Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khai thác khoáng sản: không thể bỏ qua “bài học cây keo”

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trước khả năng sẽ mất gần 5.000 héc ta rừng nếu khai thác quặng bauxite tại Tân Rai thuộc tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh này cho biết vẫn quyết giữ diện tích rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

Đây là động thái đáng hoan nghênh, tương tự việc hồi cuối năm ngoái UBND tỉnh Đồng Nai không đồng ý xây dựng cầu Mã Đà để bảo vệ rừng đặc dụng, nơi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đề nghị Chính phủ cho tăng công suất các tổ hợp bauxite Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đắk Nông) từ 600.000 lên 800.000 tấn/năm, nâng tổng công suất hai nhà máy này lên 1,6 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, để tăng công suất thì phải tăng diện tích đất khai thác quặng bauxite. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong tổng diện tích đất hơn 21.000 héc ta mà TKV được cấp phép thăm dò khai thác quặng bauxite tại tổ hợp Tân Rai có gần 5.000 héc ta là rừng, trong đó rừng tự nhiên là 2.400 héc ta và rừng phòng hộ 11 héc ta. Quan điểm của UBND tỉnh Lâm Đồng là giữ diện tích rừng hiện có vì nếu khai thác quặng bauxite theo quy hoạch sẽ làm giảm diện tích rất lớn đất có rừng, ảnh hưởng đến tỷ lệ che phủ rừng(1).

Việc khai thác khoáng sản trong các khu vực nhạy cảm như nói trên cần cân nhắc cẩn thận hơn về diện tích đất màu mỡ hay rừng tự nhiên vì đã có những tiền lệ không tốt xảy ra trong những năm trước đó ngay tại khu vực hoạt động của tổ hợp Tân Rai.

Tổ hợp khai thác bauxite Tân Rai trong hai năm 2015 và 2016 đã bóc tổng cộng hơn 800.000 mét khối đất bề mặt để lấy quặng bauxite sản xuất nhôm. Đầu năm 2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc và nhắc nhở việc một diện tích lớn đất mặt màu mỡ ở khu vực này đã được lật lên để khai thác quặng nhưng đơn vị khai thác chưa đảm bảo hoàn nguyên đúng tiến độ(2).

Quan điểm giữ diện tích rừng của UBND tỉnh Lâm Đồng là sự thận trọng cần có vì cái giá phải trả cho việc phá rừng khai thác khoáng sản sẽ lớn hơn nhiều số tiền kiếm được nếu tính về lâu dài. Thực tế tại dự án bauxite Nhân Cơ ở tỉnh Đắk Nông cho thấy, TKV đã khai thác hết trữ lượng bauxite với diện tích khoảng 310 héc ta, phần diện tích này được san gạt và được hoàn nguyên bằng việc trồng cây keo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia lâm nghiệp, cây keo có bộ rễ cạn, chất gỗ cũng rất dễ phân hủy, vì cây sinh trưởng quá nhanh và được phát triển trong thời gian rất ngắn nên về tác dụng giữ đất là không nhiều như các loại rừng tự nhiên, cây gỗ lớn. Giá trị đóng góp cho môi trường của cây keo rất ít, tác dụng phòng hộ hay chống sạt lở cũng không có và diện tích trồng keo không thể gọi là rừng.

Bài học về cây keo còn được thấy qua trận bão số 9 năm 2020 tại Quảng Ngãi khiến 190.000 trong tổng số 250.000 héc ta rừng trồng tại tỉnh này bị bão cày nát mà trong đó đa số là diện tích trồng cây keo. Kết quả khảo sát cho thấy, tại các khu vực trồng cây keo, nước mưa ngấm thẳng vào lòng đất, không giúp ích gì trong việc bảo vệ chống sạt lở(3).

Việc hoàn thổ của TKV dù được cam kết và đã thực hiện nhưng nếu chỉ ở mức độ trồng lại bằng cây keo hay các loại cây công nghiệp tương tự thì không nên xâm phạm vào đất rừng. Một khi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị phá đi để khai thác bauxite thì việc trồng lại cây keo vừa không có giá trị về bảo vệ môi trường, vừa không bù đắp được các tổn thất cho môi trường tự nhiên, sự đa dạng sinh học mà việc phá rừng gây ra.

———-

(1) https://tuoitre.vn/lam-dong-se-mat-gan-5-000-ha-rung-vi-khai-thac-bauxite-tai-tan-rai-20230302140855157.htm

(2) https://tuoitre.vn/yeu-cau-boxit-tan-rai-hoan-nguyen-moi-truong-1251721.htm

(3) https://tuoitre.vn/rung-keo-lam-tang-nguy-co-sat-lo-20201108082556409.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Theo quan điểm cá nhân của tôi, nên hạn chế hoàn toàn các dự án như khai thác bauxite, sản xuất đường, sản xuất giấy vì các dự án này gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề. Có thể có lợi ích từ những dự án này nhưng không đủ bù đắp cho việc phá hủy môi trường sống. Nên cân nhắc lợi và hại trong các dự án này.

  2. Hoan nghênh sự sáng suốt của lãnh đạo tỉnh LĐ. Rất tiếc, đây chỉ là trường hợp cá biệt chứ không phải là phổ biến. Khai thác kiểu tận diệt/ tận thu đang diễn ra ở khắp mọi nơi, từ khoáng sản, hải sản, cho đến các loại tài nguyên khác… Trồng keo đơn giản chỉ là cách làm đối phó, chụp giật, chứ không phải hành động có trách nhiệm với môi trường. Một khi lòng tham vô độ chi phối mọi thứ, cách làm dối làm, ẩu còn phổ biến, thì khó mà nói đến hi vọng sự hồi sinh của hệ sinh thái một cách bền vững. Nếu cứ tiếp tục tình hình này cũng có nghĩa là chấp nhận sự tự hủy diệt trong tương lai. Đã đến lúc phải áp dụng những chế tài vật chất và pháp lý mạnh mẽ đối với những chủ đầu tư nhằm bảo đảm sự bồi hoàn vô điều kiện, tối đa hóa trách nhiệm nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới