Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi đô la tăng giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi đô la tăng giá

Dù có nhiều chương trình khuyến mại và giảm giá, sức mua hàng điện máy vẫn có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Ảnh: Tuấn Linh

(TBVTSG) – Chưa bao giờ thị trường hàng điện máy, CNTT lại trong cảnh “chợ chiều” như hiện nay. Tình hình lạm phát, đô la Mỹ tăng giá đã làm cho các siêu thị vốn đã vắng khách, giờ càng vắng hơn.

Các siêu thị dù đã mở hết công suất “khuyến mại, giảm giá” nhưng doanh thu vẫn không tăng bao nhiêu…  

Người xem nhiều hơn mua

Bà Đặng Thanh Hương, Trưởng phòng tiếp thị của Siêu thị Máy tính Phong Vũ, than thở: “Từ khi giá đô la Mỹ vượt qua ngưỡng 17.000 đồng, lượng khách mua hàng đã giảm đáng kể”.

Nhiều khách hàng cho biết việc họ đến các siêu thị máy tính, các cửa hàng chuyên bán hàng công nghệ thông tin tại khu phố Bùi Thị Xuân-Tôn Thất Tùng như là một thói quen. Đến chỉ để nhìn ngắm những thiết bị, công nghệ mới được bày bán tại đây. Trước đây, hễ có hàng mới là mua, còn bây giờ phải “khảo sát” kỹ mới mua. Trừ một bộ phận còn rủng rỉnh tiền, ít đắn đo khi mua hàng, còn phần lớn chỉ mua khi không thể không mua.

Hai cô sinh viên của trường Đại học Hồng Bàng đang tham quan các dòng máy tính bày bán tại một siêu thị bán lẻ của Thế giới Di động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Sau một hồi lựa chọn, họ quyết định mua một chiếc máy tính có giá rẻ nhất của Acer: Acer Aspire 4315, giá 499 đô la Mỹ.

Một cô cho biết: “Ban đầu tính mỗi đứa mua một máy nhưng thấy tình hình này nên bọn em quyết định mua một chiếc để học chung”. Hỏi chuyện thêm hai cô sinh viên này mới biết, họ đi làm thêm nên có đồng ra đồng vào nhưng thời trượt giá này, chẳng thấm vào đâu.

Thời điểm kinh doanh khó khăn

Cần phân biệt giá cao và tăng giá. Với thị trường Việt Nam, có thể giá ban đầu của một sản phẩm có thể cao hơn giá ở các thị trường khác từ 10-15% nhưng sau 3-6 tháng, giá sẽ giảm dần và giảm cho đến khi vòng đời của sản phẩm đó kết thúc.

Tính từ khi ra đời cho đến khi kết thúc chu kỳ vòng đời sản phẩm, tỷ lệ hạ giá nhiều loại điện thoại có khi lên tới 50% so với giá khởi điểm. Nhưng trong tuần qua, lần đầu tiên trên thị trường Việt Nam giá điện thoại di động đã tăng từ 5-10% cho nhiều dòng máy.

Nokia Sapphire Arte 8800 giá của ngày 27-5 là 23,679 triệu đồng, đến ngày 6-6 là 23,989 triệu đồng. Nokia E90, giá ngày 27.5 là 13,3 triệu đồng, nay đã tăng lên 14,19 triệu đồng. Sony Ericsson W200i giá cũ là 1,99 triệu đồng, đã tăng lên 2,199 triệu đồng. Chỉ có những dòng máy thuộc phân khúc giá rẻ (dưới 1 triệu đồng) là không có biến động về giá.

Các chủ hệ thống bán lẻ điện thoại di động lớn như Viễn Thông A, Thế giới Di động… cho biết, giá tăng là do đô la Mỹ tăng giá mạnh trong thời gian qua, buộc các nhà phân phối chính hãng (được sự đồng ý của các hãng) phải tăng giá theo đúng tỷ lệ tăng của đô la Mỹ.

Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh của siêu thị Thế giới Di động, cho biết nhà bán lẻ dù đã mua hàng với giá mới (đã tăng) nhưng vì yếu tố cạnh tranh nên chưa vội tăng giá. Tuy nhiên, sức chịu đựng của các nhà bán lẻ có hạn, nhiều hệ thống lớn đã cùng tăng giá những dòng sản phẩm mà nhà phân phối tăng giá. “Trong tình hình sức mua kém, tăng giá là giải pháp hạ sách nhưng chúng tôi buộc phải chấp nhận.”

Cùng trong xu hướng tăng giá, dù đi kèm những chương trình khuyến mại, hàng điện máy cũng đang rục rịch tăng giá kể từ ngày 20-6 sắp tới. Ông Liên An Thạch, Giám đốc bán hàng Siêu thị Điện máy Chợ Lớn, cho biết việc tăng giá hiện nay là điều nằm ngoài kế hoạch của các nhà phân phối và các nhà bán lẻ. Nhưng tiền đồng Việt Nam trượt giá quá nhanh đã làm giá những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh, ít nhất là 10%. Do đó, sắp tới giá các mặt hàng điện máy chắc chắn cũng sẽ tăng.

Người đại diện kinh doanh của hãng Panasonic nói rằng, nhà sản xuất, nhà phân phối và đại lý bán lẻ hiện đang đứng trước nhiều áp lực và nếu tăng giá sẽ khó bán được hàng trong giai đoạn sức mua quá yếu. Được biết, nhóm hàng điện máy tăng giá lần này chủ yếu rơi vào hàng nhập khẩu như các sản phẩm nghe nhìn, đồ nhà bếp, tủ lạnh, máy giặt của hãng Panasonic, Sanyo, Hitachi…

Điều lo ngại của các siêu thị hiện nay là có cơ sở khi ta quan sát trên thị trường mua sắm các mặt hàng điện máy trong tháng Năm: đã có sự giảm sút đáng kể về số lượng khách hàng lẫn doanh thu.

Cũng như những mặt hàng kỹ thuật số, doanh số của mặt hàng điện máy đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Một chuyên gia phân tích: “Nếu tính mức giá của các sản phẩm điện máy hiện nay đối chiếu với tỷ giá đồng đô la Mỹ và với giá năm ngoái, doanh số và tỷ lệ lãi năm nay giảm trên 40%.”

“Dù có nhiều chương trình khuyến mại nhưng lượng khách đến tham quan và mua sắm hiện nay rất thấp,” giám đốc kinh doanh của một siêu thị điện máy cho biết. Vị giám đốc này cũng thừa nhận đây là thời điểm kinh doanh khó khăn nhất của những nhà bán lẻ điện máy.

BẢO LỘC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới