Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi nào mới hết bị “làm khó”?

Long Châu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong tháng qua, có ba câu chuyện liên quan đến hai sân bay và hai cảng biển thuộc loại lớn nhất nước đáng để suy ngẫm về việc tổ chức hoạt động trong thời gian giãn cách. Cùng là đô thị lớn đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cùng là cảng biển, sân bay quốc gia nhưng cách hành xử của chính quyền cơ sở đã bộc lộ nhiều điều bất hợp lý.

Đầu tiên là việc UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội), hôm 8-8, ra công văn yêu cầu lực lượng lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện này phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Huyện này cũng buộc các hãng hàng không thuộc sân bay quốc tế Nội Bài đóng trên địa bàn huyện cũng phải áp dụng quy định này. Các hãng hàng không nước ngoài đang hoạt động tại Nội Bài kêu trời vì họ không thể giữ nhân viên ở lại nơi làm việc trong bối cảnh một tuần chỉ có vài chuyến bay(1).

Trên thực tế, sân bay Nội Bài lâu nay vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ theo quy định chặt chẽ của ngành hàng không thế giới và Bộ Y tế. Ngoài ra, Nội Bài là sân bay quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nên việc chính quyền huyện Sóc Sơn áp quy định kiểm soát chỉ vì Nội Bài nằm trên địa phận của huyện này là vô lý.

Trái ngược hoàn toàn với tình trạng “bị làm khó” của Nội Bài, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), nhân viên các hàng hàng không vẫn đi về bình thường, kể cả trong khung giờ hạn chế ban đêm. Tuy nằm trên địa phận quận Tân Bình nhưng Tân Sơn Nhất không hề bị chính quyền quận này – đồng cấp với huyện Sóc Sơn – áp đặt quy định “3 tại chỗ” như sân bay Nội Bài hay các quy định khác, dù TPHCM đang áp dụng các biện pháp giãn cách ở mức độ còn cao hơn Hà Nội.

Cũng trong đầu tháng 8 này, cảng Cát Lái tại TPHCM đã được “giải cứu” chỉ trong khoảng hơn 10 ngày. Trước đó, vào cuối tháng 7, cảng Cát Lái đã báo động tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, khi dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất, lượng container tồn bãi gần hết công suất và cảng chỉ còn 50% nhân lực làm việc do các quy định kiểm dịch.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương, Bộ GTVT và chính quyền các tỉnh thành có liên quan như TPHCM, Đồng Nai (nơi có nhiều nhân viên cảng này sinh sống), Bà Rịa – Vũng Tàu (nơi có nhiều cảng có thể chia sẻ bãi chứa hàng) và các cảng liên quan đã cùng vào cuộc tìm cách tháo gỡ. Đồng thời, cảng Cát Lái họp trực tuyến với 1.500 khách hàng là doanh nghiệp logistics, hãng tàu, cảng trong và ngoài nước để tìm cách điều phối hàng hóa nhanh nhất có thể. Nhờ sự phối hợp này, cảng đầu mối xuất khẩu hàng trọng yếu của các tỉnh phía Nam này đã trở lại hoạt động bình thường từ ngày 12-8(2).

Việc giải quyết ùn tắc cho cảng Cát Lái là kết quả từ sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp liên quan. Đây là một mô hình giải quyết các ách tắc phát sinh cần nhân rộng.

Cũng liên quan đến cảng thì cảng biển quốc gia Hải Phòng lại là một bài học đáng buồn. Hôm 8-8, Bộ GTVT đã “nghiêm khắc phê bình Sở GTVT Hải Phòng vì trái chỉ đạo của Chính phủ về lưu thông hàng hóa” trong tháng 7 vừa qua. Bộ GTVT cũng nhấn mạnh “là cửa ngõ lưu thông hàng hóa của cả miền Bắc, Hải Phòng cần hết sức nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, không để xảy ra một trường hợp nào nữa”.(3)

Điều đáng nói là, đây không phải lần đầu tiên Hải Phòng tự đặt ra thêm quy định kiểm soát khi có đợt bùng dịch. Hồi tháng 2, các tỉnh có hàng xuất khẩu qua cảng Hải Phòng – đặc biệt là Hải Dương – cũng đã một phen điêu đứng vì Hải Phòng lập chốt kiểm dịch, chặn xe chở hàng xuất khẩu xuống cảng.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài do dịch bệnh, đã đến lúc cần có những quy định cứng rắn hơn từ phía Chính phủ để ngăn chặn tình trạng các địa phương tự đặt ra thêm điều kiện làm khó doanh nghiệp. Cần quy định rõ các sân bay, cảng biển… trọng điểm thì các địa phương không được tùy tiện áp đặt quy định riêng mà phải do các bộ có liên quan quản lý và quyết định.

Mục tiêu tối thượng là đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch để phát triển. Các quy định tùy tiện, vượt cấp sẽ làm doanh nghiệp kiệt sức và bị thiệt hại nặng. Dù có sửa chữa sau đó thì doanh nghiệp cũng đã lành đủ hậu quả “được vạ thì má đã sưng”!

———-

(1) https://tienphong.vn/hang-khong-lai-cau-cuu-vi-ha-noi-chong-dich-3-tai-cho-voi-ca-nhan-vien-san-bay-post1364896.tpo
(2) https://www.baogiaothong.vn/go-nut-that-giao-thong-tranh-nguy-co-tac-nghen-cang-cat-lai-d520379.html
(3) https://www.thesaigontimes.vn/319247/bo-gtvt-phe-binh-so-gtvt-hai-phong-trai-lenh-chinh-phu-ve-luu-thong-hang-hoa.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới