Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khánh Hòa hỗ trợ vốn nuôi đà điểu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khánh Hòa hỗ trợ vốn nuôi đà điểu

Tự Phong

Đà điểu được nuôi nhiều ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung. Ảnh: Xuân Hoàng.

(TBKTSG Online) – Để phát triển và nhân rộng mô hình nuôi đà điểu trong dân, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi, Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Khánh Hòa còn hỗ trợ vốn cho nông dân với số tiền hỗ trợ là 600.000 đồng/con.

Số tiền hỗ trợ này được lấy từ nguồn vốn dành cho khuyến nông khuyến ngư của trung tâm. Tất cả nông dân trên toàn tỉnh đếu có thể nhận được hỗ trợ nếu đáp ứng được điều kiện là phải có diện tích tương đối rộng (khoảng 200m2) làm chuồng trại, sân chơi, trồng cây để đà điểu trú ngụ, nghỉ ngơi. Số lượng đà điểu mà mỗi hộ nông dân có thể nuôi là không hạn chế.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ trung tâm khuyến nông Khánh Hòa cho biết, hiện có 3 hộ nông dân ở huyện Vạn Ninh, Cam Lâm và Diên Khánh nuôi đà điểu với số lượng mỗi hộ hơn 100 con; toàn bộ con giống do công ty Khánh Việt cung cấp và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 42.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí người nuôi đà điểu có thể lãi 500.000 đồng/con.

Trước đây, đã có một số hộ gia đình tại Khánh Hòa nuôi đà điểu theo kiểu tự phát nhưng vì thiếu kỹ thuật chăm sóc nên hiệu quả không cao.

Chính vì vậy, với chính sách này trung tâm khuyến nông khuyến ngư Khánh Hòa hy vọng sẽ giúp tăng nhanh đàn đà điểu trong thời gian tới.

Theo công ty Khánh Việt, sau 9-12 tháng đà điểu có thể đạt trọng lượng trên 100kg nhưng do điều kiện thức ăn, thổ nhưỡng ở Khánh Hòa khá tốt nên chỉ cần 5 tháng người nuôi có thể bán được.

“Muốn làm giàu từ nuôi đà điểu người nuôi phải nuôi một đàn trên 50 con. Hy vọng qua mô hình này phong trào nuôi đà điểu sẽ được nhân rộng ra các địa phương trong toàn tỉnh” ông Anh cho biết.

Đà điểu được nuôi tại Việt Nam vào năm 1996 do Viện Chăn nuôi quốc gia nhập con giống và phát triển nghề nuôi. Đến năm 1997, Trại nghiên cứu đà điểu được thành lập tại Ba Vì, Hà Nội trên diện tích 15 héc ta. Giống đà điểu thường được nhập từ các nước châu Phi, Australia.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nước ta có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là các tỉnh trung du phía Bắc, các tỉnh miền Trung rất thích hợp cho việc chăn nuôi đà điểu với số lượng lớn vì có nhiều đồi núi và bãi cát rộng. Thức ăn để nuôi đà điểu rất đơn giản như lúa, gạo, rau, cỏ, ngô, cám hay thức ăn tổng hợp của gia cầm. Ngoài ra, đà điểu có thể sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt từ -30 đến +40 độ C.

Thịt đà điểu thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng cholesterol thấp. Ngoài việc nuôi đà điểu lấy thịt thì một số khu du lịch sinh thái tại Đồng Nai, Bình Dương nuôi đà điểu để phục vụ khách du lịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới