Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi dân cần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi dân cần

Quỳnh Thư

(KTSG Online) – Kết cục của chuyện thật ngoài đời này không khác gì chuyện cổ tích khi cuối cùng người thiện gặp may, kẻ ác trả giá. Chiều thứ Hai tuần này, ngày 16-5, một tài xế taxi ở Hà Nội bị đâm bằng dao để cướp tài sản. Dù bị thương, người tài xế dũng cảm chống trả. May mắn thay, tên cướp bị khống chế trước khi bị công an đưa đi.

Câu chuyện chưa chắc kết thúc có hậu như thế nếu không có một “anh hùng giữa đời thường” xuất hiện vào phút cuối giúp người tài xế khuất phục được tên cướp nguy hiểm đang bị truy nã trước đó vì tội giết người. Đã bị thương và mất nhiều máu, người tài xế không biết số phận mình sẽ ra sao nếu người ân không có mặt ngay lúc đó.

Nhưng chỉ có mặt ở hiện trường thôi không đủ mà phải dũng cảm ra tay. Sở dĩ nói như vậy là vì lúc đó không chỉ có mỗi người tài xế tội nghiệp vật nhau giành mạng sống với tên cướp. Theo tường thuật của báo chí sau vụ cướp xảy ra, còn có đến bốn, năm người chứng kiến. Tuy nhiên, họ chỉ đứng nhìn hay… quay phim bằng điện thoại mà không màng can thiệp. Đáng nói hơn, trong số những người “bàng quan tọa thị” này, có mặt một đại úy công an.

Dĩ nhiên, theo lời truyền thông, cơ quan chức năng đã thi hành kỷ luật ngay đối với ông đại úy công an đó. Nghe nói ông ấy, đang là công an xã, đã nhận cảnh cáo và bị chuyển về một đơn vị của công an huyện. Không biết kỷ luật sẽ nặng đến đâu, nhưng nếu chỉ ngừng ngang đây thì có vẻ như ông này… được thăng chức hơn là bị kỷ luật. Vì thế, một số người bức xúc đã đăng đàn trên mạng đòi chấm dứt sự hiện diện của ông đại úy trong ngành công an vì cho rằng ông không còn xứng đáng, quá bàng quan trong lúc người dân cần ông nhất.

Đây không phải là một đòi hỏi không có lý. Chắc nhiều người vẫn còn nhớ lời khuyên của những người có trách nhiệm trong ngành công an đối với người dân khi gặp cướp có vũ trang, theo đó, người dân được khuyên là nên tránh những hành động có thể gây thương tích cho mình. Trong trường hợp của người tài xế taxi nói trên, anh đã bị tên cướp tấn công trước và gây thương tích. Có thể nói, những gì diễn ra tiếp theo là hành động tự vệ chính đáng của anh khi tính mạng bị đe dọa, nghĩa là anh đã bị tên cướp dồn vào đường cùng. Thế mà, chứng kiến cảnh một người dân bị thương phải vật nhau với tên cướp để giành sự sống, một người đại diện pháp luật chỉ thản nhiên đứng nhìn. Không biết còn có lý do gì có thể biện minh cho thái độ bàng quan này.

Đây chỉ là một trường hợp cá biệt vì tuyệt đại đa số các chiến sĩ công an không hành động như thế. Đã có nhiều tấm gương anh hùng trong ngành xả thân bảo vệ người dân. Tuy nhiên, người dân sẽ cảm thấy bất bình nếu ông đại úy không được xử lý đến nơi đến chốn. Được biết, cảnh cáo chỉ là bước đầu tiên trước khi các hình thức kỷ luật khác có thể được tiếp tục đưa ra. Hãy chờ xem!

Một người đại diện cho cơ quan công quyền thờ ơ trước nhu cầu bức thiết của người dân, ở đây là nhu cầu tối cần thiết vì liên quan đến sinh mạng của họ. Điều này hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, chuyện quan chức thờ ơ trước nhu cầu của người dân, lắm khi cũng rất bức thiết, không hề hiếm.

Ví dụ thì có nhiều. Chẳng hạn, có những cây cầu, con đường xây mãi mươi, mười lăm năm vẫn chưa xong. Đi xa tí, bụi tí chết được ai? Ừ thì đúng là không chết ngay được, nhưng chuyện xảy ra không phải một ngày, một buổi mà đến mấy chục ngàn ngày. Bụi tích tụ dần trong phổi, ngộ nhỡ ung thư thì chưa chết già đã chết bệnh. Cũng có những cầu treo, cầu phao ở vùng sâu, vùng xa, dân chờ mãi vẫn chẳng thấy cải thiện gì. Không quá hiếm những trường hợp học sinh phải lội sông, lội suối, lội bùn đi học và cũng đã có trường hợp bị nước cuốn đi mất. Ai đã chịu trách nhiệm cho các trường hợp này?

Cũng không hiếm chuyện “dân cần, quan chưa vội” khác. Chẳng hạn, chuyện sổ đỏ cho dân. Có cuốn sổ (gọi là “cuốn sổ” cho oai, chứ thực ra giống một miếng bìa hơn, miếng bìa giá trị) thai nghén 10 năm chưa ra đời. Có người nói mỉa: “Sổ đỏ đã biến thành… sổ đen vì bấy lâu nay vẫn không đến được tay chủ”. Chẳng vậy mà người thủ đô có một câu vè nổi tiếng “Hà Nội không vội được đâu!”.

Vì sao có tình trạng này? Chúng ta thường nói “lấy dân làm gốc”. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện nguyên tắc này nhiều khi đã bị “biến dạng”. Một trong những lý do dẫn đến sự “biến dạng” này, theo người viết, là do quan chức không đáp ứng hay chậm trễ thực hiện các yêu cầu chính đáng của người dân không bị xử lý hay xử lý quá nhẹ, không có tác dụng răn đe.

Để khắc phục tình trạng cơ quan công quyền chậm trễ giải quyết các yêu cầu về thủ tục hành chính cho người dân, chính quyền trung ương đã đưa ra các khung thời gian rất rõ ràng về thời hạn phải trả lời hay trả lại kết quả việc xử lý các loại giấy tờ cần thiết cho người dân, thông thường là sau bao nhiêu ngày làm việc. Tuy nhiên, đã có cơ quan chức năng nào kiểm tra việc tuân thủ các “thời hạn chót” này chưa? Nếu có, bao nhiêu trường hợp vi phạm đã được công khai và bao nhiêu người liên quan được xử lý?

Khi dân cần, quan phải vội!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới