Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khát vốn, các startup Trung Quốc đổ xô đến Mỹ để IPO

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khát vốn, các startup Trung Quốc đổ xô đến Mỹ để IPO

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Nhu cầu vốn trong ngắn hạn để thúc đẩy đẩy tăng trưởng khiến các công ty khởi nghiệp (startup) Trung Quốc đổ xô đến Mỹ đế tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong những tháng gần đây bất chấp mối căng thẳng chính trị, thương mại và tài chính đang gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khát vốn, các startup Trung Quốc đổ xô đến Mỹ để IPO
Các nhà lãnh đạo của Công ty môi giới bất động sản trực tuyến KE Holdings tại buổi lễ chào mừng cổ phiếu lần đầu giao dịch trên sàn NYSE được tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 13-8. Ảnh: Hexun.

IPO ở Mỹ vẫn là ‘tiêu chuẩn vàng’

Từ đầu năm đến nay, có hơn 20 công ty từ Trung Quốc đã tiến hành IPO ở Sàn giao dịch Nasdaq hoặc Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), huy động được tổng cộng hơn 6 tỉ đô la Mỹ, theo dữ liệu của Dealogic. Hầu hết các startup hoạt động trong các ngành công nghệ cao như phần mềm hoặc xe điện.

Con số nói trên vượt mức 3,5 tỉ đô la mà 25 công ty Trung Quốc thu về được trong các thương vụ IPO ở Mỹ trong cả năm 2019.

Hôm 13-8, Công ty môi giới bất động sản trực tuyến KE Holdings, có trụ sở ở Bắc Kinh, đã huy động được 2,12 tỉ đô la trong thương vụ IPO 106 triệu cổ phiếu với giá 20 đô la mỗi cổ phiếu để niêm yết ở NYSE. Đây là thương vụ IPO lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại Mỹ kể từ năm 2018.

Thương vụ định giá KE Holdings ở mức hơn 22,5 tỉ đô la Mỹ. Ngay trong phiên chào sàn, giá cổ phiếu của KE Holdings tăng vọt 87,2%, lên mức 37,44 đô la. KE Holdings được hậu thuẫn tài chính từ các nhà đầu tư tên tuổi bao gồm Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) và Tập đoàn Tencent (Trung Quốc).

“Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn là tiêu chuẩn vàng đối với các công ty Trung Quốc”, Drew Bernstein, đồng chủ tịch hãng kiểm toán Marcum Bernstein & Pinchuk LLP, có nhiều khách hàng là các công ty Trung Quốc đang niêm yết ở Mỹ, nhận xét.

Sự căng thẳng Mỹ-Trung đang lên điểm cao nhất trong những năm qua. Hai nước đã ‘đụng độ’ nhau ở các vấn đề từ thương mại, công nghệ cho đến ngoại giao. Gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo các công ty Trung Quốc sẽ bị buộc hủy niêm yết cổ phiếu ở các sàn chứng khoán Mỹ trừ phi họ tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán của Mỹ chậm nhất là vào năm 2022. Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật về vấn đề này vào đầu năm nay và nó cần được Hạ viện thông qua trước khi chuyển lên cho Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật.

Dù vậy, chỉ số chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của các công ty Trung Quốc, do ngân hàng New York Mellon thiết lập, vẫn tăng 17,69% trong năm nay, vượt xa mức tăng 4,42% của chỉ số S&P 500 (theo dõi giá cổ phiếu của 500 công ty đại chúng có vốn hóa lớn nhất Mỹ).

Các ngân hàng đầu tư và các nhà tư vấn phát hành cổ phiếu khác cho biết các công ty Trung Quốc vẫn đang xếp hàng để IPO ở Mỹ. Họ ghi nhận cho đến nay, phần lớn các công ty Trung Quốc chọn IPO ở Mỹ đều huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư ở Mỹ và trên toàn cầu.

Họ nhận định việc niêm yết cổ phiếu ở thị trường vốn lớn nhất, năng động nhất thế giới sẽ giúp các công ty Trung Quốc xây dựng được danh tiếng quốc tế và thu hút nhóm nhà đầu tư đa dạng hơn.

Nhu cầu vốn trước mắt quan trọng hơn các rủi ro dài hạn

Hầu hết cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đều tăng giá mạnh trong phiên giao dịch lần đầu trên các sàn chứng khoán Mỹ. Aaron Arth, một nhà lãnh đạo cấp cao ở Ngân hàng Goldman, nói: “Chắc chắn, các công ty Trung Quốc vẫn lưu ý đến các rủi ro do bất ổn địa chính trị giữa Mỹ-Trung và bất ổn quản lý tài chính ở Mỹ nhưng ở giai đoạn này, điều đó không làm giảm nhu cầu hay ‘khẩu vị’ IPO ở Mỹ của các công ty Trung Quốc”.

Đối với nhiều công ty Trung Quốc, nhu cầu vốn trong ngắn hạn quan trọng hơn các rủi ro dài hạn, theo Peihao Huang, Giám đốc phụ trách các thị trường vốn cổ phần ở ngân hàng UBS.

Bà nói: “Trong khi vẫn rất khó để ước định rủi ro của việc bị hủy niêm yết ở Mỹ trong tương lai, rất nhiều công ty Trung Quốc thực sự cần huy động vốn trong ngắn hạn và họ muốn làm điều đó theo cách hiệu quả nhất và ở mức định giá tốt nhất”.

Vụ bê bối nâng khống doanh thu gần đây của Công ty Luckin Coffee, sở hữu chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất Trung Quốc, khiến giá cổ phiếu của công ty này sụp đổ sau gần một năm IPO ở sàn Nasdaq. Luckin Coffee bị hủy niêm yết khỏi Nasdaq kể từ ngày 29-6. Nhưng điều này không khiến các nhà đầu tư Mỹ và trên toàn cầu e dè, ngược lại, họ vẫn nhiệt tình đầu tư vào các công ty Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Vào cuối tháng 7, startup xe điện Li Auto, có trụ sở ở Bắc Kinh, huy động được 1,1 tỉ đô la trong thương vụ IPO ở sàn Nasdaq dưới sự tư vấn của các ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley, UBS và Tổng Công ty vốn quốc tế Trung Quốc (CICC).

Cổ phiếu Li Auto được chào bán với mức giá cao nhất trong tầm giá bán đề xuất và tăng vọt trong phiên chào sàn Nasdaq. Hiện nay, vốn hóa thị trường của Li Auto đạt gần 13 tỉ đô la Mỹ.

“Trung Quốc là quê hương của một số startup tăng trưởng nhanh nhất thế giới và tiềm năng của họ rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu”, Mingming Huang, đối tác sáng lập của Quỹ Future Capital Discovery Fund, một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Li Auto, nói

Ông cho biết việc niêm yết ở Mỹ sẽ giúp Li Auto dễ dàng so sánh với các hãng xe điện khác bao gồm Tesla (Mỹ) và Nio, một startup xe điện có trụ sở ở Thượng Hải, có giá cổ phiếu tăng 360% trong một năm qua trên sàn NYSE.
XPeng, môt startup xe điện khác của Trung Quốc, cũng đã nộp đơn xin IPO ở Mỹ vào tuần trước.

Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc không phải luôn luôn tăng trưởng tốt trên các thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong những năm gần đây, không ít công ty Trung Quốc xin hủy niêm yết cổ phiếu ở Mỹ đôi lúc do muốn tìm kiếm mức định giá cao hơn từ các nhà đầu tư ở Trung Quốc. Tuy vậy, đối với nhiều công ty Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng và khát vốn, Mỹ vẫn là “thị trường huy động vốn dễ dàng nhất”, theo nhận định của Aaron Arth ở Goldman Sachs.

 

Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới