Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khách sạn TPHCM ồ ạt trả mặt bằng, giá thuê giảm một nửa vẫn ế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khách sạn TPHCM ồ ạt trả mặt bằng, giá thuê giảm một nửa vẫn ế

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Ngày càng nhiều chủ khách sạn tại TPHCM trả lại mặt bằng sau hơn 9 tháng phải hoạt động cầm chừng hoặc không thể hoạt động vì Covid-19 và kỳ vọng cho thị trường trong năm mới 2021 là không mấy khả quan. Nhiều mặt bằng có giá thuê thấp hơn trước hơn một nửa vẫn không có người thuê.

Khách sạn TPHCM ồ ạt trả mặt bằng, giá thuê giảm một nửa vẫn ế
Một khách sạn tại TPHCM đang tạm ngưng hoạt động. Ảnh: Đào Loan

Được giảm tiền thuê sát đáy vẫn phải trả mặt bằng

Thông tin mới từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, có đến 56% cơ sở lưu trú trên cả nước phải đóng cửa. Với TPHCM, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng con số đó có thể cao hơn vì nguồn sống chính của các khách sạn tại TPHCM đến từ thị trường quốc tế nhưng thị trường này đã đóng từ tháng 3 rồi.

Theo số liệu từ Sở Du lịch TPHCM, khách quốc tế đến thành phố trong năm nay ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 84,8% so với năm ngoái; khách nội địa đạt khoảng 15 triệu lượt, giảm 54,2%. Thị trường xấu như thế này đã làm chủ các khách sạn, đặc biệt là khách sạn vừa và nhỏ không thể kéo dài thời gian cầm cự.

"Nếu như lúc trước chủ nhà không chịu giảm tiền thuê, ngay cả trong giai đoạn không có khách quốc tế và cả nước phải giãn cách thì nay họ chủ động giảm hơn 50%, có căn 70% nhưng chúng tôi cũng không thể thuê tiếp", chủ 3 khách sạn nhỏ ở quận 1 và quận 4 nói.

Theo đó, đến cuối tháng này ông sẽ trả mặt bằng thứ hai. Mặt bằng trước đã trả cách đây 3 tháng còn một khách sạn đang hoạt động cầm chừng vì tiếc vốn đầu tư. "Giá thuê phòng giảm 50% mà khách rất ít, đã vậy mỗi khi có thông tin dịch bùng lên là khách lại hủy hết phòng nên việc điều hành rất căng thẳng mà lại lỗ", ông nói.

Nhiều doanh nhân cho biết, do chủ khách sạn trả mặt bằng nhiều nên thị trường đang có hàng loạt mặt bằng khách sạn được chào thuê với giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn một nửa so với trước.

Chẳng hạn, có mặt bằng làm khách sạn 45 phòng ở quận 1 trước đây cho thuê 500 triệu đồng/tháng nay chỉ chào 250 triệu, thậm chí 200 triệu đồng vẫn chấp nhận cho thuê. Một mặt bằng khác, cũng có 45 phòng ở đường Chu Mạnh Trinh, quận 1 còn chào giá thấp hơn, 180 triệu đồng/tháng là có thể thương lượng để thuê.

Nhiều mặt bằng được chủ chào mức giảm thấp hơn nhưng lại có thêm ưu đãi là tính tiền thuê không đáng kể trong 3 tháng đầu nhưng đa số vẫn chưa tìm được khách.

Tính đến năm 2019, TPHCM có hơn 44.000 phòng khách sạn đã được Sở Du lịch xếp loại, ngoài ra còn một số lượng phòng khác cũng khá lớn, chủ yếu là từ khách sạn cỡ 1-3 sao không đăng ký xếp hạng nên không nằm trong danh sách này. Đồ họa: Đào Loan

Liệu có ai dám gom hàng?

Nhiều doanh nhân nhận định, có thể tình trạng trả mặt bằng khách sạn sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới vì kỳ vọng mở cửa thị trường quốc tế còn rất xa. Mùa làm ăn cuối năm nay và đầu năm tới coi như đã mất nên phải chờ đến mùa mới là vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tức là việc kinh doanh đứa đoạn gần 2 năm nên ít nơi có thể kham nổi.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thị trường phục hồi khá chậm. Tính chung 11 tháng, tình hình kinh doanh của khách sạn tại Việt Nam kém hơn khu vực. Trong đó, doanh thu phòng giảm hơn 2/3 so với năm trước trong khi khu vực chỉ giảm 1/2; công suất và giá phòng trung bình giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các khách sạn ở những đô thị như TPHCM và Hà Nội còn khó khăn hơn. Về phục hồi, có thể kỳ vọng từ quí 3, quí 4 năm 2021 khi các hạn chế đi lại được nới lỏng. Khi đó, khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo và khách du lịch cá nhân từ khu vực lân cận sẽ đi lại, thúc đẩy quá trình hồi phục của mảng khách sạn.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Khách sạn Chez Mimosa cũng cho rằng thị trường khách sạn không mấy khả quan trong năm tới. Tuy nhiên, với giá thuê mặt bằng đang giảm thấp kỷ lục như thế này thì những người có nguồn tiền và chấp nhận đầu tư để chờ đợi sẽ có cơ hội kiếm lời tốt trong tương lai.

Chẳng hạn, khách sạn 45 phòng, có vị trí tốt tại quận 1 mà giá thuê chỉ 180-200 triệu đồng/tháng, hợp đồng 5 năm là rất đáng thuê. Giả sử năm sau TPHCM vẫn chưa có khách quốc tế, chủ khách sạn sẽ chịu lỗ vừa phải nhưng vẫn tạm cầm cự với giá thuê 200-300.000 đồng/phòng để chờ sang năm 2022.

Nếu đầu tư thêm cỡ 2 tỉ đồng để nâng cấp thì đến 2022, một phòng ở đây có thể cho thuê với giá 800.000 đồng/đêm và chỉ cần công suất 70% là gần 1 năm sau đã có thể lấy lại vốn đầu tư. Từ năm 2023 là có thể có mức lãi mỗi năm gần 3 tỉ đồng, chưa kể còn có thể kinh doanh thêm các dịch vụ khác như tour, cho thuê xe…

"TPHCM vẫn là trung tâm kinh tế lớn nên chắc ngắn nguồn khách nước ngoài sẽ đến khi hết dịch và mảng khách sạn sẽ sớm trở lại như trước đây. Với các nhà đầu tư an toàn thì viễn cảnh u ám cho năm 2021 là rào cản để xuống tiền nhưng sẽ có nhiều nhà đầu tư nghĩ khác", bà nói.

Theo đó, hiện tại TPHCM chưa có nhiều nhà đầu tư "cá mập" đi thu gom các mặt bằng giảm giá để đầu tư, chuẩn bị cho tương lai nhưng nhiều điểm du lịch khác đã có. "Tôi đã gặp nhóm đầu tư đi gom các mặt bằng ở Đà Lạt và Vũng Tàu. Chỉ vài tháng gần đây, họ đã gom 15 villa ở Đà Lạt và hàng chục mặt bằng khách sạn ở Vũng Tàu. Những người này chấp nhận đầu tư để đón cơ hội", bà nói.

Mời đọc thêm:

Hơn một nửa số cơ sở lưu trú ở Việt Nam đóng cửa vì Covid-19

'Đỏng đảnh' thị trường du lịch Tết thời đại dịch

Quảng Ninh chi 500 tỉ đồng cho kích cầu du lịch năm 2021

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới