Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khám sức khỏe định kỳ cho mọi người: chuyện hay nhưng không dễ!

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một đề án mới vừa gây thích thú vừa gây ngạc nhiên. Đó là đề án khám sức khỏe trọn đời cho người dân TPHCM. Theo đề án, do Sở Y tế đề xuất lên chính quyền thành phố, trong tương lai gần mỗi người dân ở thành phố này đều được khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Theo ý tưởng ban đầu, người dân sẽ được phân thành bốn nhóm tuổi với các ưu tiên khám định kỳ khác nhau(1). Bốn nhóm tuổi gồm: trẻ chưa đi học (sơ sinh đến 3 tuổi); trẻ mầm non, phổ thông (3 tuổi đến dưới 18 tuổi); người lao động (18 đến dưới 60 tuổi); và người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Trong giai đoạn 2023 -2025 sẽ ưu tiên khám định kỳ cho nhóm người cao tuổi và từ 2025 trở đi sẽ tiếp tục với các nhóm khác.

Nhiều độc giả của một số tờ báo đã tỏ ý hoan nghênh đề án này, cho rằng hiện giờ chi phí khám sức khỏe định kỳ có thể vượt khả năng tài chính của những người thu nhập thấp. Vì thế, mặc dù việc khám sức khỏe là cần thiết – nhất là đối với một số đối tượng như người cao tuổi – không phải ai cũng làm được. Nếu chính quyền thành phố thực hiện được việc khám sức khỏe định kỳ cho mọi người dân, đó là một công tác an sinh xã hội rất có ý nghĩa.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về cách thức sẽ thực hiện đề án này như thế nào. Phải nói rằng dù rất ý nghĩa, đây là một đề án đầy tham vọng. Vì thế, nó có nhiều thách thức không dễ vượt qua.

Trước hết, khám sức khỏe cho toàn bộ chừng 10 triệu người (chưa kể người nhập cư) ở TPHCM là một công tác đòi hỏi tổ chức, nhân sự, kinh phí phức tạp và khổng lồ. Chưa rõ ngành y tế thành phố sẽ đáp ứng như thế nào với các đòi hỏi này. Theo kinh nghiệm của nhiều người, chỉ riêng việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên ở một cơ quan độ 100 người thôi đã không phải chuyện dễ, phải mất nhiều công sức và tiền của. Làm chuyện tương tự cho một lượng người gấp 100.000 lần còn phức tạp hơn biết bao.

Và liệu nhân sự hiện nay của ngành y tế thành phố có đáp ứng được các đòi hỏi đó hay không?

Thêm nữa, việc khám sức khỏe định kỳ này nhằm mục đích phát hiện sớm các bệnh lý, nếu có, hầu can thiệp kịp thời. Do vậy, đòi hỏi phải đạt được chất lượng cao. Nghĩa là bên cạnh việc nhân sự ngành y đáp ứng được nhu cầu khám bệnh cực lớn về số lượng người, họ còn phải có đầy đủ chuyên môn, tay nghề cao nhằm phát hiện bệnh như mục tiêu đề ra, không thể chỉ khám qua loa, lấy có.

Tiếp theo, và cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Giả sử phát hiện được vấn đề sức khỏe nào đó, liệu lực lượng y tế có đủ nhân sự để điều trị hiệu quả tiếp theo hay không? Ở đây, có hai yếu tố phải xem xét. Thứ nhất, đó là tay nghề của các bác sĩ trước một lượng lớn bệnh nhân như vậy. Và thứ hai, cũng quyết định không kém, đó là chi phí để điều trị các bệnh nhân này. Cần phải tính đến vấn đề đó, bởi lẽ nếu chúng ta tổ chức khám định kỳ rồi phát hiện bệnh mà không chữa chạy được hiệu quả, không biết phải chạy chữa ở đâu, thì khám định kỳ để làm gì? Cũng cần nhớ rằng, rất nhiều bệnh nhân trong số đó có khả năng tài chính rất giới hạn khó lòng cáng đáng nổi chi phí y tế lớn.

Nhân nói đến chuyện tài chính của người khám, cũng không thể không đề cập đến vấn đề tài chính phải có để thực hiện đề án này. Như đã nói ở trên, yêu cầu khám bệnh định kỳ phải có chất lượng cao, nghĩa là phải chi ra nhiều tiền. Liệu ngân sách thành phố sẽ đáp ứng như thế nào và được đến đâu chắc là một câu hỏi phải có câu trả lời dài hơi trước khi bắt đầu.

Thành ra, tuy đề xuất này rất tốt về mặt ý nghĩa an sinh, cần phải tính kỹ đến vấn đề khả thi về lâu về dài. Dù đây là một ước muốn chung tốt đẹp của cả người dân lẫn chính quyền, nó không nên quá bay bổng mà phải xét đến thực tế. Phải sử dụng nguồn lực hiện có một cách hợp lý, hiệu quả. Nên chăng phải liệu cơm gắp mắm? Một khi đã thực hiện, nó phải được người dân hưởng ứng tham gia tích cực vì mang lại lợi ích cho họ.

Tóm lại, đề án này hay nhưng không dễ chút nào! Tuy nhiên, có đề án nào vừa hay vừa dễ đâu!

————

(1)https://tuoitre.vn/tphcm-se-kham-suc-khoe-tron-doi-cho-nguoi-dan-vui-nhung-2022112110221676.htm

3 BÌNH LUẬN

  1. Ước mơ chưa phải là mơ ước ? Một đề án tiên phong, đáng mơ ước của HCMCity. Nhưng không phải là không khả thi. Việc này thiên hạ làm lâu lắm rồi, chi phí đã được dự kiến trong gói bảo hiểm sức khỏe thường niên. Chắc chỉ có BHYT ở ta là phản đối việc này thôi, vì lúc nào cũng sợ tốn kém, tăng chi, thay vì tập trung lo lắng cho sức khỏe toàn dân ?

  2. Cần có kinh phí khổng lồ để làm việc này, nhưng hiệu quả không có. Với số lượng người quá nhiều một lần khám, cam đoan bác sĩ sẽ khám qua loa. Đa số người dân đã có bhyt, phần lớn người dân có đi khám bệnh đều được bác sĩ khám tương đối, cho xét nghiệm, thử máu đầy đủ rồi. Cần quan tâm đến các bệnh nhân lớn tuổi thì tốt hơn. Tôi có nhỏ bạn, ba cô ta bị ho thời gian dài, nhưng mỗi lần bác sĩ khám đều cho thuốc ho về uống. Sau một thời gian, bị bệnh nặng mới phát giác ung thư thời kỳ cuối thì đã muộn., mặc dù có đi khám đầy đủ. Nên có qui định với những bệnh nhân bị bệnh kéo dài cần quan tâm khám kỹ hơn, nếu cần cho xét nghiệm nhiều hơn, do bác sĩ sợ vi phạm qui định bhyt nên cuối cùng bệnh nhân lãnh đủ.

  3. Chuyện của BHYT, để cân đối thu chi thay vì phải lo từ y tế dự phòng để người mua bảo hiểm khoẻ mạnh hơn, ít phải chăm sóc y tế, họ lại chỉ lo siết chi phí chữa bệnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới