Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khai thác titan tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khai thác titan tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường

Văn Nam

Khai thác titan tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường
Một vụ vỡ bờ hồ chứa bùn tại dự án titan tại Bình Thuận – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Việc khai thác, chế biến titan tại vùng ven biển các tỉnh miền Trung lâu nay đã và đang gây nhiều tác động bất lợi, cản trở sự phát triển các ngành kinh tế khác, đồng thời tiềm ẩn các rủi ro về môi trường như phân tán các chất phóng xạ, nước ngầm cồn cát bị ô nhiễm, thảm thực vật rừng phòng hộ bị tàn phá, sa mạc hóa…

Trên đây là một số vấn đề bất cập sau một thời gian triển khai quy hoạch khai thác titan vừa được UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá trước đây thì chỉ riêng tỉnh Bình Thuận là địa phương chiếm đến 92% tổng trữ lượng titan của quốc gia với khoảng 599 triệu tấn và 24 khu vực được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác đến năm 2020 trên diện tích khoảng 20.840 héc ta.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai quy hoạch khai thác titan, chính quyền tỉnh Bình Thuận trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết trên thực tế đến nay số liệu có nhiều thay đổi như tổng trữ lượng có thể khai thác đến năm 2020 giảm chỉ còn khoảng 133,3 triệu tấn trên diện tích khoảng 19.530 héc ta.

Điều đáng nói là qua rà soát đến nay, trong 24 khu vực quy hoạch titan của Bình Thuận thì địa phương này đang phải đau đầu giải quyết việc chồng lấn giữa các 18 khu vực khai thác titan theo quy hoạch với 37 dự án ở các lĩnh vực khác đã được chấp thuận đầu tư như du lịch, điện gió, điện mặt trời, sân bay, sân golf, trồng rừng…

Bởi vướng chồng lấn với quy hoạch titan mà các dự án được phê duyệt nói trên không thể thực hiện, gây bức xúc cho các nhà đầu tư.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, các dự án thăm dò, khai thác titan theo quy hoạch phần lớn nằm dọc ven biển, có địa hình cao hơn các dự án khác và khu dân cư xung quanh, chồng lấn với các dự án du lịch nên dễ xảy ra các sự cố môi trường. Thậm chí một số khu vực dù được quy hoạch khai thác titan nhưng lại thiếu nguồn nước phục vụ cho hoạt động khai thác và chế biến titan dẫn đến khả năng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân địa phương bị suy giảm.

Từ những nguy cơ về môi trường và những con số dự báo “không có thật” về trữ lượng titan tại Bình Thuận nói trên, UBND tỉnh Bình Thuận trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đã kiến nghị nếu khu vực nào xét thấy ảnh hưởng đến dân sinh, không an toàn, không đảm bảo nguồn nước, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, chồng lấn nhiều dự án nhưng không thỏa thuận được… thì xem xét đưa vào dạng dự trữ khoáng sản hoặc loại khỏi quy hoạch.

Cụ thể, tỉnh Bình Thuận đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 6 vị trí quy hoạch khai thác titan với diện tích 1.973 héc ta tại các khu vực như xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết; khu vực Suối Nhum, huyện Hàm Thuận Nam; xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân… Như vậy, quy hoạch titan tại Bình Thuận chỉ còn khoảng 13 khu vực khai thác với tổng diện tích giảm còn khoảng 7.730 héc ta với số dự án bị chồng lấn chỉ còn 13.

Như TBKTSG Online từng đưa tin, tình trạng chồng lấn giữa quy hoạch khai thác titan với các dự án du lịch, điện gió… tại Bình Thuận đã có từ nhiều năm trước bởi Bình Thuận ngoài tiềm năng khoáng sản còn có bờ biển đẹp, phù hợp phát triển resort và địa hình bằng phẳng ven biển thuận lợi để xây dựng các dự án điện gió. Và thời gian gần đây, thực tế cũng từng xảy ra một số vụ vỡ hồ chứa bùn tại các mỏ khai thác titan gây ra nhiều hệ lụy môi trường tại địa phương này.

Xem thêm:

>> Bình Thuận: Quy hoạch titan chồng lấn 33 dự án kinh tế khác

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới