Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi hạ tầng CNTT tiến lên bước cao hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi hạ tầng CNTT tiến lên bước cao hơn

Hoàng Duy

(TBVTSG) – Những xu hướng mới trong ứng dụng CNTT đang ngày càng đến gần với thực tế, là một thách thức đối với doanh nghiệp trong việc đầu tư và chuẩn hóa hệ thống cho phù hợp với nhu cầu của mình cũng như môi trường công nghệ tương lai.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ của Cisco Vietnam, cho biết việc gia tăng hiệu suất cho trung tâm dữ liệu và không ngừng đưa ra những ứng dụng mới trên môi trường điện toán hợp nhất đang là xu hướng của ngành CNTT. Tại cuộc hội thảo về chủ đề trung tâm dữ liệu được tổ chức vào tuần trước ở TP.HCM, Cisco và các đối Intel, VMware, APC, EMC đã khẳng định sẽ hợp tác để đưa ra những nền tảng và chương trình ứng dụng nhằm gia tăng hiệu suất hoạt động của hệ thống và giá trị của dịch vụ, cùng với việc hạ thấp chi phí đầu tư trong doanh nghiệp.

Trung tâm dữ liệu của tương lai

Ông Arun Natarajan, Giám đốc giải pháp điện toán hợp nhất Cisco châu Á-Thái Bình Dương, nói rằng trung tâm dữ liệu thế hệ mới là một kiến trúc thống nhất, giúp tăng cường ứng dụng và năng lực kiểm soát dữ liệu, cho phép khách hàng ảo hóa số lượng nội dung ứng dụng lớn hơn. Chúng cho phép tiếp nhận, tái cấu trúc nguồn tài nguyên để phân bổ nhanh chóng và hữu hiệu hơn.

Ví dụ, Cisco đang ứng dụng một đám mây điện toán riêng với các giải pháp phục vụ nội bộ. Các hoạt động kinh doanh được hỗ trợ nhanh chóng và chi phí được giảm thiểu, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Thời gian để triển khai hệ thống từ vài tháng hay vài tuần nay giảm xuống còn vài ngày, thậm chí tính theo phút, trong khi vẫn giữ được sự ổn định và tính sẵn sàng cao.

Theo ông Kok Leong Ong, chuyên gia tư vấn công nghệ cao cấp của VMware, tính phức tạp, hiệu suất thấp và kém linh hoạt đang tạo ra những áp lực cho hạ tầng CNTT hiện nay.

Trung bình chỉ có 30% chi phí đầu tư của doanh nghiệp cho CNTT là dành cho phần sáng tạo, trong khi 47% chi phí để bảo dưỡng hạ tầng và 30% dành cho bảo dưỡng ứng dụng. Do đó, các giải pháp mới cần tập trung vào việc tự do hóa cơ sở hạ tầng CNTT trên nền điện toán đám mây để cung cấp các dịch vụ có độ linh hoạt cao, đơn giản và đáp ứng theo nhu cầu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, nhiều khách hàng tại Mỹ đã áp dụng giải pháp điện toán đám mây đang gặp phải thách thức là có thể phải viết lại phần mềm. Như vậy, doanh nghiệp khi đầu tư cho dịch vụ mới này cần đặt ra câu hỏi rằng liệu các ứng dụng có sẵn có thể chạy trên trung tâm dữ liệu mới hay không.

Lộ trình phát triển theo ý kiến của VMware là doanh nghiệp phải tập hợp và sử dụng được nguồn tài nguyên có hiệu quả theo nhu cầu và tự quản lý. Các tài nguyên phải được tiêu dùng dưới dạng dịch vụ và được vận hành riêng lẻ và an toàn, đồng thời hỗ trợ được các ứng dụng hiện tại mà không phải viết lại hoặc kiến trúc lại làm lãng phí các khoản đầu tư ban đầu.

Ở góc độ khác, theo ông Lê Hùng, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của EMC, dù những “đám mây” cung cấp một môi trường điện toán hoàn hảo đến đâu thì doanh nghiệp cũng cần nhận biết rằng đó không chỉ là lưu trữ thông tin, mà còn là sự phân loại, sắp xếp và làm cho thông tin trở nên thông minh hơn, kèm theo đó là tính an ninh cao hơn.

Mô hình ứng dụng được thay đổi phải linh hoạt theo mô hình kinh doanh, như thế tài nguyên thông tin sẽ được sử dụng hữu ích hơn. Các giải pháp của EMC vì thế nhằm tạo nên một môi trường tính toán ảo (Virtual Computing Environment). Khách hàng thay vì chọn lựa riêng biệt từ mạng, máy chủ, lưu trữ có thể tự xây dựng hạ tầng hợp nhất với chi phí theo nhu cầu ứng dụng.

Hành trình đến “đám mây”

Hãng nghiên cứu thị trường IDC dự báo, chi phí đầu tư cho CNTT sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới, riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có mức tăng dự kiến hơn 7% trong năm 2011.

Trong khi đó, các dịch vụ điện toán đám mây trên toàn cầu với doanh số khoảng 14 tỷ đô-la Mỹ năm 2009 sẽ tăng lên 42 tỷ đô-la vào năm 2013, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong các khu vực dịch vụ.

Điện toán đám mây cũng là giải pháp đang thu hút sự quan tâm của thị trường nhiều nhất, và thị trường này đang chuyển dần từ giai đoạn khởi đầu sang trưởng thành.

Trong một cuộc nghiên cứu gần đây do IDC thực hiện với sự tham gia của gần 700 nhà lãnh đạo CNTT và CIO tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương (trừ Nhật) về tình hình ứng dụng hiện tại và kế hoạch tương lai về điện toán đám mây, những người tham gia cuộc nghiên cứu cho rằng điện toán đám mây vẫn là sự “đe dọa” đối với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống, và mô hình dịch vụ mới này sẽ tạo ra cơ hội giúp cải thiện dịch vụ của các nhà cung cấp.

Tuy nhiên, chỉ có 11% nhà lãnh đạo CNTT cho biết đang sử dụng các giải pháp điện toán đám mây cho doanh nghiệp mình; 41% đang dùng thử hoặc đang đánh giá giải pháp để có thể sử dụng; trong khi 17% cho rằng giải pháp này dù rất tiềm năng nhưng hiện nay vẫn chưa có đủ dịch vụ cần thiết để làm cho nó trở nên hấp dẫn.

Theo ông Lâm Nguyễn, Tổng giám đốc IDC tại Việt Nam, những lợi ích và thách thức mà cả doanh nghiệp và người sử dụng đã trải qua cho thấy để giải pháp này có thể thành công trên thị trường Việt Nam, các nhà cung cấp phải giải tỏa được những lo ngại về chi phí của người sử dụng.

Tuy nhiên, giá thành rẻ không thể tạo nên thành công cho điện toán đám mây mà nó phải bảo đảm được những yêu cầu về cấp độ dịch vụ (Services Level Agreement – SLA), khả năng mở rộng và mang lại những giải pháp hoàn chỉnh cho người sử dụng.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp dựa vào sự phát triển của các ứng dụng và nền tảng CNTT qua Internet hoặc “đám mây” để cung cấp những ứng dụng theo cách thức tiết kiệm chi phí. Các ứng dụng web trên toàn cầu đang chứng minh về tính hữu hiệu của môi trường điện toán đám mây.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng không phải dịch vụ nào ra đời cũng là dành cho tất cả mọi nhu cầu tiêu dùng. IDC cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để bảo đảm tính an ninh và tính riêng tư trong các ứng dụng.

Ví dụ, một khi dữ liệu được cập nhật “trên mây”, liệu nó có thể dễ dàng bị xâm phạm? Và các cơ sở pháp lý liệu đã theo kịp mô hình dịch vụ mới để bảo vệ người sử dụng? “Vì thế chính doanh nghiệp là người quyết định chọn lựa khi nào thì cung cấp dịch vụ “trên mây” theo hướng riêng tư hay công cộng, hay theo thuê bao”, ông Lâm nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới