Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khai thác nước ngầm quá mức, đe dọa môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khai thác nước ngầm quá mức, đe dọa môi trường

Trung Chánh

Khai thác nước ngầm quá mức, đe dọa môi trường
Việt Nam khai thác gần 5 triệu m3 nước ngầm/ngày. Trong ảnh là ông Nguyễn Chí Công, Phó tổng giám đốc NAWAPI (giữa) và các nhà chuyên môn tại hội thảo hôm nay – Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Nhiều địa phương trên cả nước đang khai thác nước ngầm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất với tổng số lên đến gần 5 triệu mét khối mỗi ngày, và việc khai thác quá mức này là mối đe doạ nghiêm trọng về môi trường, môi sinh.

Tại hội thảo quốc tế “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ven biển- kinh nghiệm quản lý nước dưới đất khu vực Đông Nam Á” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm nay (19-1), ông Nguyễn Chí Công, Phó tổng giám đốc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết mực nước ngầm đang sụt giảm nghiêm trọng, và dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục xấu đi thời gian tới.

Dẫn số liệu báo cáo của Tổ chức môi trường Liên hợp quốc (UNEP), , ông Nguyễn Chí Công cho biết trên thế giới hiện nay có trên 50% dân số sử dụng nước ngầm phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.

Trong khi đó, ở Việt Nam tình hình còn nghiêm trọng hơn. Ông Công khẳng định: “Việt Nam cũng là quốc gia sử dụng chủ yếu nguồn nước ngầm để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, trong đó một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…, sử dụng gần như 100% nước ngầm”.

Theo ông Công, việc khai thác nước ngầm quá mức, trong khi quy hoạch các bãi giếng chưa hợp lý cũng như nguy cơ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã, đang và sẽ gây ra nhiều hệ lụy như nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt; sụt lún đất; xâm nhập mặn…

Thực tế, ông Công dẫn kết quả quan trắc và nghiên cứu của NAWAPI cho thấy ở các địa phương như TPHCM, Hải Phòng, Nam Định, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu…, mực nước ngầm đang hạ xuống mức báo động: ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chẳng hạn, nước ngầm đã hạ xuống gần 10 mét trong vòng một thập kỷ qua, còn tại TPHCM nước ngầm cũng đã hạ thấp gần 18 mét kể từ năm 1995.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo này, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Trưởng ban quan trắc tài nguyên nước của NAWAPI, cho biết việc khai thác quá mức tài nguyên nước ngầm sẽ dẫn đến chất lượng nguồn nước suy giảm, nhất là ở khu vực ven biển đang có dấu hiệu bị nhiễm bẩn và mặn. “Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của người dân”, ông Nghĩa khẳng định.

Cụ thể, báo cáo của NAWAPI, cho thấy ở những vùng ven biển thuộc Đồng bằng Bắc bộ, gần như toàn bộ tầng chứa nước holocen phía trên bị nhiễm mặn hoặc nhiễm bẩn, trong khí đó, hầu hết tầng chứa nước pleistocen phía dưới có độ khoáng hóa cao hơn 1.000 mg/lít, không đủ tiêu chuẩn cấp nước cho ăn uống.

“Tương tự, các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng liên tục đối mặt với tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô và ngập do triều cường vào mùa mưa”, báo cáo của NAWAPI cho biết.

Theo dự báo của ông Công, những thách thức nêu trên, nhất là tình trạng xâm nhập mặn, sẽ ngày càng diễn ra với cường độ nghiêm trọng hơn khi Việt Nam là quốc gia có hơn 3.000 km đường bờ biển và sẽ là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Trước những thách thức được nêu ra, ông Nguyễn Chí Nghĩa cho rằng hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà chuyên môn về tài nguyên nước ở khu vực Đông Nam Á cùng ngồi lại bàn bạc và đưa ra giải pháp để ứng phó cho toàn khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới