Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi con voi đã chui lọt lỗ kim

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tin tức về việc xem xét kỷ luật lãnh đạo một số cơ quan nhà nước có liên quan đến vụ tiêu cực trong bộ xét nghiệm Covid-19 tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á tuần qua có thể làm nhiều người nhớ lại tình cảnh cơ cực của công nhân tại các nhà máy sản xuất trong cao điểm đại dịch tấn công các tỉnh thành phía Nam năm ngoái.

Sở dĩ nói như vậy là vì lúc ấy nhiều công nhân phải hứng chịu “tai họa kép”: một mặt dịch bệnh gây sản xuất đình trệ, đe dọa trực tiếp sức khỏe của họ, mặt khác thu nhập giảm sút mà người công nhân phải gánh một loại chi phí “từ trên trời rơi xuống” từ trước đến giờ họ chưa hề biết nó là gì – chí phí xét nghiệm âm tính với Covid-19 để có thể tiếp tục làm việc.

Không chỉ công nhân phải trả tiền xét nghiệm rất cao so với thu nhập, các ông chủ cũng phải gánh một phần không nhỏ loại chi phí họ thấy cao một cách vô lý nhưng chẳng biết phải kêu với ai trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng chi phí xét nghiệm nằm trong số những mối lo lớn nhất khi duy trì và phục hồi sản xuất.

Gần đây, vụ tiêu cực tại Công ty Việt Á được đưa ra ánh sáng. Đến nay, mối quan hệ giữa vụ tiêu cực này và chí phí xét nghiệm quá cao tại thời điểm ban đầu của đỉnh dịch vào năm ngoái cần được làm rõ thêm.

Nhìn lại diễn biến sự việc tại Việt Á, dư luận không thể không đặt câu hỏi vì sao một công ty nhỏ tuổi đời, non tay nghề như thế lại được hợp tác để sản xuất bộ xét nghiệm, được giới thiệu đến các trung tâm phòng chống dịch bệnh để bán bộ xét nghiệm giữa lúc yêu cầu xét nghiệm đại trà được ban hành khiến các bộ xét nghiệm trở nên cần thiết như hơi thở. Nói như đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa với báo Tuổi Trẻ, “dư luận có quyền nghĩ về phía sau Công ty Việt Á phải có sự ‘chống lưng’”(1).

Việc xem xét kỷ luật các lãnh đạo liên quan dường như đang trả lời câu hỏi này. Dư luận mong chờ cơ quan chức năng làm rõ hơn cũng như đưa ra kết luận cụ thể về sai phạm của người liên quan đã tác động thế nào đến phúc lợi của người dân. Khi chúng ta nói không có vùng cấm nào trong xử lý sai phạm cũng có nghĩa là không có vùng cấm nào trong việc nêu rõ các sai phạm để công chúng biết tường tận hơn. Thực ra, đây cũng là một biện pháp tăng cường hiệu quả sự giám sát của người dân đối với quan chức nhà nước và các cơ quan công quyền.

Nhân chuyện này cũng xin bàn thêm một chút về những người đã được xác định có liên quan đến vụ tiêu cực Việt Á. Đành rằng tiêu cực không chừa một ngành nghề nào, không ngán một ai. Nhưng thật sự không thể hiểu nổi những người liên quan nghĩ gì mà lại làm điều sai trong khi đồng bào mình đang oằn mình chịu dịch, nhiều người phải ra đi mãi mãi; trong khi các đồng nghiệp mình đang hy sinh sức khỏe, thậm chí tính mạng, gồng mình chống dịch. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ. Vậy thì tại sao có người lại trục lơi trên sức khỏe của đồng bào mình và sự hy sinh của đồng nghiệp mình? Quốc gia không phải ở điều kiện bình thường mà đang bị dịch bệnh hoành hành. Trong tình cảnh đó, tiêu cực – nhất là ở “tầm vóc vĩ mô” – càng khó có thể biện minh.

Một khi quan chức càng cao “buông lỏng lãnh đạo”, thì hậu quả họ gây ra cho người dân, cho đất nước càng nghiêm trọng. Người ta thường nói: “Con voi không thể chui lọt lỗ kim”. Nhưng nếu con voi đã “chui lọt lỗ kim” tại một thời điểm nào đó vì một lý do nào đó, người dân muốn biết lý do đó là gì. Nêu rõ sai phạm kiểu này cho dân biết sẽ có tác dụng răn đe các vị lãnh đạo bớt “buông lỏng lãnh đạo”.

———————

(1)https://tuoitre.vn/vu-viet-a-sai-pham-vi-co-chong-lung-20220310015329692.htm

3 BÌNH LUẬN

  1. Ủy ban Kiểm tra TƯ đã hành động nhanh chóng, quyết liệt để đưa những tổ chức/ cá nhân ra kiểm điểm, xét xử. Tuy nhiên có một đánh giá chưa thấu đáo, khi nhận định về các vi phạm của các tổ chức và cá nhân này “…đã làm thiệt hại nghiêm trọng tiền và tài sản của nhà nước”. Còn thiếu một vế rất nghiêm trọng, đó là “gây ra tổn thất vô cùng lớn về tiền của, tinh thần, sức khỏe của người dân trong đại dịch Covid”. Đề nghị phải viết lại thông cáo của UBKT cho chính xác hơn.

    • Bổ sung thêm: Không gọi tên “đồng chí” trong văn bản, phát biểu… đối với những cá nhân vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, bị khai trừ ra khỏi đảng.

  2. Cũng cần công bố độ chính xác của bộ kít xét nghiệm này nữa. Ví dụ trường hợp âm tính nhưng xét nghiệm cho kết quả dương tính dẫn đến phải cách ly tập trung rồi bị lây bệnh; hoặc trường hợp bị dương tính nhưng xét nghiệm lại cho âm tính dẫn đến việc cứu chữa trễ.. Các trường hợp nêu trên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đến tính mạng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới