Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khắc phục ô nhiễm sông Thị Vải: Cần nói ít làm nhiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khắc phục ô nhiễm sông Thị Vải: Cần nói ít làm nhiều

Phó chủ tịch UBND Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Ngọc Thới: “Cần có sự tham gia giám sát của người dân, có khen thưởng dân trong việc bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai vì không ai giám sát tốt bằng người dân”. Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Bộ Tài nguyên-Môi trường vừa đề xuất giải pháp để trong năm 2009 sẽ khống chế toàn bộ lưu lượng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đổ vào sông Thị Vải.

Tại hội thảo xây dựng dự án khắc phục ô nhiễm môi trường sông Thị Vải được Bộ Tài nguyên-Môi trường tổ chức chiều 12-12 tại TPHCM, bộ này đề xuất ngay trong năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ kiên quyết không cho phép đầu tư thêm 5 ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng gồm chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm và thuộc da.

Ngoài ra, hai địa phương trên cũng sẽ hạn chế cấp phép đầu tư 5 ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao như xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón và sản xuất giấy.

Chỉ cần các địa phương quyết tâm

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà, hai giải pháp cơ bản cần làm ngay để cải thiện ô nhiễm nước sông Thị Vải là khống chế, kiểm soát lưu lượng nước thải ven lưu vực sông Thị Vải bằng phương pháp giám sát va quan trắc tự động và thực hiện các bước cải thiện ô nhiễm nguồn nước sông hiện hữu.

“Về kinh phí thực hiện ban đầu thì khỏi phải lo vì chí ít cũng đã có sẵn 127 tỉ đồng tiền truy thu phí bảo vệ môi trường của Vedan, việc còn lại là tìm giải pháp căn cơ và hữu hiệu nhất để cải tạo sông Thị Vải ngay”, ông Hà nói.

Theo đề xuất, đối với các doanh nghiệp, các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải từ 50 mét khối trở lên phải lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng ngay trong năm 2009.

Ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hứa tại hội thảo rằng, kể từ năm 2009 đến năm 2011, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ kiểm soát triệt để toàn bộ lượng nước thải xả ra sông Thị Vải phải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Ông Thới thẳng thắn nêu ra một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải gồm sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng, khâu thẩm định dự án, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp và phát hiện xử lý vi phạm lâu nay quá đơn giản, để doanh nghiệp lợi dụng xả thải chưa qua xử lý.

“Các địa phương trước đây đã kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, thậm chí chính quyền địa phương và bộ, ngành còn thể hiện sự thiếu tôn trọng các đánh giá khoa học, các cảnh báo của các nhà khoa học về mức độ ô nhiễm từ rất lâu nên bây giờ phải trả giá quá đắt”, ông Thới nói.

Được biết, Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ một khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỉnh đang kêu gọi được hỗ trợ kinh phí giúp các công ty hạ tầng đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung cho 7 khu công nghiệp còn lại với tổng kinh phí khoảng 520 tỉ đồng.

Đối với TPHCM, mặc dù là địa phương không trực tiếp gây ô nhiễm cho sông Thị Vải mà chỉ gánh chịu hậu quả sự ô nhiễm, nhưng ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng cam kết rằng, TPHCM sẽ làm hết sức mình phối hợp với các địa phương khác giải quyết ô nhiễm sông Thị Vải.

Theo ông Tín, cả ba địa phương là TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu từ bây giờ trở đi đừng hô hào chung chung nữa mà hãy đề ra những mục tiêu cụ thể trước mắt để thực hiện dần, nói ít làm nhiều, nói tới đâu làm tới đó, sẽ hiệu quả hơn.

Ông Ao Văn Thinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai đặt chỉ tiêu nội trong năm 2009, sẽ buộc tất cả các khu công nghiệp hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo ông Thinh, cần bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt loại A trước khi thải ra sông Thị Vải; bởi hiện nay quy định nước thải ra sông Thị Vải là loại B mà con sông Thị Vải lại là con sông cụt, chịu chê độ bán nhật triều nên khả năng thau rửa làm sạch là bằng không.

Theo giáo sư Phùng Chí Sĩ, Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và môi trường, về giải pháp cải thiện ô nhiễm nước sông Thị Vải, nên bắt đầu ngay việc khôi phục rừng ngập mặn lưu vực sông Thị Vải. Tăng cường trồng mới thảm xanh thực vật ven bờ sông bằng các loại cây như bần, đước, lau sậy… đề tăng khả năng tự làm sạch của sông Thị Vải bên cạnh các giải pháp cơ học khác.

Mức độ ô nhiễm sông Thị Vải (khoảng 15 ki lô mét) vẫn còn rất nặng, lượng ô xi hòa tan giảm xuống dưới 0,1 mg/lít, bên cạnh chất hữu cơ và amoni, nồng độ các kim loại độc hại như As, Hg, Pb trong nước tăng cao tạo ra các màu sắc dị thường rõ nét trên nhiều đoạn sông.

Năm 2020 sẽ trả lại cho sông Đồng Nai những gì đã lấy

Tại hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai do Bộ Tài nguyên-Môi trường tổ chức sáng 12–12 tại TPHCM, lãnh đạo các tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai cùng bắt tay hành động bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ngay trong năm 2009, Ủy ban bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai sẽ liệt kê, lập danh mục tất cả các cơ sở sản xuất thải nước thải trực tiếp ra sông Đồng Nai. Ngoài ra, cũng sẽ phân tích, lập danh mục các con sông bị ô nhiễm nặng nhất để từ đó, đề ra những giải pháp cho từng dự án khắc phục ô nhiễm cụ thể. Chương trình dự kiến đến năm 2020 sẽ trả lại cho sông Đồng Nai những gì tự nhiên vốn có của nó.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, mỗi năm toàn bộ vùng Tây nguyên thượng lưu sông Đồng Nai sử dụng khoảng nửa triệu tấn phân và hóa chất để bón cà phê. Qua nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Tây nguyên cho thấy, có khoảng gần 100 ngàn tấn phân và hóa chất không được cây cà phê hấp thụ hết. Lượng phân này ngấm vào đất, trôi vào các con sông rồi đổ ra sông Đồng Nai và cuối cùng, khu vực hạ lưu sông Đồng Nai như TPHCM ‘hưởng hết’.

Theo kế hoạch của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đề ra, trong năm 2009, mục tiêu 100% các cơ sở sản xuất xây dựng mới lưu vực sông phải áp dụng xông nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến hết năm 2010, 80% các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu đô thị mới phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới