Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khan hiếm nguồn nguyên liệu gỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khan hiếm nguồn nguyên liệu gỗ

Thuỳ Dung

Khan hiếm nguồn nguyên liệu gỗ
Đồ gỗ doanh nghiệp Việt Nam triển lãm tại hội chợ – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Từ đầu năm tới nay, giá các loại nguyên liệu gỗ cao su đã tăng khoảng 30-40% gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Theo nhiều chuyên gia, nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến gỗ xuất khẩu sẽ tiếp tục khan hiếm trong dài hạn.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty gỗ nội thất Minh Phát II, cho biết những tháng gần đây, giá nguyên liệu cao su đầu vào phục vụ chế biến xuất khẩu liên tục tăng cao. Tới nay, giá nhiều loại nguyên liệu gỗ cao su đã tăng lên khoảng 30-40% so với hồi đầu năm.

Trước tình hình này, ông Hiệp đã phải ứng trước tiền cho các doanh nghiệp cung ứng mua các cánh rừng để khai thác dần nhưng ông Hiệp thừa nhận, đây chỉ là giải pháp tình thế chứ khó có thể ổn định nguồn nguyên liệu gỗ cho công ty trong vòng 1-2 năm tới.

Minh Phát II chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nguồn nguyên liệu chủ yếu làm từ gỗ cao su. Giá cao su tăng mạnh đã ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận của công ty khi giá xuất khẩu ít nhất phải ổn định cho khách hàng một năm.

Cũng giống như ông Hiệp, ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt cho biết, nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao là khó khăn lớn mà các công ty chế biến gỗ đang gặp phải. Theo ông Việt, rất nhiều công ty chế biến gỗ lớn đang phải sản xuất cầm chừng, chỉ khoảng 40-50% so với công suất thiết kế do thiếu nguồn nguyên liệu. “Nếu tình hình này kéo dài chắc nhiều doanh nghiệp phá sản", ông Việt nói.

Theo các doanh nghiệp chế biến gỗ, trong những năm gần đây, gỗ cao su được sử dụng nhiều để sản xuất các sản phẩm nội ngoại thất, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên nhu cầu trong nước đối với gỗ cao su lớn. Trong khi đó, từ đầu năm 2017, Trung Quốc đã đóng cửa rừng, không cho phép khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu nên các thương nhân Trung Quốc tràn qua nhiều nước khác để thu mua gỗ nguyên liệu. Điều này càng khiến giá gỗ cao su tăng cao. Bên cạnh đó, giai đoạn 2020-2025 là giai đoạn thấp điểm thanh lý gỗ cao su của các doanh nghiệp trồng cao su nên nguồn cung gỗ trong nước sẽ càng khó khăn hơn.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends cho biết Trung Quốc đã đóng cửa rừng trên toàn quốc từ đầu năm 2017 khiến nước này thiếu hụt khoảng 50 triệu m3 gỗ mỗi năm và phải bù vào bằng lượng nhập khẩu. Trước kia, Malaysia cung cấp một lượng lớn gỗ cao su cho thị trường Trung Quốc nhưng kể từ đầu năm 2017, Malaysia cũng ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ này. Do đó, Việt Nam có thể là một trong những thị trường mà thương nhân Trung Quốc sang tìm mua nguyên liệu khiến giá cao su tăng mạnh trong thời gian qua.

Không chỉ gỗ cao su mà theo dự báo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), khan hiếm nguồn nguyên liệu gỗ nói chung sẽ là thách thức lớn đối với ngành này. Các nước trong khu vực ngày càng có biện pháp ngặt nghèo hơn nhằm hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Ngoài ra, tháng 11-2016, Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT. Sau khi hiệp định này có hiệu lực, tất cả các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU đều phải có nguồn gốc hợp pháp.

“Chính vì vậy, nguyên liệu gỗ là bài toán khó cho ngành khi phải tìm nguồn cung gỗ để đáp ứng tốc độ tăng trưởng ngành chế biến gỗ ở con số 10-15% mỗi năm và phải đảm bảo rằng gỗ đó có nguồn gốc hợp pháp”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vifores nói.

Mời độc thêm:

Kinh doanh gỗ sẽ ngày càng khó

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới