Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn

Văn Nam

Kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn
Theo kế hoạch thành phố sẽ xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) –  TPHCM đang kêu gọi các nhà đầu tư có vốn, công nghệ tham gia đầu tư dự án nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn, công suất xử lý 150.000 m3/ngày cho lưu vực Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên.

>> Dự án cải thiện kênh Tham Lương-Bến Cát chậm tiến độ

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm 19-3, ông Lưu Văn Tấn, Trưởng phòng Quản lý nước thải thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn sẽ được xây dựng trên diện tích 11 héc ta ở quận Bình Tân với tổng vốn xây dựng nhà máy ước khoảng 80 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Tấn, thành phố đang kêu gọi đầu tư dự án nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn theo hình thức BT, BOT (đổi đất lấy hạ tầng) … Theo kế hoạch, nhà máy sẽ vận hành vào năm 2015, xử lý nước thải cho các hộ dân lưu vực Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước lên quận 12, Tân Phú, Bình Tân.

Theo quy hoạch, lưu vực Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên sẽ có 3 nhà máy xử lý nước thải gồm nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn (150.000 m3/ngày), nhà máy Tham Lương-Bến Cát (250.000 m3/ngày) và nhà máy Bình Tân (180.000 m3/ngày).

Theo trung tâm chống ngập, thời gian qua việc kêu gọi đầu tư đối với các dự án xử lý nước thải lưu vực này gặp nhiều khó khăn, phần lớn là do nhà đầu tư thiếu vốn, không có nhà đầu tư tham gia hoặc chậm giải phóng mặt bằng.

Chẳng hạn như dự án nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát trên diện tích 13 héc ta tại phường An Phú Đông, quận 12 đến nay bị chậm tiến độ mất 3 năm, chưa khởi công được do ì ạch trong giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng do Công ty cổ phần-Đầu tư-Thương mại Phú Điền xây dựng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

Ông Tấn nhận định mặc dù bị chậm tiến độ đến gần 3 năm (kế hoạch ban đầu nhà máy sẽ vận hành vào đầu năm 2014), nhưng dự kiến đầu năm 2014 mới có thể xong khâu bàn giao mặt bằng, khi đó nhà đầu tư mới khởi công xây dựng và đến năm 2016 nhà máy mới có thể hoạt động.

Trong khi đó, do khó khăn kinh tế nên việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia không dễ dàng, vì vậy dự án nhà máy xử lý nước thải Bình Tân hiện vẫn chưa được thành phố đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư.

Như vậy cho đến nay, trong số 7 nhà máy xử lý nước thải cho TPHCM thì chỉ có một nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (công suất 141.000 m3/ngày) được đưa vào vận hành. 

Theo các chuyên gia môi trường, hiện tổng lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý của cả thành phố thải ra kênh rạch mỗi ngày là trên 1,2 triệu m3. Do chưa có đầy đủ hệ thống xử lý nên phần lớn nước thải chưa xử lý khu vực nội thành được thải thẳng ra các kênh rạch, đổ ra sông Sài Gòn và trôi dần về phía hạ lưu là sông Đồng Nai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới