Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khan hiếm đô la cho vay  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khan hiếm đô la cho vay  

Ngân hàng đang đẩy mạnh lãi suất huy động đô la Mỹ để thu hút nguồn vốn ngoại tệ này từ dân cư. Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Bên cạnh thực trạng khan hiếm nguồn cung tiền đồng, các ngân hàng hiện đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn đô la Mỹ, không thể đáp ứng nhu cầu vay đô la Mỹ của các doanh nghiệp.

Điều này dẫn tới việc bên cạnh đua nhau tăng lãi suất huy động tiền đồng, các ngân hàng cũng trong cuộc đua đẩy lãi suất huy động tiền đô la Mỹ lên cao, và mặt bằng huy động đô la của các ngân hàng hiện đang ở mức xoay quanh 7%/năm.  

Giá đô la Mỹ tăng vọt  

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những ngày gần đây đã liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, và theo đó, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng giá niêm yết mua, bán đô la Mỹ lên cao nhất có thể, ở mức cao hơn 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 26-5 là 16.051 đồng, tăng 7 đồng so với ngày 23-5. Theo đó, giá mua-bán đô la Mỹ của Eximbank ngày 26-5 được niêm yết ở mức 16.212 đồng, còn giá mua-bán đô la Mỹ của Vietcombank là 16.210-16.212 đồng.  

Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp có nhu cầu mua đô la Mỹ lại không thể mua với giá niêm yết của các ngân hàng. Điều này, theo các ngân hàng giải thích, là do thiếu hụt đô la Mỹ, các ngân hàng phải đi mua trên thị trường tự do với giá cao để bán lại cho doanh nghiệp, vì thế, giá bán cho doanh nghiệp được thỏa thuận cao hơn mức niêm yết của ngân hàng. 

Ví dụ, chiều ngày 26-5 giá mua vào khoảng 16.740 đồng/đô la Mỹ. Còn nếu mua trên thị trường tự do thì giá đô la Mỹ bán ra khoảng 16.750-16.800 đồng. 

Theo phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng quốc doanh, giá đô la Mỹ tăng thêm trong vài ngày gần đây là có phần do việc NHNN ngừng cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cũng như việc tăng thuế nhập vàng từ 0,5% lên 1%, khiến nhu cầu vàng trong nước tăng cao và nhiều người đang gom đô la Mỹ ngoài thị trường tự do để chuẩn bị cho việc nhập vàng không hợp pháp khi nhu cầu vàng trong nước tăng cao.

Thêm vào đó, nguồn cung đô la Mỹ vốn đã chựng lại gần đây khi luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam đã không còn nhiều như trước. Mặt khác, nhu cầu giữ đô la Mỹ của người dân cũng có xu hướng tăng mạnh do tâm lý lo ngại lạm phát tăng cao… Những tác nhân này đã phần nào tác động đẩy giá đô la Mỹ lên cao.  

Thiếu đô la Mỹ, ngân hàng đua nhau tăng lãi suất  

Nguồn đô la Mỹ chạy vào ngân hàng đang bị nghẽn, dẫn đến thiếu hụt, trong khi nguồn cầu đô la từ phía các doanh nghiệp vẫn đang lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu rồi thì vẫn đang cần nguồn vốn đô la để thanh toán với đối tác nước ngoài. Điều khó khăn là các ngân hàng không thể mua đô la Mỹ bằng tiền đồng huy động với lãi suất khoảng 14%/năm để cho vay ra với lãi suất chỉ khoảng 8%-9%/năm, mà chỉ trông chờ vào nguồn huy động ngoại tệ để phục vụ nhu cầu vay của doanh nghiệp. Nguồn huy động này lại bị hạn chế, một phần do lãi suất huy động ngoại tệ thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động tiền đồng.

Tình trạng như vậy hiện dẫn đến việc các ngân hàng đang đua nhau tăng lãi suất huy động đô la Mỹ để có nguồn đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp.       

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng VP Bank, cho biết thâm hụt thương mại bốn tháng đầu năm của Việt Nam tăng cao nên nhu cầu thanh toán cho nhập khẩu của doanh nghiệp cũng tăng cao, trong khi ngân hàng lại đang thiếu nguồn đô la Mỹ huy động buộc lòng phải tăng lãi suất huy động loại ngoại tệ này. Lãi suất huy động đô la Mỹ kỳ hạn 12 tháng lãnh lãi cuối kỳ của VP Bank đã tăng lên 7%/năm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng vừa thông báo tăng lãi suất huy động đô la Mỹ ở các kỳ hạn, theo đó lãi suất huy động ngoại tệ này kỳ hạn dưới 12 tháng từ 6,65% đến 7,05%, kỳ hạn 12 tháng là 7,1%/năm. Trước đó, các ngân hàng khác như Sacombank, Đông Á, Phương Nam, VIB Bank… đều đã thông báo tăng lãi suất huy động đô la Mỹ.  Mới nhất là Ngân hàng SeA Bank vừa tăng lãi suất đô la Mỹ lên đến 7,45% kỳ hạn 6 tháng và 7,5% kỳ hạn 13 tháng.

Tăng lãi suất nhưng các ngân hàng cho biết lượng ngoại tệ chảy vào ngân hàng qua kênh huy động cũng không tăng mạnh. Vì thế, việc vay vốn bằng đô la Mỹ của doanh nghiệp hiện nay cũng không phải suôn sẻ.

Các ngân hàng hiện chỉ xem xét tài trợ vốn vay bằng ngoại tệ cho các khách hàng doanh nghiệp quen đã giao dịch lâu tại ngân hàng và đã ký các hợp đồng nhập khẩu bằng ngoại tệ trước đây. “Các khách hàng vay đô la với lãi suất thấp, đổi sang tiền đồng Việt Nam để phục vụ sản xuất kinh doanh hiện tại sẽ không còn có thể vay được đô la Mỹ như vậy nữa”, Tổng giám đốc VP Bank Lê Đắc Sơn cho biết.  

“Khách hàng doanh nghiệp mới thì xem như không thể vay đô la Mỹ tại ngân hàng trong giai đoạn này”, trưởng phòng cho vay khách hàng doanh nghiệp của một chi nhánh ngân hàng BIDV cho biết, và đây cũng là nhận định chung của hầu hết các ngân hàng.   

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới