Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi doanh nghiệp khát vốn nhưng không dám đi vay…

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đang có tình trạng các doanh nghiệp dù đang thiếu vốn nhưng lại ngại vay vốn. Thậm chí, có những doanh nghiệp được duyệt các khoản vay hỗ trợ, ưu đãi với lãi suất thấp nhưng lại xin trả lại vốn vay…

Doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đang khát vốn nhưng lại không dám vay vì cho rằng lãi suất còn cao và đồng vốn vay hiện nay khó sử dụng hiệu quả. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Không dám vay vì khó sử dụng vốn hiệu quả

Còn nhớ vào những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để xoay xở kinh doanh dù lãi suất cao. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang có chiều hướng ngược lại. Việc tiếp cận vốn ở các ngân hàng thuận lợi và lãi suất thấp hơn nhưng doanh nghiệp không mặn mà bởi không biết sẽ sử dụng vốn vay vào đâu cho hiệu quả.

Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, so với các lĩnh vực thâm dụng lao động như đồ gỗ, dệt may, da giày,… hoạt động của doanh nghiệp lương thực, thực phẩm được đánh giá là ít bị sụt giảm hơn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Bidrico kiêm Phó Chủ tịch Hội lương thực – thực phẩm TPHCM (FFA), cho rằng dù nằm trong nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nhưng ngành lương thực thực phẩm vẫn không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ lạm phát, xung đột quân sự kéo dài ở một số khu vực trên thế giới.

Tại buổi họp báo giới thiệu chương trình triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TPHCM lần thứ 2 (HCMC FOODEX 2023) ngày 19-5 vừa qua, ông Hiến cho rằng xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.

Ở thị trường nội địa, doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kết nối xúc tiến thương mại nhưng sức mua vẫn còn yếu.

HCMC FOODEX 2023 lần 2 diễn ra từ ngày 28 đến 30-6 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) dự kiến có gần 300 gian hàng của hơn 200 đơn vị trong nước và quốc tế. FOODEX 2023 là hoạt động kết nối giao thương B2B giữa doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm với nhà mua hàng quốc tế; các đơn vị phân phối, siêu thị hiện đại và kênh thương mại điện tử.

Đặc biệt, xuyên suốt triển lãm diễn ra các hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam được các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực nổi tiếng thực hiện. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan đến nhu cầu vốn, theo người đại diện của FFA, sau dịch bệnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng làm cho giá nguyên liệu tăng rất cao, mức tăng bình quân lên đến khoảng 25% tùy ngành nghề. Sau đó, các yếu tố như xăng dầu, vận chuyển giảm nên mức tăng trở về ở mức 12%-13%. Trong bối cảnh giá thành sản phẩm tăng, nhu cầu vốn trong doanh nghiệp tăng cao nhất là những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nhưng giai đoạn này lãi suất cao, doanh nghiệp tiếp cận khó khăn.

Vừa qua ngân hàng thương mại có giảm lãi vay là một bước hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng hiện nay quy mô sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp có xu hướng giảm nên nhu cầu vay vốn giảm. “Trải qua một giai đoạn doanh nghiệp trụ không nổi nữa thì nhu cầu vốn cũng giảm đi”, ông Hiến phân tích, và nói: “Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng rất thực tế”.

Mặt khác, cầu thị trường sụt giảm mạnh do vừa trải qua giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh, rồi đến lạm phát toàn cầu ập đến nên lãi suất quanh mức 10%/năm như hiện nay, doanh nghiệp không thể nào phục hồi và tái đầu tư, sản xuất được…

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành chỉ ở mức 10 – 12% sau khi trừ lãi suất vay ngân hàng khiến cho doanh nghiệp không thể nào tái sản xuất. Bà Chi cho rằng việc hạ mặt bằng lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện tại nhưng cũng khó làm ăn có lãi.

Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), với mức lãi suất cao hiện nay thì doanh nghiệp không làm nổi. “Vốn tín dụng đang là một nút thắt đối với các doanh nghiệp làm nông nghiệp, trong đó có ngành cà phê và cần sớm giảm lãi suất, cần chính sách tín dụng để hỗ trợ nông nghiệp phát triển”, ông Hiệp nói.

Chia sẻ với KTSG Online, các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề cho biết lãi suất họ vẫn còn hạn mức tín dụng nhưng không dám vay thêm. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ mong mỏi được ngân hàng giảm thêm lãi suất không cần tăng hạn mức tín dụng.

Lo khả năng hấp thụ vốn yếu…

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Diễn đàn Kinh tế TPHCM gần đây, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho rằng tình hình kinh tế đang thay đổi quá nhanh. Doanh nghiệp không xuất hàng được, cầu cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp, doanh nghiệp rất khó khăn.

Theo người đứng đầu HUBA, tâm trạng chung của doanh nghiệp là cầm cự, giữ đơn hàng… Một số doanh nghiệp còn phải bán bớt tài sản để trả nợ khi đáo hạn, nếu không muốn xếp vào nhóm nợ xấu, bị mất uy tín trong vấn đề thanh toán.

Ông Chủ tịch HUBA cũng lưu ý rằng từ cuối năm ngoái và đầu năm nay, doanh nghiệp còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên tình hình hiện nay thì có chiều hướng ngược lại, việc tiếp cận vốn không khó nhưng doanh nghiệp không biết nên làm gì cho hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay tiền.

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề sản xuất khó khăn do ảnh hưởng chung kinh tế toàn cầu và sụt giảm tiêu dùng trong nước. Ảnh minh họa: TL

Ở chiều ngược lại, ngân hàng cũng rất cần bơm vốn ra nền kinh tế, nếu ôm tiền nhiều sẽ mắc kẹt. Ngân hàng buộc phải hạ lãi suất xuống nữa. “Khoảng 50% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn. Họ thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng… Nhiều doanh nghiệp giảm lượng lao động, hoặc giảm giờ làm”, ông Hòa chia sẻ thêm.

Khó khăn trên của doanh nghiệp cũng được lãnh đạo TPHCM nêu tại “Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ” diễn ra vào tuần rồi. Nói về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cho biết qua nhiều lần làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho đến hiện tại, thành phố ghi nhận 5 vấn đề mà hiệp hội phản ánh.

Đáng chú ý trong những vấn đề này thì có đến 50% số doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng do không có đơn hàng. Trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu vốn lưu động để giải quyết nhu cầu thanh toán ngắn hạn tạo tính thanh khoản. Đối với lĩnh vực bất động sản, người mua ngại vay và mong muốn có chính sách ưu đãi cho người mua nhà để yên tâm,…

Trên thực tế trong bối cảnh cầu thị trường thế giới và trong nước sụt giảm mạnh hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng dù lãi suất vay đã điều chỉnh giảm nhưng vẫn còn quá cao, khó có thể vay và đạt hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

Bà Lý Kim Chi kiến nghị NHNN giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% trong tháng 5 này để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi vay về 7-8%/năm. “Với mức lãi suất cho vay quanh 10%/năm, doanh nghiệp khó có thể phục hồi”, bà Chi lưu ý. Đồng thời, doanh nghiệp mong ngân hàng xây dựng gói tín dụng ưu đãi đơn giản về mặt thủ tục, nhất là doanh nghiệp thuộc nông lâm thủy sản để tín dụng đi vào thực tế, tăng tốc thị trường trong và ngoài nước.

Do lãi suất ngân hàng còn neo cao nên phần lớn doanh nghiệp chia sẻ rằng họ hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay. Trong khi đó, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường…

Tương tự, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, sau cơn đại dịch hoành hành và bào mòn đến giờ dường như doanh nghiệp đã bị đuối sức. Tình hình năm nay cho thấy quá khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh, lạm phát các nước tăng cao. “Với lãi suất ngân hàng neo cao thì rất khó để doanh nghiệp dám vay đầu tư, kinh doanh” ông Nghĩa nói.

Một kiến nghị khác mà nhiều doanh nghiệp quan tâm là NHNN nên có quy định về đánh giá lại bất động sản làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Đối với những khoản vay cũ, ngân hàng thực hiện đánh giá lại tài sản là bất động sản, trong khi giá bất động sản thời gian qua liên tục giảm. Ngân hàng đánh giá lại tài sản, giảm bớt giá trị khoản vay, điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Trước những kiến nghị của các đại biểu, tại hội nghị bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, cho biết mong muốn giải quyết được các kiến nghị từ doanh nghiệp và người dân. Thời gian tới, NHNN sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành. NHNN cũng đã chỉ đạo các NH đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 5-2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu, tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu. Bản báo cáo cho thấy, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh, nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng ước tính đã giảm xuống 9,2% (so với cùng kỳ) vào tháng 4-2023, từ mức 9,9% (so với cùng kỳ) vào tháng 3 và 12,2% (so với cùng kỳ) vào tháng 2, mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Đáng lưu ý là tín dụng chững lại bất chấp việc nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3 và thanh khoản thị trường dồi dào, phản ánh khả năng hấp thụ yếu của nền kinh tế…

Và chuyện doanh nghiệp trả lại khoản vay ưu đãi

Ở một khía cạnh khác về tín dụng đó là có tình trạng một số doanh nghiệp đã được duyệt khoản vay với lãi suất ưu đãi nhưng lại không muốn nhận. Tại Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ, Chủ tịch UBND TPHCM nêu, dù thiếu vốn nhưng doanh nghiệp ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi do nhu cầu tín dụng, một mặt ngại các vấn đề liên quan đến cơ quan chức năng.

Ảnh minh họa: TL

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện rất lớn. Tuy nhiên doanh nghiệp ngại khi tham gia gói ưu đãi 2% lãi suất vì sẽ phải làm việc nhiều với các đoàn thanh tra, kiểm toán… Đến hết quí 1 vừa qua, trên địa bàn Đồng Nai có 59 doanh nghiệp được vay tổng cộng hơn 1.400 tỉ đồng. Theo bà Hoàng, kết quả này chưa tương xứng với thực tế và không đạt kỳ vọng đề ra.

Ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cũng cho biết các doanh nghiệp cân nhắc giữa lợi ích của gói ưu đãi và các chi phí phải bỏ ra để được nhận gói ưu đãi này. Chính vì thế mà đến nay, toàn tỉnh chỉ giải ngân được 677 tỉ đồng theo gói này.

Tình trạng trên không chỉ xảy ra với doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ. Trên thực tế có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, lo ngại cơ quan Nhà nước thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất… vì vậy một số doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ lãi suất nhưng chủ động hoàn trả ngân hàng số tiền lãi được hỗ trợ.

Liên quan vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng hồi đầu tháng nay cũng gửi đại biểu Quốc hội báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62 năm 2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (tháng 6-2022). Lý giải việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng chỉ đạt 0,82%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều nguyên nhân.

Đến cuối tháng 3, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt 327 tỉ đồng cho gần 1.900 khách hàng, tương đương khoảng 0,82% tổng nguồn lực khoảng 40.000 tỉ đồng đã được Quốc hội quyết định. Số dự kiến không sử dụng hết là 37.430 tỉ đồng. Trong đó, năm 2022 là 15.900 tỉ đồng, năm 2023 là 21.530 tỉ đồng.

Theo báo Thanh Niên Online, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số đối tượng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do lo ngại thanh tra, kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp. Khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý, vì lúc đó số tiền này đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông.

“Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ lãi suất”, Thanh Niên Online trích báo cáo.

Trong một báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội hồi cuối tháng 4 vừa qua, Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 cho thấy có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay hỗ trợ lãi suất. Trong đó, khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính.

Về cơ chế chính sách, ngân hàng thương mại và khách hàng gặp khó khăn trong đánh giá tiêu chí “có khả năng phục hồi” để hưởng gói hỗ trợ. Khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như: doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng) vì các đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện nay.

Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách…

“Triển vọng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoài. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn”, WB khuyến cáo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới