Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi cảm xúc được vỗ về!

Đặng Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Trải qua một quí 3 cùng nhiều nỗi vất vả, trong cuộc gặp gỡ trực tuyến mới đây(*), các nhà quản trị doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm vượt khủng hoảng ở đỉnh dịch Covid-19. Trong đó, quản trị con người, đặc biệt về phương diện cảm xúc, được chú trọng như một phương cách phát triển nội lực doanh nghiệp thích nghi hơn với thế giới phức tạp và đầy biến động hôm nay.

“Đêm lịch sử”: tháo ngòi cho “quả bom nổ chậm”

Câu chuyện về cái “đêm lịch sử” bắt đầu vào sản xuất “3 tại chỗ” (3T) ở Công ty New Toyo (100% vốn Singapore) được chính bà Tổng giám đốc Nhan Húc Quân kể lại như một minh chứng sống động cho tiến trình trưởng thành của cảm xúc trong khủng hoảng.

Cái đêm đầu tiên đó, số công nhân vào cuộc 3T giảm đáng kể do nhiều người đã từ chối tham gia, nhưng những khối cảm xúc thì nén chặt và… đầy khó chịu. Các cấp quản lý cũng mang cảm giác phải gánh một trách nhiệm quá nặng nề khi nguy cơ bùng dịch và bạo động trong hoàn cảnh sản xuất chưa từng có tiền lệ và chưa thể lường hết những rủi ro chẳng khác nào những “quả bom nổ chậm”.

Kết quả lượt test nhanh Covid-19 đêm đó lập tức có 1 F0, và hoang mang, sợ hãi. Rồi những tiếng xì xào, rồi hiệu ứng tâm lý đám đông, và máy móc… ngừng chạy! Với tư cách tổng giám đốc công ty, bà Quân lập tức triệu tập cuộc họp toàn thể lực lượng 3T ngay tại nhà ăn. Bà kể: “Tôi trực tiếp nói chuyện với người lao động. Ngoài những nội dung cần thông tin đến người lao động, thông điệp tôi muốn nhấn mạnh chính là: ban lãnh đạo công ty cam kết ở cùng với mọi người trong mọi thách thức cũng như rủi ro, và “chúng ta” sẽ cùng nhau giải quyết mọi vấn đề phát sinh”.

Doanh nghiệp học được nhiều bài học kinh nghiệm về chi phí cũng như về chăm sóc sức khỏe con người và sức khỏe doanh nghiệp để kiểm soát khủng hoảng tốt nhất có thể.

Theo lời bà Quân, sau cuộc đối thoại đó là một bầu không khí lắng đọng, không còn thấy lời xì xào, bàn tán, và tiếng động cơ dây chuyền sản xuất được bật lên. “Tôi ghi nhận ở thời khắc đó một thứ cảm xúc chấp nhận nơi người lao động: chấp nhận vừa chống dịch vừa thực thi trách nhiệm kinh tế. Tôi cho rằng sự chuyển hóa cảm xúc từ khó chịu sang chấp nhận đó là nhờ họ có lòng tin sau cuộc đối thoại cởi mở và chân thành cùng sự cam kết đồng hành của cấp lãnh đạo. Đó cũng là đêm trải nghiệm thật sống động của tôi trong việc củng cố và nâng đỡ tinh thần cho đội ngũ”, bà Quân chia sẻ.

Tuy vậy, chấp nhận không có nghĩa lúc nào cũng từ đó đi lên theo hướng tích cực. Bà Quân cho biết sau một tháng thì có thêm một số người tiếp tục xin rút khỏi sản xuất. Họ có những lý do riêng, hoặc đã tới giới hạn của sự mệt mỏi với 3T, với 5K, với lịch test liên tục và dày đặc đi cùng với những nỗi âu lo thường trực và một tâm lý căng thẳng.

Song, trải qua những nỗ lực liên tục của cả công ty, từ ban lãnh đạo tới người lao động, để bám sát từng ngày sản xuất, đến thời điểm này, khi quá trình 3T đã đi một chặng đường gần ba tháng tròn, đã ghi nhận hơn 40 ca F0 và vượt qua bao thử thách khác, New Toyo nhận thấy “sự trưởng thành của cảm xúc trong đội ngũ”. “Chúng tôi nhận ra năng lực nội tại và sức chống chọi mạnh mẽ của chính mình. Chúng tôi học được nhiều bài học kinh nghiệm về chi phí cũng như về chăm sóc sức khỏe con người và sức khỏe doanh nghiệp để kiểm soát khủng hoảng tốt nhất có thể”, bà Quân nói.

Để khỏe mạnh và hạnh phúc trong gian khó

Về câu chuyện 3T ở Constantia Việt Nam (công ty sản xuất màng bao bì dược phẩm), theo bà Nguyễn Phụng Trân, Tổng giám đốc, chỉ sau vài tuần kể từ khi nhập cuộc, ban giám đốc công ty đã thấy ngay việc cần phải chăm sóc đời sống tinh thần cho công nhân nhiều hơn.

“Trong hoàn cảnh lao động hết sức nhạy cảm và nhìn cách nào đó, nó chứa đầy sự tổn thương của con người, chúng tôi không tạo áp lực phải đạt đến những con số kết quả sản xuất kinh doanh, thay vào đó, xem đây là thời gian để quan tâm chia sẻ, chăm sóc và hỗ trợ từng cá nhân trong “guồng máy” sản xuất để cùng dìu nhau vượt qua thời kỳ gian khó. Chúng tôi quan niệm từng cá nhân được phục hồi thì tập thể sẽ hồi phục. Khi tổ chức hồi phục thì kết quả sản xuất kinh doanh sẽ quay trở lại sau đó”, bà Trân chia sẻ.

Do vậy, “cấu trúc” sinh hoạt 3T tại Constantia có một mục tiêu được gọi tên “Well Being” với nhiều hoạt động như chơi các môn thể thao: cầu lông, đá cầu, chuyền banh, đấu cờ tướng… vào các buổi tối hay cuối tuần; hoặc tổ chức xem phim chung; hoặc các sinh hoạt văn nghệ như ca hát, khiêu vũ, làm thơ…

Và chỉ sau sáu tuần với 3T, công ty đã có buổi tiệc tri ân người lao động. “Thông điệp tại sự kiện đó không chỉ là bày tỏ sự cảm kích, lòng biết ơn của công ty ở Việt Nam mà của cả tập đoàn mẹ ở nước ngoài, để người lao động thấy rằng sự hy sinh, những nỗ lực của họ giúp công ty duy trì sản xuất được ghi nhận một cách trân trọng”, bà Trân nói.

Cũng với mục tiêu nâng đỡ tinh thần người lao động trong những ngày thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng giám đốc Nhân tài và Văn hóa doanh nghiệp của Mekong Capital, kể câu chuyện “ấm áp mỗi ngày” tại Hoa Sen Việt (HSV) – công ty trong danh mục đầu tư của quỹ này và đang sở hữu chuỗi mỹ phẩm TheFaceShop.

Trong thời gian giãn cách, chuỗi TheFaceShop buộc phải đóng cửa. Họ đã quyết định dành thời gian này tập trung vào con người, hướng trọng tâm vào việc củng cố, phát triển nội lực doanh nghiệp. Không để đội ngũ xuống tinh thần, tất cả thành viên ban lãnh đạo HSV đều tham gia vào hoạt động “daily warm up” cùng với nhân viên.

Họ dành 30 phút mỗi ngày để chia sẻ với nhau những câu chuyện truyền cảm hứng, hoặc những chuyện trong ngày của chính nhân viên công ty. Họ liên tục đặt ra và trả lời những câu hỏi như: hôm qua bạn làm những gì, trải nghiệm việc đó như thế nào, qua đó học hỏi được điều gì…; và hôm nay bạn nhìn thấy cơ hội gì?… Rồi họ đưa ra những gợi ý, những yêu cầu nho nhỏ cần đạt tới (quick win) và cùng nhau trải nghiệm quá trình đó.

“Dưới con mắt của nhà đầu tư rót vốn, chúng tôi không khó để thấy việc giữ vững tinh thần cho đội ngũ giúp họ tiếp tục nảy sinh những sáng kiến ngay cả khi bị đóng cửa hoàn toàn. Như việc họ nghĩ ra chuyện “cài cắm” nhân sự vào từng block chung cư để điều tra thị trường, thậm chí cung cấp các mặt hàng hóa mỹ phẩm cho khách hàng có nhu cầu. Đó chỉ là một ví dụ.

Nhưng trên tất cả, chúng tôi nhận ra khi đội ngũ lao động vững tin vào cấp lãnh đạo, vào tương lai của công ty, họ sẽ nỗ lực cống hiến dù hoàn cảnh có khó khăn. Và chúng tôi tin họ vẫn có đủ tinh thần và năng lượng để quay lại thị trường ngay khi điều kiện khách quan bên ngoài cho phép”, bà Giang nói.

Lắng nghe, đồng hành và không phán xét

Tại Công ty Kết nối nhân tài – Talentnet, với nền tảng làm việc và cung cấp dịch vụ đã số hóa và nhiều phần tự động hóa, hoàn cảnh giãn cách tuy không khiến công ty ngưng làm việc ngày nào, nhưng khi 100% nhân viên làm việc tại nhà, nếp văn hóa chú trọng giao tiếp của công ty vẫn được duy trì với “Peaceful place”, nơi hàng ngày mọi người chat thăm hỏi nhau, không phân biệt cấp lãnh đạo, quản lý, hay nhân viên.

Theo ông Trần Ngọc Thích, Trưởng phòng Pháp chế của công ty, qua Peaceful Place, “ủy ban thường trực mùa dịch” của công ty kịp thời nắm bắt những khó khăn phát sinh, kể cả những tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân, không chỉ trong công việc mà cả những vướng mắc trong cuộc sống hay gia đình, để nhanh chóng có sự hỗ trợ.

Ngoài cam kết giữ việc làm và mức thu nhập của nhân viên, ban giám đốc có chuẩn bị những giỏ quà như một sự yểm trợ thiết thực về vật chất cũng như tinh thần gửi đến từng nhân viên trong mùa dịch. Công ty còn đưa ra chương trình cho vay không tính lãi, và một số nhân viên đã sử dụng kênh hỗ trợ này cho nhu cầu mua sắm các thiết bị điện tử cần thiết, đáp ứng việc học trực tuyến của con cái họ.

“Công ty cũng tổ chức nhiều sinh hoạt gắn kết, xoa dịu tinh thần nhân viên qua các bữa tiệc trực tuyến, thi nấu ăn, thi tìm hiểu những điển tích liên quan mùa Trung thu… Bên cạnh đó là việc chuẩn bị sẵn sàng các túi thuốc dành cho F0 Covid, kết nối sẵn một vài bệnh viện làm hậu phương cho những tình huống nhân viên hoặc người nhà của họ trở thành F0 hoặc khi cần khám chữa các loại bệnh lý khác giữa những rối ren thời đỉnh dịch…”, ông Thích cho biết.

Cũng theo ông Thích, tăng cường giao tiếp, quan tâm chăm sóc lẫn nhau là những nét văn hóa đáng tự hào của Talentnet, và chúng luôn được nhìn nhận là điều cần thiết trong việc gầy dựng nội lực. “Giờ đây, trong quản trị khủng hoảng, phương châm của những hoạt động như Peaceful Place không chỉ là lắng nghe, chia sẻ, đồng hành với những cảm xúc, mà một điều quan trọng được chú ý là không phán xét những cảm xúc đó. Có như vậy thì tâm tình mới dễ được chia sẻ và đón nhận sự đỡ nâng”, ông nói.

(*) Buổi trao đổi trên nền tảng Zoom về quản trị khủng hoảng do Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) và Mentally Fit Global tổ chức vào ngày 21-9-2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới