Thứ tư, 11/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khai thác dữ liệu công dân cần sự phối hợp hữu hiệu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khai thác dữ liệu công dân cần sự phối hợp hữu hiệu

An Yên

(SGTT) - Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hôm 2-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gây sự chú ý với công luận khi nêu ra hai lời đề xuất với Chính phủ, tất cả đều liên quan đến việc khai thác dữ liệu (data) trong nền kinh tế.

Thứ nhất, Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành. Thứ hai, đề xuất Chính phủ cho Hà Nội được thí điểm thu phí dịch vụ đối với việc cung cấp chia sẻ những dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.

Ông Chung dự kiến, nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm Hà Nội sẽ thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.

Thông tin về những đề xuất nêu trên đã xuất hiện trong các cuộc tranh luận về chủ đề khai thác dữ liệu công dân trên các mạng xã hội và các diễn đàn công nghệ. Trong đó, dòng ý kiến chủ đạo là đã đến lúc Việt Nam nên quan tâm nghiêm túc đến việc khai thác, bảo vệ dữ liệu công dân, và xem đây là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng khi nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trên thực tế, tài nguyên dữ liệu không còn là một chủ đề mới mẻ ở Việt Nam. Các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu đã nhận diện được tiềm năng của việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) để xử lý, chắt lọc ra được các thông tin có giá trị thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, công tác quản lý, điều hành.

Trước đó, năm 2010, tại Điều 8 Nghị định 90 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có nêu các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư nhằm phục vụ những mục đích chính đáng của mình nhưng phải nộp lệ phí. Trong khi đó, về việc chia sẻ dữ liệu dân cư, tại Điều 10 Luật căn cước công dân (2014) quy định “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật…”.

Nghị định 137/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân, tại Điều 11 nêu rõ, việc sử dụng thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân.

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ được sử dụng thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc giải quyết thủ tục hành chính.

Quay trở lại câu chuyện của thành phố Hà Nội, đề xuất về việc chia sẻ dữ liệu dân cư để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách mang tính thực tế trong xu hướng khai thác tài nguyên dữ liệu để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan quản lý Nhà nước cần có một cơ chế phối hợp hữu hiệu trong việc xây dựng chính sách, điều hành và thực thi sao cho hợp lý, hợp tình, nghĩa là phải tuân thủ pháp luật và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới