Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khai thác khoáng sản cần tính toán để giảm thiểu tác động đến đời sống người dân

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiều 15-11, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Trong đó, có ý kiến rằng, việc quy định thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản cần tính toán đến giảm thiểu các tác động không tích cực đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân.

Một hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: Văn Nam

TTXVN đưa tin, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác, một số ý kiến nhất trí với phương án bổ sung. Quy định này thể hiện rõ thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, tính pháp lý đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đầu tư, duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất, giữ nguyên quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ tùy theo tình hình thực tế tại địa phương.

Về giấy phép khai thác khoáng sản, một số ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn thì không quá 15 năm. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, khoáng sản là tài sản công. Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản phải vừa đảm bảo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vừa tính toán đến việc giảm thiểu các tác động không tích cực đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường là lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới. Dự thảo đã có quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài ra, đối với quy định về hạch toán khoản chi hỗ trợ vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp, hiện có 2 phương án. Phương án 1 là quy định theo hướng việc hạch toán khoản hỗ trợ này thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 9 (Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế) của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (đang sửa đổi, bổ sung). Phương án 2 là bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo. Việc này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới