Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khách hàng nước ngoài sẽ không thể chờ Việt Nam đếm xong F0

Tấn Đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đài truyền hình CNBC của Mỹ hôm 16-9 đã phát sóng một chuyên đề bàn về việc gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Á, trong đó trọng tâm là Việt Nam và Malaysia, khi lệnh phong tỏa để chống dịch khiến hàng loạt các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm quần áo, giày dép cho các thương hiệu lớn ở Mỹ buộc phải đóng cửa nhà máy, ngừng hoặc giảm sản lượng sản xuất. Đây cũng là đề tài thời sự được bàn thảo trên các phương tiện truyền thông Mỹ trong thời gian qua.

Việt Nam là nước cung cấp hàng may mặc và giày dép lớn thứ 2 thế giới cho thị trường Mỹ sau Trung Quốc. Điều đáng nói là phần lớn năng lực của ngành dệt may, da giày lại tập trung ở ba địa phương đang là tâm dịch, gồm TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Việc đứt gãy nguồn cung ứng từ Việt Nam trong gần ba tháng qua đang gây rất nhiều khó khăn cho các nhà bán lẻ Mỹ, nhất là khi mùa cao điểm mua sắm cuối năm, gồm Black Friday và lễ Giáng sinh đang đến gần.

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi nhiều thông tin từ chương trình truyền hình này, cũng như từ những bài viết có liên quan khác, cho thấy các khách hàng lớn nước ngoài đã và đang tính đến chuyển bớt đơn đặt hàng ra khỏi Việt Nam và điểm đến được quan tâm là Trung Quốc, Mexico và Brazil.

Chắc chắn các doanh nghiệp trong nước đã cảm nhận ngày một rõ mối nguy này, vì một khi khách hàng đã ra đi thì sẽ không dễ để thuyết phục họ quay trở lại, ít nhất là trong thời gian ngắn. Khi ấy, không chỉ có doanh nghiệp mà hàng triệu nhân công trong ngành dệt may, da giày sẽ sống ra sao? Vì vậy, những lời kêu gọi từ doanh nghiệp, từ các hiệp hội ngành nghề để doanh nghiệp được sống chung với dịch và quay lại sản xuất đang ngày một khẩn thiết hơn.

Ý tưởng mở cửa sống chung với dịch đã được lãnh đạo Chính phủ, các địa phương nói đến nhiều trong mấy tuần qua, mang lại một tia hy vọng cho các doanh nghiệp cũng như khách hàng của họ. Tuy nhiên, đến nay tất cả những gì doanh nghiệp được nhìn thấy cũng chỉ là một vài kế hoạch riêng lẻ của một số số địa phương.

Dường như sự do dự, sợ hãi vẫn còn đang chi phối tâm trí của lãnh đạo Bộ Y tế và các địa phương. Những phát biểu của các vị lãnh đạo, đại khái như phải “bảo đảm an toàn”, có người thậm chí còn phát biểu phải “tuyệt đối an toàn” khi nối lại các hoạt động kinh tế, trong khi lại không có một tiêu chí rõ ràng để hiểu “an toàn” hay “tuyệt đối an toàn” là như thế nào, khiến cho hy vọng vào quyết định mở cửa sống chung với dịch sớm càng trở nên bất định.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, khi quyết định phải sống chung với dịch thì việc đếm số ca F0 không còn quá quan trọng nữa, nhất là khi tỷ lệ người trưởng thành được tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đã xấp xỉ 100%, thay vào đó là phải tập trung cho mục tiêu giảm số lượng ca F0 phải nhập viện cũng như tỷ lệ tử vong. Nhưng hàng ngày chúng ta vẫn đang kiên trì đếm số lượng F0, rồi vẫn “chống dịch như chống giặc”.

Thậm chí, trong bốn tiêu chí mà Bộ Y tế coi là điều kiện tiên quyết để mở cửa mà bộ này vừa gửi các địa phương để lấy ý kiến, đã có hai tiêu chí liên quan đến việc đếm số lượng F0 và nếu căn cứ vào “điều kiện tiên quyết” này thì khả năng TPHCM mở cửa kinh tế trở lại vào ngày 1-10 gần như là không thể.

Để giảm số ca F0 trở nặng phải nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong, bên cạnh việc tăng cường năng lực cho hệ thống y tế (trong đó cho phép hệ thống y tế tư nhân mở dịch vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 là rất quan trọng), kịp thời sản xuất và nhập khẩu thuốc men và máy móc thiết bị, thì việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để phủ được 80-90% dân số là yếu tố mang tính quyết định.

Muốn nhanh chóng đạt tỷ lệ tiêm chủng cho 80-90% dân số thì phải huy động nhanh được nguồn cung cấp vaccine. Nguồn cung vaccine trên thế giới đang rất khan hiếm là điều hầu như ai cũng biết. Vì vậy, Việt Nam chỉ có thể giải được bài toán cung ứng này nếu có nguồn vaccine sản xuất trong nước. Nanocovax đang là niềm hy vọng số 1 của Việt Nam. Mọi hy vọng về việc sớm có vaccine nội địa giờ đều hướng vào Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc và nguyên liệu làm thuốc, sau khi Hội đồng Đạo đức đã thông qua kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 của vaccine Nanocovax.

7 BÌNH LUẬN

  1. Nhận xét vô cùng xác đáng: không khách hàng nào có thể ngồi chờ VN đếm F0. Nền kinh tế mở như VN với hàng tá hiệp định thương mại tự do, mới ngày nào hô hào đón đại bàng thì bây giờ không biết có còn chỗ cho chim sẻ đậu hay không.

  2. Không thể một ngàn người hi sinh cho một người được mà phải ngược lại và tất nhiên là mạng người là trên hết.Vacxin cũng đã hiệu quả hạn chế tối đa số người chết và tất nhiên số người nhiễm có thể tăng khi mở cửa và lúc này ta chỉ hi sinh sức khỏe của một số người nhiễm đỗi lại đất nước phát triển kinh tế cho kịp tiến độ thời đại mới với thế giới.

    • Nhiều người nói con virus này nguy hiểm lắm, lây lan nhanh lắm nên cần phải dập tắt triệt để (không cho nó đẻ trứng !!). Nói cho vuông, ung thư người ta còn khoanh vùng, sao cho nó nhỏ nhất và ít ảnh hưởng đến các tế bào lành bên cạnh. Còn đằng này chỉ vì một vài F0 mà làm ảnh hưởng đến công việc, sinh kế của ngàn người, nếu không muốn nói là cả triệu người trên toàn quốc. Sinh kế là mạng sống của người dân đó ! Các số liệu thống kê cũng cho thấy mức độ “nguy hiểm” của bệnh này như thế nào, chẳng hạn : tỷ lệ F0 tại TPHCM tự khỏi bệnh trong thời gian ngắn (báo ĐĐK 16/8), tổng số người chết của căn bệnh này từ lúc diễn ra đại dịch tại VN (cho là hơn năm rưỡi) chỉ gần 19k (số liệu vnexpress ngày 28/9), chưa bằng 40k người chết mỗi năm vì thuốc lá (theo thống kê của Bộ y tế). Mạng người nào cũng quan trọng, nhưng nói về độ nguy hiểm thì còn nhiều đối thủ cạnh tranh với covid như : HIV, ung thư, thuốc lá, thậm chí cả tai nạn giao thông, chẳng lẽ bắt toàn xã hội phải ngừng lại chỉ vì một tỷ lệ nhỏ ư ? Lịch sử loài người từ xưa tới giờ cũng trải qua nhiều trận đại dịch mà có thấy phong tỏa toàn xã hội đâu, huống chi bây giờ con người trở nên kết nối nhiều hơn, các chuỗi cung ứng có liên quan chặt chẽ với nhau. Chặn đứng 1 mắc xích sẽ có nguy cơ làm gãy cả chuỗi lưu thông, sản xuất hàng hóa cả trong và ngoài nước. Lúc đó thì còn gì để chăm sóc y tế ?

  3. Chết đói kinh tế suy thoái thì chết cả một quốc gia , chết dịch thì cũng như chết vì bệnh tật , chết vì thiên tai , chết vì tai nạn, chết vì hoả hoan, hãy chọn và làm nhanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới