Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi doanh nghiệp ‘thất thủ’ trước thế trận của cổ đông lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi doanh nghiệp ‘thất thủ’ trước thế trận của cổ đông lớn

V. Dũng

(TBKTSG Online) – Xung đột giữa Coteccons và Kusto ngày một leo thang trong thời gian gần đây cho thấy ranh giới mong manh giữa hai khái niệm đối tác và đối đầu giữa các bên trong một tổ chức, doanh nghiệp. Vấn đề này không chỉ giới hạn trong câu chuyện riêng của Coteccons mà được nhìn nhận tổng quan hơn về lỗ hổng quản trị thường thấy ở các doanh nghiệp Việt.

Thế 'cưỡi lưng hổ' của Coteccons trước kỳ đại hội

Thêm cổ đông ngoại lên tiếng về cuộc chiến 'vương quyền' ở Coteccons

Kusto: 'Chúng tôi không có ý định thâu tóm Coteccons’

Trường hợp mâu thuẫn tương tự như của Coteccons và Kusto không phải là hiếm trên thương trường Việt Nam. Trước đây Sacombank, Eximbank, Bibica, Vinaconex… cũng từng gặp phải vấn đề tiêu cực hay thậm chí một số trong đó bị lật đổ bởi cổ đông lớn. Điều này cho thấy, doanh nghiệp nội địa ngày một bị ảnh hưởng trước sức ép của đối tác chiến lược.

Khi doanh nghiệp 'thất thủ' trước thế trận của cổ đông lớn
Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối sang chủ sở hữu tư nhân, các cổ đông lớn của Vinaconex liên tiếp có những bất đồng quan điểm, thậm chí khiếu kiện ra toà án khiến Đại hội đồng cổ đông bị trì hoãn. Đại hội vào ngày 28-6-2019 của Vinaconex thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN

Bắt tay một đối tác, đối đầu cả liên minh

Việc từ đối tác chuyển sang đối đầu trực diện giữa Coteccons và Kusto đã diễn ra từ 2 năm trước và xung đột được đẩy lên cao trào trước mỗi kỳ đại hội cổ đông (ĐHCĐ). Nội hàm của câu chuyện mâu thuẫn phần nào được truyền thông và giới tài chính giải mã trong thời gian qua. Tuy nhiên việc một cổ đông lớn khác là The8th Pte. Ltd bất ngờ nhảy vào gia tăng sức ép lên hội  đồng quản trị (HĐQT) thì nghi vấn về một liên minh lại được khơi lên.

Theo cổng thông tin chính phủ của Singapore, The8th được thành lập giữa tháng 6-2019 và đặt văn phòng tại Singapore. Đến tháng 8-2019, trong văn bản gửi sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, The8th cho biết đã mua hơn 7,82 triệu cổ phiếu CTD của Coteccons, nâng sở hữu từ 0,54% lên 10,8% vào ngày 6-8-2019 (hai tuần trước báo cáo kết quả giao dịch), qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

The8th cũng đã có văn bản yêu cầu bổ sung một số nội dung vào chương trình đại hội cổ đông thường niên của Coteccons vào ngày 30-6 tới, đồng thời có những cáo buộc doanh nghiệp tương tự như Kusto. Trong thông cáo phát đi, Kusto khẳng định rằng họ không hề có ý định thâu tóm Coteccons.

Nói về cổ đông lớn này, lãnh đạo Coteccons cho biết mặc dù sở hữu lượng lớn cổ phần nhưng The8th chưa có cuộc tiếp xúc nào trước đó với hội đồng quản trị và ban điều hành về hoạt động cũng như chiến lược kinh doanh của công ty. Với một doanh nghiệp mới thành lập và ngay sau đó trở thành cổ đông lớn của Coteccons có lẽ họ mang một sứ mệnh đặc biệt của riêng mình.

Câu chuyện khơi gợi lại thương vụ thâu tóm Sacombank năm 2012, một trường hợp doanh nghiệp chống lại liên minh kinh điển nhất trong 10 năm trở lại đây. Thời điểm đó, giới tài chính cho rằng Sacombank là đích đến lợi ích của Ngân hàng Phương Nam (Southen Bank) mà ý chí chủ quan là của Chủ tịch HĐQT Trầm Bê.

Để hậu thuẫn cho Southen Bank là cả một liên minh cổ đông lớn gồm Eximbank, ACB và một số nhân vật tiếng tăm trong lĩnh vực tài chính thông qua việc nhận sang tay cổ phần Sacombank từ các cổ đông lớn khác. Tuy nhiên chốt lại, Eximbank là đơn vị đại diện thực hiện việc tiếp quản Sacombank sau khi nhóm cổ đông lớn “vây ráp” thành công nhà băng này. Còn câu chuyện sau đó đã thuộc về lịch sử với thế trận trong tay đại gia Trầm Bê cho đến ngày vướng vào lao lý.

Không nhắc đến việc thâu tóm như các nhóm cổ đông lớn trên, nhưng câu chuyện của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) lại bị đặt vấn đề về thâu tóm quyền lực và rút ruột sau khi nhóm cổ đông đến từ công ty An Quý Hưng có được số ghế cần thiết trong HĐQT. Cụ thể, những động thái phá trần thu chi của HĐQT mới khiến nhiều cổ đông lo ngại doanh nghiệp đối diện với rủi ro tài chính.

Tại ĐHCĐ 2019, nhóm cổ đông Star Invest sở hữu 7,57% vốn điều lệ của Vinaconex đã đề nghị ban tổ chức bổ sung vào chương trình việc sửa đổi quy chế hoạt động của HĐQT và quy chế tài chính của tổng công ty. Hiện chủ tịch HĐQT được quyết định các giao dịch lên tới khoảng 950 tỉ đồng và tổng giám đốc được quyết định tới khoảng 475 tỉ đồng.

Các cổ đông này cho rằng điều này là không hợp lý và mang tính rủi ro, trong khi trước đây khi cổ đông lớn còn là SCIC và Viettel, quyền quyết định chỉ tới 15 tỉ đồng.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, ông và tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông đại diện một nhóm nhà đầu tư đã bỏ 7.400 tỉ đồng vào Vinaconex. Số tiền này là "khoản đảm bảo" nên chủ tịch có ký tới 1.000 tỉ đồng cũng không xem là rủi ro.

"Tôi và ông Đông là đại diện của An Quý Hưng, nhưng sau chúng tôi còn nhiều người nữa", ông Thanh nói nhưng không tiết lộ nhóm nào đứng sau vụ thâu tóm Vinaconex do đó là "vấn đề riêng tư".

Lỗ hổng quản trị xuất hiện, sức ép càng gia tăng

Cổ đông lớn tạo xung đột, ngoại trừ ý chí chủ quan về thâu tóm thì họ vẫn có nhiều lý do chính đáng để gây sức ép. Trong đó nổi cộm nhất vẫn là vấn đề quản trị doanh nghiệp các nguyên tắc đã không được tuân thủ triệt để hơn hết vẫn là vấn đề minh bạch. Tuy nhiên, áp lực từ cổ đông lớn ngày một nhiều hơn khiến việc ra quyết định của HĐQT có phần bị động.

Chưa thoát khỏi ánh mắt dò xét của Kusto trong cuộc chiến cới Coteccons nhưng mới đây Ricons lại nhận thêm sức ép từ một cổ đông lớn Dragon Capital về việc niêm yết. Tại ĐHCĐ vừa qua cổ đông lớn Dragon Capital đã có sự phản ứng khá mạnh với Ban lãnh đạo công ty về tình hình chậm triển khai việc đưa cổ phiếu Ricons lên sàn chứng khoán.

Theo ông Lê Miên Thụy, Tổng giám đốc Ricons cho biết, HĐQT công ty muốn chờ thời điểm tốt để lên sàn, khi cả thị trường hừng hực hứng khởi chứ không phải khi vẫn còn dịch bệnh…. Theo đó, HĐQT sẽ xem xét trong năm nay hoặc sang năm.

Tuy nhiên, thông tin trên ngay lập tức bị cổ đông lớn cho là không hợp lý. "Ban lãnh đạo công ty nghĩ rằng niêm yết để bán cổ phiếu hoặc chờ cơ hội nhưng theo quan điểm cá nhân thì niêm yết là định hướng mới, không chỉ là cơ hội", ông Vũ Hữu Điền, đại diện quỹ Dragon Capital nói.

Lo ngại thời gian niêm yết tiếp tục bị kéo dài như những gì diễn ra trong hai năm vừa qua, đại diện quĩ Dragon Capital cũng nhắc lại cam kết của ban lãnh đạo Ricons khi huy động vốn, là thực hiện niêm yết sau 15 – 18 tháng, chậm nhất vào 2019.

"Khi đó, Dragon Capital mua cổ phần với giá 107.000 đồng/cổ phiếu, tạo nguồn thặng dư khổng lồ của Ricons và sức mạnh tài chính qua Covid-19. Nếu không có nguồn vốn này thì Ricons cũng phải đi vay ngân hàng. Ricons phải có trách nhiệm với cổ đông và lời hứa khi huy động vốn", đại diện Dragon Capital nêu rõ.

Trong khi đó, câu chuyện lùm xùm ở thượng tầng của Eximbank bắt đầu từ việc tranh đoạt quyền kiểm soát của các nhóm cổ đông lớn sau khi lỗ hổng quản trị từ nhiệm kỳ trước lộ ra.

Trái với những ngân hàng khác luôn có một nhóm chủ đạo nắm cổ phần chi phối, quá trình tăng vốn mạnh mẽ cùng việc niêm yết chứng khoán từ năm 2009 biến Eximbank trở thành ngân hàng có cơ cấu cổ đông đa dạng bậc nhất. Vậy nên xung đột nảy sinh liên tục, cuộc chiến trong các kỳ ĐHCĐ giữa các nhóm cổ đông của ngân hàng này là đương nhiên và còn là câu chuyện trường kỳ. Cơ cấu nhân sự của HĐQT đã thay đổi sau mỗi lần ĐHCĐ bất thường và trong đó luôn hình thành các nhóm đối kháng.

Cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông lớn ở Eximbank khiến tình hình kinh doanh của ngân hàng sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh minh họa tại một ĐHCĐ của ngân hàng: Việt Đức

Cuộc “nội chiến” không có hồi kết này khiến tình hình kinh doanh của Eximbank rơi từ nhóm đầu xuống các vị trí cuối trong hệ thống ngân hàng. Eximbank vẫn sẽ mãi chìm đắm trong khủng hoảng, nếu các nhóm cổ đông không tìm được tiếng nói chung mà tập trung vào các lỗ hổng quản trị để khơi mào các cuộc chiến vương quyền. Năm ngoái, Eximbank đã hai lần tổ chức ĐHCĐ bất thành giữa vòng xoáy tranh chấp của các cổ đông lớn.

Cổ đông lớn thường mang ý nghĩa là nhóm tạo động lực, hỗ trợ tài chính, chiến lược cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên có không ít trường hợp doanh nghiệp phải “thất thủ” dưới sức ép của họ khi lợi ích của nhóm này được đặt cao hơn lợi ích của doanh nghiệp. Dù bất kỳ lý do nào nhưng việc cổ đông lớn tạo ra sự đối kháng trong HĐQT cũng khiến cho hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Thực tế, việc các doanh nghiệp có mối quan hệ “thân quen” khi cùng chung cổ đông/nhóm cổ đông nắm vai trò lãnh đạo làm dấy lên những nghi ngờ và khiến những cổ đông lớn không thể yên tâm. Nhất là khi họ không có đủ công cụ, điều kiện để kiểm soát mối quan hệ lợi ích giữa các doanh nghiệp này. 

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng đo lường được sự phức tạp trong ý đồ tiếp cận  của các nhà đầu tư để có thể đưa ra các phương án phòng thủ. Câu chuyện hai cổ đông ngoại Platinum Victory PTE (Singapore) và tập đoàn đồ uống F&N (Thái Lan) miệt mài đăng ký thu gom thêm cổ phiếu Vinamilk trong 2 năm qua nhưng không thành công là một ví dụ.

Trở lại câu chuyện của Coteccons và Kusto, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cho biết họ có lý do để sợ cổ động ngoại này khi nhìn lại lịch sử đầu tư của họ tại Việt Nam. Nói về Kusto là nhớ đến một công ty đầu tư với những câu chuyện tai tiếng tại Descon và Beton 6, từng là hai doanh nghiệp tên tuổi trong ngành xây dựng và vật liệu tại Việt Nam.

Đối với Descon, nhóm Kusto sau khi nắm đủ số phiếu biểu quyết đã tiến hành bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Xuân Bằng, người sau đó phải rời đi sau 20 năm gắn bó với doanh nghiệp. Còn đối với Beton 6, doanh nghiệp này cũng bất ngờ hủy niêm yết vào cuối năm 2015, dưới danh nghĩa tái cấu trúc hoạt động trong một năm có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, với sự hậu thuẫn của nhóm cổ đông có liên quan đến Kusto.

Tại ĐHCĐ của Coteccons vào tháng 4-2019, phía Kusto từng phải nhận chất vấn từ các cổ đông khác của Coteccons về động cơ của việc công bố những thông tin bất lợi về thương vụ sáp nhập Ricons vào Coteccons trước thềm cuộc họp. Đến năm nay, trước thềm đại hội những thế trận thông tin tiêu cực một lần nữa được cổ đông lớn này khơi dậy. Liệu rằng cuộc chiến này có được ngã ngũ khi hai bên đối diện nhau tại ĐHCĐ hay không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới