Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khắc phục ‘khiếm khuyết’ mô hình cánh đồng lớn để phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiến lược dài hạn của ngành nông nghiệp về phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao được dựa trên nền tảng của mô hình cánh đồng lớn. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu này cần phải khắc phục những “khiếm khuyết” của mô hình cánh đồng lớn.

Xung quanh vấn đề nêu trên, Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Trung Chánh

Mục tiêu 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao nhằm phù hợp với xu thế mới

KTSG Online: Mới đây, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xây dựng đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, ông có thể chia sẻ một vài nét về vấn đề này?

Ông Lê Thanh Tùng: 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao dành cho xuất khẩu là “tâm huyết” của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học trước đây, nhưng vẫn chưa triển khai được do còn nhiều vấn đề cần tập trung theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, đến giờ phút này, việc xây dựng 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao là hết sức cần thiết vì nhiều lý do.

ĐBSCL có 95% lượng gạo xuất khẩu, nhưng về cơ cấu giống, chất lượng gạo, sản xuất an toàn thực phẩm… thì vẫn chưa ổn định. Để phù hợp với những biến chuyển về gạo hàng hoá, xu hướng tiêu dùng mới cũng như cạnh tranh về mặt giá cả so với các đối thủ, thì cần một chiến lược rõ hơn, đó là 1 triệu héc ta và được trồng 2 vụ/năm, tức tương đương 2 triệu héc ta.

2 triệu héc ta sản xuất lúa chất lượng cao, thì với năng suất khoảng 6,5 tấn/héc ta, sẽ có 13 triệu tấn lúa (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng lúa gạo ĐBSCL), tức có khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo hàng hoá chất lượng cao nằm trong sự kiểm soát cả về sản lượng lẫn vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của các quốc gia nhằm phục vụ cho doanh nghiệp và đáp ứng được lộ trình xuất khẩu hàng tháng một cách ổn định.

Đối với phần diện tích còn lại, dĩ nhiên cũng phải sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn để có thể phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chúng ta phân định rõ từng vùng, thì đầu tư nguyên liệu của doanh nghiệp hay tập trung chỉ đạo của địa phương, các chương trình, chính sách, thậm chí giới thiệu vùng nguyên liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp thương mại nước ngoài, sẽ được “định hình” ở các địa phương.

Sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phải đáp ứng yêu cầu kép: ngon và an toàn. Ảnh: Trung Chánh

Lúa gạo phải ngon và an toàn

KTSG Online: Ông có thể nói rõ hơn về nội hàm của đề án sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao sẽ triển khai?

– Vùng nguyên liệu 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao sẽ là bước tiến tiếp theo của mô hình cánh đồng lớn.

Theo đó, về giống là giống chất lượng cao, trong khi kỹ thuật sẽ áp dụng công thức “1 phải 5 giảm” hoặc “3 giảm 3 tăng”, các kỹ thuật canh tác làm giảm phát thải khí nhà kính, kỹ thuật canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam), GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế), hữu cơ hoặc theo quy định của quốc gia nhập khẩu.

Chúng ta phân vùng sản xuất theo các tiêu chuẩn nêu trên và ở mỗi tiêu chuẩn đều phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm giá thành sản xuất. 2 yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có lợi thế trên thị trường quốc tế khi tham gia đấu thầu cũng như giới thiệu sản phẩm (biết được vùng sản xuất ở đâu, đạt tiêu chuẩn gì, sản lượng bao nhiêu…).

Từ đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư đi theo định hướng đã đề ra. Đây được xem là chuỗi hoàn thiện và sản phẩm gạo là của Việt Nam, chứ không còn là sản phẩm gạo của nông dân này hay doanh nghiệp kia.

Thương lái là “mắc xích” quan trọng trong phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh

Thương lái là “mắc xích” của chuỗi liên kết

KTSG Online: Trong đề án này, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân hay đại diện của nông dân là hợp tác xã như thế nào, thưa ông?

– Trước đây, chúng ta xác định có doanh nghiệp đầu vào, đầu ra và ở giữa là hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết. Tuy nhiên, đối với ĐBSCL, chuỗi sản xuất lúa gạo ở mỗi địa phương lại có những “nút thắt” khác nhau. Chẳng hạn, những địa phương có lợi thế về phát triển hợp tác xã, thì “nút thắt” có thể nằm ở chỗ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, khó giảm chi phí sản xuất, nhưng có địa phương làm tốt sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và giảm chi phí sản xuất, thì “nút thắt” là thiếu hợp tác xã.

Khi hình thành 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, chúng ta sẽ tìm kiếm những “nút thắt” khác nhau để cùng tháo gỡ. Chẳng hạn, lực lượng thương lái đi thu mua lúa ở ĐBSCL hiện đang bị xem là thành phần “mua ép giá, phá rối thị trường”, tuy nhiên, đây là hệ thống giúp việc luân chuyển 24 triệu tấn lúa của ĐBSCL được thuận lợi nhất. Do vậy, cần phải đặt lại vấn đề thương lái thu mua lúa ở cánh đồng liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp xay xát lúa gạo nằm ở đâu để cùng phối hợp để tạo nên sức mạnh.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo gắn với hợp tác xã sản xuất nguyên liệu, thì chúng ta nghĩ đây là một chuỗi liên kết. Thế nhưng, ở giữa hai chủ thể này còn nhiều công đoạn khác nhau, bao gồm thương lái mua lúa, nhà máy xay xát, nhà máy lau bóng gạo. Do vậy, nếu xác định vùng nguyên liệu là sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu, thì 3-4 công đoạn ở giữa cũng phải liên thông và có sự đồng thuận với nhau.

Khi họ làm ăn uy tín với nhau, thì trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu cần gạo OM 5451 sẽ đặt hàng ở nhà máy lau bóng, nhà lau bóng sẽ đặt hàng nhà xay xát và nhà máy xay xát sẽ đặt chỗ thương lái thu mua. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có gạo OM 5451 đúng chất lượng khi các bên làm ăn uy tín cùng nhau.

Khắc phục khiếm khuyết của mô hình cánh đồng lớn để phát triển thành công 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh

Khắc phục “khiếm khuyết” mô hình cánh đồng lớn

KTSG Online: Phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao so với mô hình cánh đồng lớn cũng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động khoảng 10 năm trước có gì giống và khác nhau, thưa ông?

– Khi nói 1 triệu héc ta là chúng ta đang nói định tính, nhưng định lượng chính là trong cánh đồng lớn. Bởi, ở đây có những ràng buộc về quy trình kỹ thuật, về sự liên kết thông qua hợp đồng, dù còn lỏng lẻo.

Khi xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác để đạt tiêu chuẩn, thì trước đây chúng ta chưa định hình được là phải có bao nhiêu vùng nguyên liệu để phục vụ cho xuất khẩu, tức chúng ta mở ra cho tất cả các địa phương triển khai từ 50 héc ta, 300 héc ta, 500 héc ta, thậm chí 10 héc ta.

Tuy nhiên, bây giờ dù định tính này dựa trên nền tảng định lượng của cánh đồng lớn, nhưng nó cụ thể hơn nữa. Ví dụ, chúng ta không bó hẹp lại cánh đồng đó là bao nhiêu, miễn đạt đủ cho doanh nghiệp xuất khẩu ổn định lâu dài, thì nó sẽ có trong khu vực 1 triệu héc ta.

KTSG Online: Mô hình cánh đồng lớn qua hơn 10 năm phát triển, nhưng được đánh giá chưa thành công. Vậy, do những yếu tố nào dẫn đến kết quả đó?

-Khi triển khai cánh đồng lớn, chúng ta kỳ vọng mở ra định hướng về mô hình cánh đồng tập trung, sản xuất cùng một giống, có quy trình canh tác tốt để phục vụ cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước. Do đó, cánh đồng lớn là sự khởi đầu khi tập quán canh tác chưa đồng nhất, mở ra một hướng đi mới cho các địa phương, không bắt buộc tất cả những chỉ tiêu đều phải đạt, mà khởi đầu là một hoặc vài chỉ tiêu, thì xem đó là sự liên kết để khuyến khích cho các địa phương mở rộng.

Cánh đồng lớn không phải là một phong trào, nhưng khi triển khai, một số địa phương xem đó là phong trào, cần phải đạt chỉ tiêu này, chỉ tiêu kia, cho nên, cuối cùng không đạt được như mong muốn.

Mặt khác, trong sự liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, thì hợp đồng thương mại giữa các bên chưa có ràng buộc bởi các yêu tố kỹ thuật cũng như về pháp lý, thậm chí bây giờ vẫn rất lỏng lẻo về mặt pháp luật, dù nó là hợp đồng kinh tế. Vì thế, chúng ta khuyến khích làm hợp đồng một phần, tức chỉ cần cung ứng vật tư đầu vào cũng là liên kết của cánh đồng lớn hoặc chỉ cần tổ chức thu mua cũng xem đó là liên kết của cánh đồng lớn.

Trong mối liên kết của cánh đồng lớn, thì có liên kết dọc giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp dài xuống đến người nông dân và liên kết ngang giữa các doanh nghiệp đầu vào, các doanh nghiệp dịch vụ về cơ giới hoá, tới các doanh nghiệp đầu ra.

Thế nhưng, những chủ thể này liên kết lại để cùng “bắt tay” với hợp tác xã, thì chúng ta không làm được trong mô hình cánh đồng lớn trước đây hoặc có rất ít làm được. Chính vì vậy, chúng ta không có được chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ doanh nghiệp đầu vào đến doanh nghiệp đầu ra.

Trong 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao sắp tới đây, chúng ta sẽ từng bước khắc phục những khiếm khuyết chưa triển khai được của mô hình cánh đồng lớn. Nhưng, cũng phải dựa trên nền tảng về phần cứng, kỹ thuật canh tác bắt buộc, những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như về khung pháp lý chung trong chuỗi bắt buộc giữa các bên.

KTSG Online: Cụ thể cần khắc phục những khiếm khuyết nào, thưa ông?

Điểm thứ nhất, không bao giờ xem phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao là phong trào, mà đây là chiến lược kinh tế của địa phương. Khi xác định như vậy, địa phương sẽ “định vị” vùng nguyên liệu cụ thể hơn và cũng không nóng vội chạy theo hình thức “hôm nay tôi đạt được 100.000 héc ta, ngày mai đạt 200.000 héc ta…”. Đó là tư duy cần phải thay đổi từ các nhà quản lý sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Điểm thứ hai là phải thay đổi tư duy hợp tác. Thay vì yêu cầu doanh nghiệp đầu vào phải cung ứng cái này, cho thiếu nợ bao nhiêu, doanh nghiệp đầu ra phải đặt giá mua lúa bao nhiêu như trước đây, thì bây giờ, nông dân là một thành tố bình đẳng trong chuỗi, cho nên, thoả thuận trong mối liên kết hợp tác này là phải bình đẳng với nhau.

Chẳng hạn, nông dân sản xuất lúa với giá thành là 4.000 đồng/kg và mong muốn bán 6.000 đồng/kg, nếu doanh nghiệp đồng ý mua thì hợp tác. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ yêu cầu tiêu chí gì, thì nông dân phải đáp ứng được tiêu chí đó theo thoả thuận.

Như vậy, vấn đề cần giải quyết, đó là tháo gỡ “nút thắt” về nhận thức cá biệt trong 1 ngành hàng, không xem đây là 1 phong trào mà đây là chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Đây là 2 yếu tố quan trọng, bên cạnh những yếu tố về kỹ thuật, nghiệp vụ chứng nhận…

Lắng nghe ý kiến để hoàn thiện chính sách

KTSG Online: Xét về mặt chính, thì cần phải hỗ trợ những gì đối với doanh nghiệp, nông dân, thưa ông?

– Tất nhiên, khi chúng ta thay đổi 1 mô hình sản xuất mới với kỳ vọng mang lại nhiều yếu tố mới, thì tôi nghĩ rằng sẽ cần những chính sách để hỗ trợ.

Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính sách hỗ trợ người trồng lúa, nhưng có thể trong thời điểm này chưa đủ lực để tạo cú huých.

Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp và trực tiếp những người sản xuất lúa gạo Việt Nam đặt ra đối với Chính phủ, với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các bộ, ngành liên quan để thoả mãn được con đường phát triển. Từ đó, chúng tôi sẽ có những đề xuất phù hợp và chắc chắn phải có một cơ chế, một chính sách mới rõ rệt hơn, đủ sức bật cho ngành hàng lúa gạo.

KTSG Online: Xin cảm ơn ông!

2 BÌNH LUẬN

  1. Cánh đồng lớn, quy mô lớn, cách làm đúng đắn, chúng ta cần tập trung được đất đai theo dạng mô hình hợp tác xã. mỗi cánh đồng lớn là một hợp tác xã thì sẽ làm được thôi

    • Trả lời tới hùng: Cái khó ở đây là hợp tác xã, thay đổi tư duy thành kiểu mới rất khó do theo kinh tế thị trường. HTX không đủ vốn làm dịch vụ cung ứng, liên kết với công ty thì chưa thông? Còn nghi kị lẫn nhau, về nhân sự nữa. Nên có chính sách thoáng mỗi HTX là 1 tổ chức tín dụng để được vay và cho vay, quay đồng tiền có lãi làm chi phí hoạt động lúc đó mới thu hút người tài phát triển mạnh hợp tác xã.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới