Chủ Nhật, 8/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khi lô sầu riêng tươi đầu tiên của Malaysia ‘đi máy bay’ đến Trung Quốc

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi vượt qua hành trình gần 4.000 km bằng đường hàng không, lô sầu riêng tươi đầu tiên của Malaysia đã đến thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc vào cuối tháng 8. Đây là dấu mốc quan trọng với Malaysia, quê hương của nhiều loại sầu riêng nổi tiếng như Musang King trên con đường tìm cách khai thác thị trường sầu riêng “tỉ đô” của Trung Quốc.

Để khai thác thị trường này, các nhà xuất khẩu sầu riêng của Malaysia phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến hậu cần và việc giữ độ tươi của trái sầu riêng. Hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu và giới chức trách Malaysia cho rằng, sẽ tập trung vào chất lượng siêu hạng của các giống sầu riêng đặc sản để nhắm đến phân khúc cao cấp ở Trung Quốc.

Mừng lo với lô sầu riêng đầu tiên

Hôm 25-8, 15 tấn sầu riêng tươi của Malaysia hoàn tất thủ tục thông quan tại sân bay quốc tế Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam. Lô sầu riêng này gồm các loại cao cấp của Malaysia như Musang King, Black Thorn, D24 và IOI, được vận chuyển bằng máy bay thuê bao từ thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. 25 tấn sầu riêng khác của Malaysia tiếp tục đến Trịnh Châu trong hai ngày sau đó.

Những trái sầu riêng này sau đó được giao cho khách hàng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến. Đây là lô sầu riêng tươi đầu tiên của Malaysia bán sang Trung Quốc kể từ khi hai nước ký thỏa thuận cách đây hai tháng.

“Sau khi rời Malaysia, tất cả sầu riêng tươi phải được giao cho khách hàng đặt mua trước ở Trung Quốc trong vòng 36 tiếng để bảo đảm chất lượng tối ưu”, Edwyn Chiang, Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Sầu riêng Quốc tế Malaysia (MIDIDA) nói.

Các chuyên gia trong ngành cảnh báo, các nhà xuất khẩu sầu riêng của Malaysia có thể đối mặt với nhiều thách thức, gồm sự cạnh tranh về khối lượng xuất khẩu từ các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á. Điều này là do nông dân Malaysia áp dụng phương pháp thu hoạch tự nhiên, đợi sầu riêng chín và rụng xuống thay vì cắt sớm hơn. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển sầu riêng bằng máy bay sang Trung Quốc cũng rất tốn kém. Do vậy, các nhà xuất khẩu và giới chức trách Malaysia nhấn mạnh, sẽ tập trung chất lượng siêu hạng của các giống sầu riêng đặc sản để nhắm đến phân khúc thị trường cao cấp ở Trung Quốc.

Hiện tại, một số nhà xuất khẩu của Malaysia cũng lo ngại các rủi ro liên quan đến thời hạn sử dụng ngắn của sầu riêng tươi cũng như các vấn đề về vận chuyển.

Lô sầu riêng tươi đầu tiên của Malaysia bán cho khách hàng Trung Quốc với giá 200 nhân dân tệ, khoảng 28 đô la Mỹ/kg. Trong đó, sầu riêng Musa King bán với giá 258 nhân dân tệ, 36 đô la/kg. Mức giá này cao hơn đáng kể so với khoảng 160 nhân dân tệ/kg với sầu riêng đông lạnh của Malaysia xuất khẩu sang nước này.

Hồi tháng 4, tờ Bangkok Post của Thái Lan đưa tin, sầu riêng của Thái Lan bán sang Trung Quốc với giá trung bình 5,8 đô la/kg còn giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khoảng 4,22 đô la/kg.

Tháng trước, Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia Mohamad Sabu đã ghé thăm một cơ sở đóng gói và phân phối sầu riêng tại thành phố Thâm Quyến. Ông cho biết, sầu riêng tươi Musa King của Malaysia được đóng gói lại và bán với giá 350 ringgit (80 đô la) /trái ở các cửa hàng bán lẻ trái cây tại thành phố này.

“Tất cả sầu riêng Musa King của Malaysia bán hết veo trong vòng vài giờ”, ông viết trên trang facebook cá nhân hôm 26-8.

Edwyn Chiang, Tổng Thư ký MIDIDA cho biết, có tám nhà xuất khẩu tham gia lô sầu riêng đầu tiên bán sang Trung Quốc. Hiện tại, có 16 nhà xuất khẩu, bao gồm các chủ nông trại sầu riêng ở Malaysia đã đăng ký xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường này.

“Vụ thu hoạch sầu riêng hiện tại sắp kết thúc. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều nhà xuất khẩu hơn vào cuối năm nay khi vụ thu hoạch mới bắt đầu vào tháng 11”, ông nói.

Nhu cầu sầu riêng và các sản phẩm sầu riêng của Malaysia tăng mạnh ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong năm 2023, quốc gia Đông Nam Á này xuất khẩu 1,2 tỉ ringgit sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, so với 170 triệu ringgit vào năm 2017.

Nhắm đến phân khúc cao cấp

Cùng với Thái Lan, Việt Nam và Philippines, Malaysia là nước thứ tư được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, nơi kim ngạch nhập khẩu sầu riêng tươi đã tăng hơn 12 lần trong giai đoạn 2017-2023. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng tươi, trong đó 929.000 tấn đến từ Thái Lan, 493.000 tấn từ Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Malaysia sẽ không thể cạnh tranh về khối lượng sầu riêng bán sang Trung Quốc với các nhà xuất khẩu sầu riêng hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, nước này có thể tận dụng thế mạnh về chất lượng sầu riêng để nhắm vào phân khúc cao cấp của thị trường Trung Quốc.

Theo Edwyn Chiang của MIDIDA, phương pháp thu hoạch truyền thống là đợi sầu riêng chín và rụng xuống tự nhiên đặt nước này vào thế bất lợi về khối lượng so với Thái Lan và Việt Nam. Năm ngoái, Malaysia sản xuất 455.458 tấn sầu riêng. Dự kiến, đến năm 2025, sản lượng cũng chỉ đạt 505.853 tấn. Trong khi đó, vào năm ngoái, Thái Lan đã sản xuất gần 770.000 tấn sầu riêng còn Việt Nam có 800.000 tấn.

Thêm vào đó, một thách thức lớn của nước này trong việc xuất khẩu sầu riêng tươi là chi phí kho vận. Chẳng hạn, các dịch vụ chuyến bay thuê bao vận chuyển hàng hóa có thể làm chi phí xuất khẩu sầu riêng tươi tăng thêm từ 5-10 ringgit (1,15 – 2,3 đô la)/kg.

Theo Ong Soon Ho, Chủ tịch Hextar Holdings và là cổ động của công ty xuất khẩu sầu riêng PHG Ever Fresh Group (Malaysia), hoạt động xuất khẩu sầu riêng của Malaysia là “cuộc chạy đua với thời gian” vì thời hạn sử dụng ngắn cũng như những vấn đề tiềm ẩn phát sinh trong quá trình vận chuyển.

PHG Ever Fresh là một trong những nhà cung cấp và xuất khẩu sầu riêng lớn ở Malaysia. Công ty này xuất khẩu hơn 3.000 tấn sầu riêng mỗi năm, sang các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Úc, Canada và Mỹ.

Lim Chin Khee, chuyên gia tư vấn ở Học viện Sầu riêng (Malaysia), cho rằng quy trình thu hoạch đợi sầu riêng chín tự nhiên dẫn đến thời hạn sử dụng ngắn sau khi thu hoạch và làm tăng rủi ro hư hỏng trong quá trình vận chuyển để xuất khẩu. Trái lại, Thái Lan và Việt Nam áp dụng phương pháp thu hoạch không cần đợi sầu riêng chín trên cây nên có lợi thế về các khía cạnh thời hạn sử dụng và vận chuyển.

Tuy nhiên, Malaysia có thể biến bất lợi về thời gian sử dụng ngắn của sầu riêng tươi thành sự khác biệt để định vị sầu riêng của Malaysia như là sản phẩm cao cấp.

“Chúng tôi có thể không cạnh tranh được về số lượng xuất khẩu sầu riêng nhưng có thể nhắm đến phân khúc cao cấp bằng cách tiếp thị sầu riêng như là một loại trái cây xa xỉ, giồng như dâu Tây ở Nhật Bản”, ông nói.

Ông Chiang của MIDIDA cũng có nhận định tương tự, cho rằng nông dân trồng sầu riêng của nước này có thể vẫn duy trì phương pháp thu hoạch truyền thống vì sẽ giúp múi sầu riêng có kết cấu cơm mịn như kem, mùi thơm nồng và hương vị ngọt đắng. Đây là lợi thế cạnh tranh bán hàng khác biệt của sầu riêng Malaysia.

Theo Business Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới