Khan hiếm lao động, các chuỗi nhà hàng chuyển sang sử dụng robot
Lê Linh
(TBKTSG Online) – Nhiều chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh ở Mỹ đã chuyển sang sử dụng robot do họ không thể tuyển đủ nhân viên trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt, theo The Wall Street Journal.
![]() |
Robot nướng và lật nhân bánh burger tại nhà hàng CaliBurger ở thành phố Pasadena, bang California, Mỹ. Ảnh: WSJ |
Sử dụng robot vì không tuyển đủ nhân viên
Trong những tháng gần đây, John Miller, Giám đồng điều hành kiêm người sáng lập chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh CaliBurger ở bang California không tài nào tuyển đủ số lượng nhân viên mà ông cần. Giải pháp của ông là sử dụng robot có tên gọi Flippy để đảm nhận công việc lật nhân bánh burger và lau chùi bàn nướng nóng và đầy mỡ. Ông cho biết sẽ lắp đặt robot Plippy ở 10 trong số tổng số 50 nhà hàng của CaliBurger vào cuối năm nay.
Tại Mỹ, số lượng tuyển dụng công việc trong các ngành nhà hàng, khách sạn tăng liên tục kể từ năm 2010 và đang ở mức cao hơn so với lượng tuyển dụng trong các ngành bán lẻ và sản xuất. Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 4-2018, lĩnh vực nhà hàng, khách sạn vẫn còn trống 844.000 vị trí. Từ tháng 5-2013 đến tháng 5-2018, việc làm trong ngành ăn uống đã tăng thêm 1,6 triệu lên con số 11,9 triệu.
“Tôi chưa từng chứng kiến thị trường lao động thắt chặt đến mức này. Chúng tôi tốn rất nhiều thời gian để đào tạo nhân viên để rồi chỉ một tháng sau đó, họ nghỉ việc”, Scott Murphy, Giám đốc hoạt động của chuỗi cửa hàng cà phê và bánh nướng Dunkin’ Donuts tại Mỹ, than vãn.
Trước đây, mỗi ngày, các nhân viên của Dunkin’ Donuts phải dán hàng ngàn nhãn viết tay ghi thời hạn sử dụng của các sản phẩm từ cà phê cho đến pho mát. Năm ngoái, Dunkin’ Donuts đã lắp đặt các máy in nhỏ để in các nhãn này.
Trước khi pha chế một bình cà phê, các nhân viên của Dunkin’ Donuts phải xay và cân lượng cà phê, rồi so sánh độ mịn của nó với cà phê mẫu. Giờ đây, một số cửa hàng Dunkin’ Donuts sử dụng các khúc xạ kế kỹ thuật số để xác định xem liệu cà phê đã đáp ứng các chỉ tiêu hay chưa.
Tự động hóa giúp tiết kiệm thời gian cho một số công việc và có thể làm dịu tác động của tình trạng nhân viên nghỉ việc liên tục trong ngành nhà hàng. Alexandra Guajardo, trưởng ca sáng ở một cửa hàng Dunkin’ Donuts ở thành phố Corona, bang California, cho biết cô muốn gắn bó với công việc hiện tại lâu hơn vì không còn phải lo lắng thường trực về các việc lặt vặt dễ gây nhàm chán.
Patrick Sugrue, Giám đốc điều hành chuỗi 95 nhà hàng Saladworks ở bang Pennsylvania cho biết các nâng cấp công nghệ, bao gồm các ki-ốt có màn hình cảm ứng để khách tự động đặt món ăn, giờ đây được bố trí tại nhiều nhà hàng Saladworks, giúp ông quản lý công việc đỡ vất vả hơn.
“Trong ngành này, nhân viên sẽ nghỉ việc nếu họ có một ngày không vui. Nếu điều đó xảy ra, các ki-ốt này sẽ giúp các nhà hàng dễ dàng xoay sở hơn. Bắt khách hàng chờ đợi lâu để được phục vụ do thiếu nhân viên là cách nhanh nhất để giết chết một thương hiệu”, ông nói.
Tự động hóa giúp tạo ra các việc làm khác
![]() |
Nhà hàng bánh nướng Panera Bread sử dụng các ki-ốt có màn hình cảm ứng để giúp khách tự động đặt lệnh mua. Ảnh: Twitter |
Trong những năm qua, ngành kinh doanh thức ăn nhanh không phải chịu sức ép chuyển sang sử dụng máy móc công nghệ vì vẫn còn nhiều người sẵn sàng làm các công việc lương thấp. Tuy nhiên giờ đây, nguồn cung lao động đang giảm và lương lại tăng khiến nhiều chuỗi nhà hàng tại Mỹ phải đẩy mạnh tự động hóa.
“Không còn nhiều lao động tìm kiếm việc làm trong ngành nhà hàng như trước đây nữa và điều này khuyến khích tự động hóa” . Andy Puzder, cựu Giám đốc điều hành của các chuỗi nhà hàng Carl’s Jr. và Hardee’s, nói.
Puzder cho rằng tự động hóa có thể khiến việc làm trong ngành nhà hàng ngày càng ít đi. Song, khả năng này cũng có thể không xảy ra. Magne Mogstad, nhà kinh tế ở Đại học Chicago (Mỹ) cho biết máy bán đồ ăn và thức uống tự động có tên gọi Automat xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 và song rốt cục, chúng cũng chịu lép vế trước các nhà hàng thức ăn nhanh vận hành bởi con người. Ông cho rằng tự động hóa có thể tạo ra nhu cầu các công việc khác cho người lao động.
Giám đốc hoạt động của chuỗi cửa hàng cà phê và bánh nướng Dunkin’ Donuts tại Mỹ Scott Murphy cũng không nghĩ rằng trong tương lai cửa hàng Dunkin’ Donuts sẽ tự động hóa hoàn toàn. Ông cho biết cách đây gần hai năm, Dunkin’ Donuts đã thử nghiệm một robot pha chế tự động. Nó có thể pha chế tốt một đồ uống đơn giản nhưng không thể hiểu được các yêu cầu cụ thể của khách hàng, chẳng hạn như khi khách hàng nói: “Cho ít đường thôi”.
Trong khi đó, chuỗi 2.000 nhà bánh bánh nướng Panera Bread, có trụ sở ở bang Missouri đã tạo thêm 25.000 việc làm mới bao gồm các nhân viên lái xe giao bánh và nhân viên xử lý lượng đơn đặt bánh qua mạng nhờ nhiều công việc tại nhà hàng đã được tự động hóa. Chuỗi nhà hàng này đã đầu tư khoảng 100 triệu đô la Mỹ để nâng cấp công nghệ trong những năm gần đây. Giờ đây, khoảng 30% lệnh đặt mua bánh ở chuỗi nhà hàng này được thực hiện qua các ki-ốt, máy tính để bàn và các thiết bị di động.
Panera Bread có thể điều chuyển nhân viên thu ngân sang làm các công việc khác như giao bánh hoặc chạy bàn, một sự nâng cấp mới về dịch vụ trong ngành nhà hàng thức ăn nhanh vốn thường để khách tự lấy đồ ăn.
Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Wendy’s có trụ sở ở bang Georgia thì đang sử dụng công nghệ tự động để giảm gánh nặng cho một trong những công việc không được yêu thích nhất trong nhà bếp: rửa chén bát, dao nĩa và các dụng cụ làm bếp khác.
Trước đây, nhân viên ở hầu hết 5.400 nhà hàng Wendy’s phải thực hiện sáu bước để vận hành máy rửa chén bát và nhiều khi phải dừng công việc họ đang làm để khởi động một tiến trình mới cho máy rửa chén bát. Giờ đây, chuỗi nhà hàng này đã trang bị các loại máy rửa chén hiện đại giá 6.500 đô la mỗi máy và nhân viên chỉ cần bấm nút một lần mà không cần phải giám sát, giúp tiết kiệm 10 giờ lao động mỗi tuần. Wendy’s cũng đang tìm cách loại bỏ công việc chùi mỡ trong các lò nướng. Năm ngoái, chuỗi nhà hàng này bắt đầu lắp đặt các lò nướng tự động làm sạch.
Robot không đe dọa việc làm nhà hàng
Trong nhiều năm qua, các chuyên gia cảnh báo robot sẽ thay thế con người trong các công việc ở nhà hàng. Một nghiên cứu của các nhà kinh tế tại Đại học Oxford (Anh) vào năm 2013 cho thấy các công việc trong ngành ăn uống, bao gồm đầu bếp, nhân viên phục vụ nằm trong top 20% công việc dễ dàng bị máy móc thay thế nhất trong tổng số 700 công việc được khảo sát.
Nhưng cho đến nay, thực tế cho thấy các dự báo và lo ngại trên là sai. Các nhà hàng thức ăn nhanh ở Mỹ đang chuyển sang sử dụng máy móc nhưng vẫn không sa thải nhân viên vì họ vẫn chưa thể tuyển đủ.
Chẳng hạn, chuỗi nhà hàng Wendy’s không sa thải nhân viên dù nhiều công việc đã được tự động hóa. Thay vào đó, Wendy’s điều chuyển một số nhân viên ra phục vụ ở các phòng ăn, nơi họ có thể tiếp nước uống cho khách hoặc hướng dẫn khách đặt món trên màn hình cảm ứng của các ki-ốt.
“Nếu các doanh nghiệp trong ngành ăn uống sử dụng máy móc để thay thế con người, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao trong ngành này nhưng bạn hoàn toàn chưa thấy điều đó”, Donald Grimes, chuyên gia kinh tế ở Đại học bang Michigan, nói
Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đối với nhân viên nhà hàng chỉ ở mức 6%, một mức cực kỳ thấp đối với một ngành vốn có tốc độ thay thế nhân viên rất cao.
Trên giả thiết, sự trỗi dậy của robot sẽ khiến số lượng nhân viên làm việc tại mỗi nhà hàng giảm xuống. Điều đó vẫn chưa xảy ra. Số lượng nhân viên trung bình ở mỗi nhà hàng thức ăn nhanh tại Mỹ đã tăng lên 18,4 người vào năm ngoái so với 17,4 người trước thời điểm cuối năm 2007 khi nền kinh tế Mỹ chuyển sang suy thoái.
Nhiều nhà hàng thậm chí còn mở rộng kinh doanh, mở cửa 24/24 và bổ sung thêm dịch vụ giao món ăn. Một số chuỗi nhà hàng cũng cần tuyển thêm nhân viên để xử xử lý nhu cầu của các công việc mang tính lặp đi lặp lại chẳng hạn như nhận đơn đặt hàng.