Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khách sạn đăng ký làm nơi cách ly: Lợi và hại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khách sạn đăng ký làm nơi cách ly: Lợi và hại

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Đại diện các doanh nghiệp và những người trong cuộc đã có những ý kiến khác nhau xung quanh những điều lợi và hại khi hàng loạt khách sạn và khu nghỉ dưỡng (resort) đăng ký làm nơi cách ly cho du khách trong diện nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Khách sạn đăng ký làm nơi cách ly: Lợi và hại
Ông Nguyễn Thế Hùng (phải), Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly cho 50 du khách quốc tế lưu trú tại Hội An Beach Resort chiều tối 23-3. Ảnh: Quốc Tuấn

Đến ngày 24-3, có ít nhất 9 khách sạn, resort tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chính thức đăng ký làm nơi cách ly người nhập cảnh từ quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 đến Việt Nam, chưa kể một số cơ sở khác “dự bị” trong trường hợp các cơ sở lưu trú trên quá tải.

Tại Đà Nẵng, có các khách sạn gồm Sam Grand (7 Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà), Golden Rose (56 Loseby, quận Sơn Trà), Công đoàn Thanh Bình (2 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu).

Trong khi đó, 6 khách sạn, resort ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tự nguyện đăng ký trở thành cơ sở lưu trú an toàn phục vụ du khách cách ly bao gồm Hội An Beach Resort (1 Cửa Đại) và các khách sạn Hoa Cọ (252 Cửa Đại), Little Boutique (19 Lạc Long Quân), Êmm Hội An (187 Lý Thường Kiệt), La Residencia, 35 Đào Duy Từ và Beachside Boutique (25 Nguyễn Phan Vinh).

Việc các cơ sở lưu trú đăng ký làm nơi cách ly cho du khách sẽ giúp khách sạn có một nguồn thu nhất định thay vì phải đóng cửa vì không có khách. Tuy nhiên, mặt trái của việc này là sau này khách du lịch sẽ e ngại đến vì từng là nơi có người nghi nhiễm ở.

Để rộng đường dư luận, TBKTSG Online đã có trao đổi với một số đại diện doanh nghiệp về mặt lợi và hại của chuyện này.

“Với dịch bệnh lần này sẽ ảnh hưởng rất lâu dài đến ngành du lịch vì vậy các khách sạn để đón khách trở lại thì còn tùy thuộc rất nhiều vào thời gian hết dịch”, ông Võ Văn Lãm, Giám đốc nhà hàng Sakura (thành phố Hội An) chia sẻ. “Tuy nhiên quãng thời gian chấm dứt dịch bệnh cũng không thể phục hồi nhanh ngành du lịch mà phải mất một thời gian rất lâu mới có lại lượng khách.”

Vì vậy, theo ông Lãm, nếu dùng resort hay khách sạn trong thời gian này để làm chỗ cách ly sẽ không ảnh hưởng gì cho kinh doanh về sau vì thời gian chờ khách trở lại là lúc thị trường đã quên đi nỗi ám ảnh của dịch bệnh.

Ông Phan Xuân Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An và Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chia sẻ việc đăng ký làm cơ sở cách ly có thu phí là việc hoàn toàn phù hợp. Người bị cách ly có khả năng chi tiêu họ có thể chọn được cách ly trong điều kiện mong muốn của họ, trong khi đó. Nhà nước đỡ áp lực tìm cơ sở cách ly, dành “chỗ trống” cho người dân không có điều kiện, ông Thanh phân tích và nói thêm doanh nghiệp thì có thể có thêm chút doanh thu để trang trải.

Với quan điểm của người đứng đầu Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng cũng ủng hộ chính sách cơ sở lưu trú tư nhân đăng ký làm khu cách ly, nhằm tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Những du khách có nhu cầu, chấp nhận trả tiền cũng cảm thấy hoải mái khi được cách ly tại khách sạn.

Tuy nhiên, ông Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietnam TravelMart, đưa ra một số vấn đề cần phải cân nhắc. “Sự nghi ngại của khách du lịch sau khi hết dịch là có”, ông nói. “Chủ doanh nghiệp khách sạn phải cân nhắc thiệt hơn trong vấn đề này [PR hình ảnh, kiếm tiền và chấp nhận rủi ro về điểm đến].”

Vấn đề thứ hai ông Dũng nói tới là nguồn lực. Để thiết lập một chỗ cách ly không phải chuyện riêng của khách sạn. Doanh nghiệp khách sạn phải làm việc với các lực lượng chuyên môn, từ y tế đến lực lượng an ninh, để cùng nguồn nhân lực của mình thành lập đội ngũ chuyên trách. Nói một cách khác, phải có sự thống nhất nhiều bên mới vận hành khu cách ly theo hình thức này thành công.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ để làm được 1 địa điểm cách ly thì cần ít nhất 10 người gồm y tế, quân đội, an ninh tham gia trực 24/24 tại khách sạn. Có một vấn đề mà bà Hạnh quan ngại là nhân viên các khách sạn không đi làm vì e ngại dịch bệnh, dẫn đến thiếu người chuyên môn vận hành khách sạn.

Bên cạnh đó, để vận hành một khách sạn làm địa điểm cách ly không đơn giản như ký túc xá vì khách sạn có nhiều trang thiết bị bên trong, trong khi lực lượng y tế và công an họ không có chuyên môn bằng nhân viên để vận hành và xử lý khi sự cố xảy ra.

Chưa kể, hiện nay, hầu hết các nguồn lực đang dành cho các khu cách ly tập trung của Nhà nước và trung tâm y tế, bệnh viện.

 

Mời đọc thêm:

Đà Nẵng hỗ trợ du khách bị cách ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới