Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi Bộ Tài chính quyết tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi Bộ Tài chính quyết tâm

Hạnh Nguyên

Khi Bộ Tài chính quyết tâm
Mua sắm tại Vinatex Mart, thuộc tập đoàn Dệt may. Hiện tập đoàn này có năm trường đào tạo, ba viện nghiên cứu và hai tạp chí.  Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Bộ Tài chính đang đề xuất các giải pháp để gỡ “nút thắt” cho các tập đoàn, tổng công ty khi tiến hành tái cơ cấu, đó là thí điểm cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các tập đoàn, tổng công ty. Đây là một góc cạnh nhỏ của công cuộc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công thành doanh nghiệp nói chung.

“Đề án thí điểm chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” đang tiếp tục được hoàn thiện và trong quí 3 này sẽ được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ.

Không đơn thuần là vấn đề tài chính

Theo khảo sát của Bộ Tài chính về mức độ tự chủ tài chính và tình hình tài sản tại 41 đơn vị công lập thuộc bảy tập đoàn và 11 tổng công ty nhà nước thuộc các bộ cho thấy: có 30 đơn vị đã tự bù đắp được chi phí. Trong số này có 22 đơn vị có số thu lớn hơn chi (15 cơ sở giáo dục đào tạo, năm viện nghiên cứu, hai bệnh viện); tám đơn vị có số thu bằng chi (năm cơ sở giáo dục đào tạo, hai viện nghiên cứu, một bệnh viện). Số đơn vị còn lại không tự bù đắp được chi phí. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng 30 đơn vị sự nghiệp công lập tự bù đắp được chi phí này có thể thực hiện thí điểm cổ phần hóa lần này.

Nhiều ưu đãi khi cổ phần hóa
Bộ Tài chính cho rằng, để khuyến khích các đơn vị công lập chuyển sang công ty cổ phần, giá trị lợi thế kinh doanh sẽ không phải tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa (điều 13 dự thảo).

Đối với chính sách ưu đãi cho người lao động: ngoài chính sách ưu đãi như đối với lao động trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang công ty cổ phần, dự thảo còn quy định lao động cam kết làm việc ít nhất năm năm được mua thêm 800 cổ phần/năm, tối đa không quá 8.000 cổ phần. Lao động cam kết làm việc ít nhất ba năm được mua 500 cổ phần/năm, tối đa không quá 5.000 cổ phần.

Khi đóng góp cho dự thảo, ông Nguyễn Minh Thuyết (nguyên đại biểu Quốc hội), cho rằng chuyện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp “không đơn thuần là vấn đề tài chính”. Đối với các trường đào tạo thì khó khăn lớn nhất là phải tự hạch toán. Phần lớn kinh phí các trường đều do tập đoàn, tổng công ty mẹ cấp, tác phong làm việc cũng bao cấp. “Cái cần giải quyết chính là một tư duy mới về giáo dục đào tạo”, ông Thuyết nói. Còn với vấn đề nhân lực, ông Thuyết cho rằng, đối với những người có chuyên môn tốt khi cổ phần hóa cần giữ lại để nâng cao chất lượng đào tạo, số còn lại nên tạo điều kiện để chuyển công tác.

Đối với ngành nghề nhạy cảm như giáo dục đào tạo, GS. Hoàng Tụy khi góp ý cho dự thảo cũng bày tỏ sự lo lắng rằng trong khi nhiều vấn đề mấu chốt của ngành này còn chưa được giải quyết thì nếu không cẩn thận sẽ kéo giáo dục đại học tụt hậu thêm nữa. “Việc cổ phần hóa các trường đào tạo thuộc các tập đoàn, tổng công ty nói riêng và các trường đại học công nói chung là một vấn đề nhạy cảm, cần thận trọng.

Không thể hiểu xã hội hóa giáo dục thì sẽ biến giáo dục thành một ngành kinh doanh, phó mặc cho cơ chế thị trường tác động và khống chế”, GS. Hoàng Tụy nói.

“Mắc kẹt” nhiều chỗ

Ông Trần Văn Hiền (Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính) cho biết, theo Quyết định 929/QĐ-TTg về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Thế nhưng một số DNNN lại “mắc kẹt” bởi ngay chính những “đứa con” của mình – những đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Các DNNN hiện có rất nhiều đơn vị công như tập đoàn Dệt may hiện có năm trường đào tạo, ba viện nghiên cứu, hai tạp chí; tập đoàn Điện lực có bốn trường đào tạo; tập đoàn Viettel cũng có một trung tâm và một viện nghiên cứu… Nhưng hiện nay các đơn vị này chưa có phương pháp xác định giá trị, đặc biệt là cách tính giá trị lợi thế, xử lý lao động, đất đai… khi cổ phần hóa.

Ông Hiền đã từng đề xuất hai bước thực hiện: 1. Cho phép các tập đoàn, tổng công ty được lựa chọn, giữ lại các đơn vị cần thiết và cổ phần hóa theo quy chế đối với DNNN và được xác định giá trị doanh nghiệp cùng với công ty mẹ. 2. Các đơn vị còn lại trước mắt cứ bàn giao về cho bộ, ngành để sắp xếp (như Tổng công ty Than Việt Nam đã bàn giao ba bệnh viện là Than Hòn Gai và Cẩm Phả cho Quảng Ninh và Bệnh viện Than nội địa về cho Hà Nội). Ông Hiền cũng cho rằng, việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa sẽ theo phương pháp tài sản. Trong thời gian thí điểm cổ phần hóa, Nhà nước sẽ không thu tiền sử dụng đất.

Bộ Tài chính: Khó khăn nhất là thay đổi tư duy

Trao đổi với người viết sáng 13-8-2014, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, cho biết đề án thí điểm trên, trong quí 3 này sẽ được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ. Ông Tiến nói, vấn đề khó khăn nhất đối với việc thí điểm là tư duy. “Khi thay đổi mô hình tức là phải thay đổi tư duy quản lý. Ở đây đều là những đơn vị cung cấp dịch vụ cho con người. Lao động trong các đơn vị đều là các chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học. Nếu thay đổi cơ chế, họ có thể thay đổi để trở thành nhà lãnh đạo được không? Do đó, khó nhất vẫn là chuyển tư duy từ làm chuyên môn sang làm kinh tế”, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp nói.

Còn đối với các vấn đề như cách thức xác định giá trị đất đai, giá trị thương hiệu… khi cổ phần hóa hay như lợi nhuận thặng dư sau cổ phần hóa… ông Tiến cho biết đều được để lại cho doanh nghiệp để đầu tư vào đội ngũ lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Luẩn quẩn cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

Báo chí đưa tin về việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Tài chính trình. Mục tiêu xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 43 là tạo lộ trình xóa bỏ bao cấp nhà nước qua giá, phí dịch vụ sự nghiệp công. Có gì mới, đột phá trong việc đổi mới cơ chế tài chính sau 12 năm áp dụng cơ chế tài chính quy định trong Nghị định 10 ban hành năm 2002?

Vì sao đến bây giờ lại đặt ra lộ trình và tính khả thi của lộ trình đó ra sao khi kỳ vọng đến năm 2018 sẽ xóa bỏ được bao cấp? 

Liệu lộ trình đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập có cùng điểm chung với lộ trình cổ phần hóa DNNN? Lộ trình cổ phần hóa DNNN bắt đầu từ năm 1992 mà đến nay sau 22 năm vẫn chưa rõ điểm đến cuối con đường mặc dù nó đã khoác một cái áo mới là tái cấu trúc DNNN. Đã có những lời kêu gọi thoạt nghe rất thuyết phục: cần có một thiết chế để “tạo sức ép” thực hiện việc tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp. Thực ra, không có sức ép nào ngoài sức ép đích thực của thị trường. Phải dứt khoát với các đơn vị sự nghiệp công lập, trừ một số lĩnh vực đặc thù Nhà nước phải tiếp tục chi phối: các đơn vị phải tự bơi mà tồn tại, nếu không sẽ chết đuối.

Đã đến lúc Nhà nước nên chấm dứt bao cấp sau 12 năm (Từ năm 2002 khi ban hành Nghị định 10) – một khoảng thời gian khá dài đủ cho các đơn vị công lập tập bơi. Nhà nước chỉ cần định giá dịch vụ công và mua chúng từ thị trường. Đơn vị nào cung cấp dịch vụ đạt chuẩn (do Nhà nước đặt ra và kiểm tra, kiểm soát) một cách kịp thời và có giá rẻ sẽ bán được dịch vụ, dù đó là đơn vị công lập hay dân doanh. Tất cả đều bình đẳng theo quy định của Hiến pháp 2013.

Trịnh Tiến Dũng

Mời đọc thêm

Để mọi người sống lương thiện

Nên mạnh tay tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công lập

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới