to nhỏ dùng chung một cách, mọi người bảo thế.

Giữa năm

Tiền đồng mất giá ghê quá. Phân nửa doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ “đi ngủ”. Anh T. đã dẹp ba cơ sở mới, còn anh Q. thì nhập hàng cầm chừng, “thon lại” chỉ còn 20% so với đầu năm. Chị L. cũng buồn bã tâm sự: “Tưởng người nghèo mới khó, ai dè kinh tế khó khăn, người giàu là dân kinh doanh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng nên sức mua giảm mạnh. Năm nay cố làm sao cho đỡ lỗ chứ không dám mơ có lãi”.

Tưởng trải qua cơn bĩ cực như vậy đã đủ, ai dè chuyện bên trời Tây còn ác hơn. Nó xảy ra tận đẩu tận đâu nhưng lại làm thị trường mình co quắp lại. Báo chí ra rả suốt ngày những khủng hoảng, phá sản, khó khăn, thách thức, giải pháp, tháo gỡ… Sự bất an hiện rõ hơn bao giờ hết. Sức mua nhiều nhóm ngành hàng chỉ còn phân nửa so với năm ngoái. Bảng cân đối kế toán giờ không những giảm trong nợ phải trả mà còn giảm trong vốn chủ sở hữu. Cắt, bóp, lấy chỗ này đắp chỗ kia.

Một anh bạn chuyên làm hàng gỗ xuất khẩu, than: cho nghỉ 50% lao động rồi. Đầu năm, đầu tư thêm vào nhà xưởng, máy móc làm hàng gỗ. Khách Tây ký đơn hàng cả năm rồi mà. Tiện tay mua thêm lô đất cho chắc. Giờ chỉ còn một phần ba. Khách Tây thì nói “Tôi xin lỗi!”. Tình hình thế giới mà. Còn anh T. than: cắt, bóp vào xương rồi. Cứ đà này thì sống cũng dở mà chết cũng không xong. Chia sẻ này có tới cả vạn doanh nghiệp đồng tình. Một doanh nghiệp mất đi thì hàng chục, thậm chí hàng trăm người lao động mất việc. Giờ chuyện này không của riêng ai.

Cuối năm

Phải cứu doanh nghiệp. Vốn cũng chỉ là một giải pháp. Cái doanh nghiệp cần là người tiêu dùng không còn bất an, hào hứng mua sắm trở lại. Cái này khó lắm. Chỉ số lạc quan giảm, kích cho họ thích, kích cho họ muốn mua đâu có dễ. Cả năm sóng gió, người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều giữ thế thủ. Bất an là đương nhiên. Vậy doanh nghiệp nhỏ và vừa phải làm gì để tự cứu mình?

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá có thể khó khăn hai ba năm. Có nghĩa là phải “thon gầy” đi tiếp, nhiều thì vài chục phần trăm, ít thì cũng cả chục. 

Vậy là cũng khá rõ. Doanh nghiệp nào năng lực cạnh tranh, năng suất lao động yếu quá thì “đi xa” luôn đi. Doanh nghiệp nào cả tiến lẫn lùi đều không xong thì nên “đóng bè” để tận dụng lợi thế của nhau mà vượt khó. Doanh nghiệp nào trụ được thì tập trung lại cho vững, cho chắc, cho rõ lợi thế cạnh tranh, đổ bê tông vào các phân khúc, sản phẩm dịch vụ đang làm tốt.

Tập trung lại, đoàn kết lại, không ngừng tư duy sáng tạo và đổi mới cách nghĩ, cách làm là tư tưởng của hầu hết các doanh nghiệp cho những toan tính năm 2009. Cái khó vẫn còn, dẫu rằng Chính phủ có ra tay, nhưng không tay nào bằng tay người tiêu dùng.

PHAN HÀ – Trường Bạch Thái Bưởi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới