Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi đường đua 5G vẫn chưa xác định đích đến

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hơn 3 năm đã trôi qua kể từ khi Việt Nam thiết lập thành công cuộc gọi điện thoại công nghệ 5G vào tháng 5-2019, đến nay công nghệ viễn thông này vẫn chưa được cung cấp ra thị trường. Việc kéo dài thời điểm thương mại hóa 5G không đơn thuần đến từ nhà cung cấp dịch vụ, mà còn đến từ sự ngần ngại của người dùng qua thử nghiệm lẫn sự chậm trễ về mặt chính sách.

Người dùng trải nghiệm dịch vụ 5G của Viettel. Ảnh: DNCC

Chờ đợi được đấu giá băng tần

Vào tháng 5-2019, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thiết lập thành công cuộc gọi điện thoại công nghệ 5G. Cuối tháng 12-2020 đến nay, 3 mạng viễn thông Viettel, Vinaphone, MobiFone đã thử nghiệm thương mại 5G tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thế nhưng hiện tại, khi mà thế giới đã có bước phát triển dài trong thương mại hóa 5G, thì Việt Nam vẫn chưa thể cung cấp dịch vụ rộng rãi, tỷ lệ kết nối, sử dụng mạng 5G khá thấp. Theo đó, trong tổng số hơn 71 triệu thuê bao băng rộng di động (3G, 4G, 5G), thì tỷ trọng thuê bao 5G chỉ đạt 0,54%.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, với nguồn lực của Việt Nam, kết quả đạt được trong nghiên cứu, phát triển thiết bị 5G từ năm 2019 đến nay có thể đánh giá là đã có bước đột phá. Tuy nhiên, để đáp ứng triển khai mạng 5G bằng thiết bị hoàn toàn của Việt Nam ở diện rộng trong năm 2022 là chưa được. Nguyên nhân do khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch bệnh Covid-19 và tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đã làm kéo dài thời gian nghiên cứu sản xuất thêm 10 – 12 tháng.

Cùng với đó, còn là thách thức về kỹ thuật, công nghệ. Các tiêu chuẩn công nghệ 5G về chất lượng sản phẩm và dịch vụ đang phát triển và chưa được quốc tế thống nhất ban hành. Ngoài ra còn khó khăn về nguồn lực đầu tư. Việt Nam mới chỉ đầu tư cho 5G khoảng 65 triệu đô la Mỹ, trong khi các hãng lớn trên thế giới đầu tư hàng tỉ đô la.

Trên thực tế, Việt Nam chưa triển khai đấu giá băng tầng 5G. Các băng tần 2G, 3G, 4G trước đây được cung cấp cho các nhà mạng theo hình thức miễn phí hoặc thi tuyển. Nhưng với băng tần 5G, chính phủ muốn cấp phép thông qua hoạt động đấu giá. Trước hết, việc này giúp mang lại nguồn thu hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước, và đấu giá băng tần cũng là xu hướng chung của thế giới nhằm tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng. Kế tiếp, khi doanh nghiệp bỏ tiền ra đấu giá sẽ có trách nhiệm trong việc triển khai dịch vụ, không lãng phí băng tần được cấp giấy phép sử dụng.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc đấu giá băng tần đang bị chậm trễ. Xuất phát từ nguyên nhân khách quan, nghị định về đấu giá vào cuối năm 2021 mới hoàn chỉnh – Nghị định 88 – để trở thành cơ sở pháp lý thực hiện các tiến trình đấu giá tần số 5G. Sau khi đầy đủ điều kiện pháp lý, việc đấu giá băng tần 5G mới có thể thực hiện vào đầu năm 2023.

Nhu cầu từ doanh nghiệp, người dùng

Từ vài năm nay, trong các cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các mạng viễn thông di động đều kiến nghị cơ quan chức năng triển khai đấu giá bằng tần 5G để họ có thể sớm cung cấp dịch vụ cho khách hàng, trước nhu cầu ngày càng cao về băng thông và tốc độ internet di động.

Tại một hội nghị của khối ASEAN về 5G diễn ra vào tháng 10 vừa qua, ông Yishen Chan, Giám đốc điều tiết tần số, khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), cho biết 5G có băng thông và tốc độ lớn hơn nhiều so với 3G và 4G. Đầu năm 2022, nghiên cứu về tác động kinh tế, xã hội của 5G do GSMA thực hiện cho thấy, vào năm 2030, 5G sẽ đóng góp thêm 961 tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu. Do đó GSMA cho rằng, chính phủ các nước nên phân bổ băng tần 5G ở thời điểm phù hợp để thúc đẩy sự phát triển.

Đại diện trong lĩnh vực viễn thông của nhiều nền kinh tế trong khu vực ASEAN cũng cho rằng, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của khu vực, việc triển khai 5G được xem là bệ phóng thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số ở các nền kinh tế thành viên.

Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực và trên thế giới cho phép các nhà mạng thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G (thử nghiệm cung cấp miễn phí cho người dùng trải nghiệm về công nghệ, chưa được phép cung cấp tính phí).

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh thành phố. Việt Nam đặt mục tiêu sớm phủ sóng 5G tới các khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu, khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng 5G ngay khi cấp phép… và đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số có kết nối 5G.

Công nghệ 5G sẽ là tiền đề để tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế thực hiện chuyển đổi số, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Còn theo ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch VNPT Technology, 5G sẽ giúp xây dựng một xã hội kết nối, tạo thuận lợi cho triển khai các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng số tới mọi người dân, mọi tổ chức.

Ở góc nhìn của một chuyên gia hạ tầng viễn thông, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng, 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. 5G tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp.

Theo ông Denis Brunetti, khi chuyển từ 4G lên 5G thì không chỉ người dân và người tiêu dùng được hưởng lợi, thậm chí những nhà khai thác cũng được hưởng lợi vì băng tần được sử dụng hiệu quả hơn, công suất và năng lượng tiêu thụ của cơ sở hạ tầng cũng giảm đi.

Nghiên cứu của Ericsson chỉ ra rằng đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3-7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới