Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khẳng định đẳng cấp quốc tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khẳng định đẳng cấp quốc tế

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Scancom International Việt Nam ở Bình Dương, doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ quy mô lớn của Việt Nam với kim ngạch hơn 20 triệu đô la Mỹ mỗi năm-Ảnh: HỒNG VĂN

(SGTO) – Từ một người thợ mộc ở Hố Nai, tỉnh Đồng Nai cách đây hơn 10 năm, ông Nguyễn Văn Quý đã gây dựng thành một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Pháp và Mỹ với doanh số hơn 3 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Câu chuyện về ông Quý và Công ty TNHH Hố Nai của ông là một trong những điển hình cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong gần một thập niên qua.  

Năm 2004, ngành thương mại trong nước chứng kiến sự bứt phá của ngành chế biến gỗ khi doanh số xuất khẩu vượt qua ngưỡng 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 88% so với năm 2003. Sự tăng trưởng này đã là tiền đề cho sự ra đời của Chỉ thị số 19/2004/CT-TTg ngày 1-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ. Trong hơn 3 năm qua kể từ khi có chỉ thị 19, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã phát triển dần theo chiều sâu và tiếp tục bứt phá.

Chuyển dịch mạnh mẽ

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, trong ba năm qua, công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ các nước vào Việt Nam. Hiện nay cả nước có 410 dự án vốn đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến gỗ, trong đó hơn 300 dự án đã thực hiện với vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Trong năm 2006, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngành chế biến gỗ đã đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ 1,93 tỷ đô la Mỹ của cả nước. Tiêu biểu là Bình Dương, nơi đóng góp gần 40% kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước với 369 doanh nghiệp chế biến gỗ, bao gồm 194 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 700 triệu đô la Mỹ.

Sau sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Quyền cho rằng công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, còn các nhà đầu tư hiện hữu thì mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Cụ thể, Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Kaizer 100% vốn của Đài Loan đầu tư vào Bình Dương từ năm 2003 với giai đoạn 1 sử dụng 2.800 công nhân, chế biến và xuất khẩu 250 container đồ gỗ mỗi tháng. Tháng 5 vừa qua Kaizer đã hoàn thành giai đoạn 3,  tăng năng lực xuất khẩu lên tới 1.000 container sản phẩm mỗi tháng và tạo việc làm cho 7.000 lao động. Với dự kiến xuất khẩu khoảng 60 triệu đô la Mỹ trong năm nay, Kaizer đang trở thành nhà chế biến gỗ lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Các doanh nghiệp trong nước với những tên tuổi được nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài biết tới như Khải Vy, Trường Thành, Tiến Đạt, Đại Thành, Tiến Triển cũng đang trong cuộc đua gia tăng năng lực. Công ty Khải Vy từ hai nhà máy vào năm 2003 ở TPHCM và Bình Định thì nay đầu tư nâng lên thành bốn nhà máy, xuất khẩu mỗi tháng hơn 500 container đồ gỗ, và hiện đang đàm phán mua thêm một nhà máy trị giá 25 triệu đô la Mỹ.

Ông Quyền nói rằng trong danh sách 10 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu Việt Nam hiện nay có nhiều cái tên của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước, phần nào chứng tỏ sự vươn lên của các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước vốn lâu nay thường bị xem là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo thống kê, hiện cả nước có 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có 300 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, sử dụng 170.000 lao động trực tiếp và có năng lực sản xuất tăng gấp bốn lần so với năm 2003, thời điểm mà công nghiệp gỗ Việt Nam bắt đầu bứt phá. Năng lực chế biến gỗ của Việt Nam tăng lên không chỉ về số lượng nhà máy, quy mô sản xuất mà còn tăng cường đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, trình độ quản lý, tay nghề của công nhân đề tăng cao.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) – nơi quy tụ tới gần 50% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cả nước, lấy ví dụ trước đây các doanh nghiệp trong nước hay sơn đồ gỗ bằng tay nên chất lượng không tốt, thì nay, gần như các nhà máy chế biến gỗ ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai (khu vực chiếm 70% năng lực chế biến gỗ cả nước) đều đã nhập khẩu các dây chuyền phun sơn hiện đại của Đức và Ý.

Song song với tăng năng lực sản xuất thì kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm ngoái cũng tăng gấp 4 lần năm 2003, giúp Việt Nam vượt qua Indonesia, Thái Lan để trở thành một trong hai quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN. Trong chiến lược xuất khẩu đồ gỗ do Bộ Thương mại xây dựng, tới năm 2010, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt 5,56 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn gấp đôi so với con số dự kiến 2,5 tỉ đô la Mỹ năm nay. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 1,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngóai.

Tập trung tổng lực vào thị trường chính

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu vào 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật. Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 744 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 6,5 lần so với năm 2003, chiếm tới 39% thị phần xuất khẩu gỗ của Việt Nam và chiếm 2,27% thị phần nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ. Từ sự phát triển này, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ năm trên thế giới vào thị trường Mỹ.

Năm 2003 2004 2005 2006 2007
Kim ngạch xuất khẩu (tỷ đô la Mỹ) 0,56 1,1 1,6 1,93 2,5

Theo dự báo của Vụ Chính sách thị trường châu Mỹ – Bộ Thương mại, năm nay kim ngạch xuất khẩu đổ gỗ của Việt Nam vào Mỹ khoảng 1,26 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn một nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ cả nước. la Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU năm ngoái khoảng 500 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 3 lần so với năm 2003 và chiếm 26% thị phần xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Thị trường Nhật năm ngoái đạt 286 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 2 lần năm 2003, chiếm 15% thị phần xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.

Song hành với mở rộng thị trường là năng lực cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo ông Trần Quốc Mạnh, mặc dù giá thành sản phẩm đồ gỗ Việt Nam hiện nay đã tăng lên ngoài ý muốn của doanh nghiệp do giá nguyên liệu gỗ đầu vào phải nhập khẩu hơn 80% đang tăng giá, chi phí đầu vào của sản xuất cũng đang tăng nhưng các doanh nghiệp chế biến gỗ đã đầu tư máy móc, giảm chi phí nhờ tăng quy mô sản xuất, đội ngũ lao động thành thạo, nên tỷ lệ giá trị nguyên liệu gỗ đầu vào chiếm hơn 50% năm 2003 nay giảm xuống còn 37% trong giá thành sản phẩm. Công nhân ngành chế biến gỗ của Việt Nam bình quân mỗi năm tạo ra giá trị sản phẩm gỗ khoảng 10.000 đô la Mỹ mỗi người, thấp hơn Trung Quốc nhưng ông Mạnh cho rằng vẫn còn hơn khá nhiều nước và mức như vậy là phù hợp với công nghiệp chế biến gỗ còn non trẻ, chỉ mới khởi nghiệp hơn 10 năm nay.

Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Trường Thành, doanh nghiệp có tới 6 nhà máy và 5.000 lao động, đứng Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam, thì có cái nhìn tổng quát rằng sức cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam được cải thiện khá nhiều, thậm chí ngang ngửa với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và chỉ thua đối thủ Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới. Trước đây các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn xuất khẩu đồ gỗ trang trí sân vườn (outdoor), nay đồ gỗ Việt Nam cạnh tranh với đồ gỗ Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu nhóm đồ gỗ trong nhà (indoor) như nội thất phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, nội thất văn phòng công sở.

Hướng tới phát triển bền vững

Do thiếu gỗ nguyên liệu cho đầu vào nên các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải nhập hơn 80% từ nước ngòai. Trong ảnh là bãi gỗ nguyên liệu nhập khẩu của một công ty ở Bình Dương-Ảnh: HỒNG VĂN

Trở lại câu chuyện của ông Quý tại Hố Nai. Hơn 10 năm trước, anh thợ mộc Quý đóng tủ giường bằng gỗ rừng trong nước nhưng hiện tại, gần 100% nguyên liệu gỗ mà công ty của ông Quý dùng cho chế biến đều là nhập khẩu từ nước ngoài. Câu chuyện nhập khẩu gỗ nguyên liệu của ông Quỷ và các doanh nghiệp đồ gỗ khác đã phản ánh điểm yếu nhất của ngành công nghiệp này là bị động trong khâu nguyên liệu đầu vào.

Theo tính tóan của Bộ Công Thương, trong 3 năm trở lại đây, cứ xuất khẩu được hai đô la Mỹ đồ gỗ thì doanh nghiệp trong nước phải bỏ ra một đô la Mỹ để nhập khẩu nguyên liệu. Chẳng hạn trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước nhập tới gần 700 triệu đô la Mỹ gỗ nguyên liệu, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời gian này.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay 80-90% nguyên liệu dùng cho chế biến gỗ phải nhập khẩu, ước tính khoảng 2 triệu mét khối gỗ nhập về các cảng Việt Nam mỗi năm. Ông Đòan Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến Nông lâm sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thừa nhận cả nước hiện chỉ có 720.000 héc ta rừng trồng kinh tế có thể tham gia cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến nhưng các giống cây rừng trồng đa phần là chất lượng gỗ thấp, chỉ phục vụ cho nhu cầu làm nguyên liệu cho ván nhân tạo, gỗ dăm hay nguyên liệu giấy là chính.

Trong mục tiêu phát triển lâm nghiệp, trồng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là hình thành vùng nguyên liệu gỗ từ trồng rừng ổn định với diện tích 825.000 héc ta từ nay tới năm 2020. “Nếu lựa chọn giống cây rừng phù hợp, có sự đầu tư của doanh nghiệp trong diện tích nói trên thì tới năm 2020, Việt Nam có thể chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu nếu không nói là đảm bảo cung ứng hòan tòan gỗ nguyên liệu cho công nghiệp gỗ trong nước”, ông cho Hòa cho hay.

HỒNG VĂN

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới